TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 21-01-2016

    Người Việt sẽ đến BigC để mua... hàng Thái?

    Có lẽ, người tiêu dùng sẽ sớm phải làm quen với việc thấy nhiều nhãn hàng Thái hơn trên các kệ hàng trong siêu thị này.

    Sau khi công ty mẹ, tập đoàn Casino Group của Pháp ngỏ ý muốn bán BigC tại một số thị trường không trọng điểm, trong đó có BigC Việt Nam, đã có tới hai "đại gia" ngỏ ý muốn mua lại. Tuy nhiên, một điều đặc biệt cả hai cái tên này đều đến từ Thái Lan, và đều là những cái tên không mấy xa lạ, Berli Jucker (BJC) và Central Group .

    Đây cũng chính là những cái tên đứng sau hàng loạt các vụ thâu tóm các thương hiệu bán lẻ đình đám mới đây tại Việt Nam như Nguyễn Kim, FamilyMart hay Metro.

    nguoi viet se den bigc de mua... hang thai?

    Người Việt sẽ đến BigC để mua... hàng Thái?

    Hồi đầu tháng 8-2014, BJC đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn Metro (Đức) mua lại lĩnh vực kinh doanh sỉ của Metro tại Việt Nam, tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Metro Cash & Carry Việt Nam bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan với giá trị 655 triệu euro.

    Theo đó, một khi thương vụ mua Metro Việt Nam thành công, hệ thống bán sỉ lớn nhất và duy nhất ở Việt Nam sẽ rơi vào tay người Thái.

    Trước đó, hồi giữa năm 2013, BJC cũng đã thực hiện một thương vụ thâu tóm đình đám khác là mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart của Nhật và đổi tên thành B'mart.

    Tính đến cuối năm 2015, B'smart có khoảng 123 điểm bán hàng trên toàn quốc và BJC dự định sẽ tăng con số này lên 300 cửa hàng trước năm 2018 với chi phí đầu tư 1 tỷ Bath.

    Trở lại câu truyện của BigC Việt Nam, có mặt tại Việt Nam từ rất sớm, năm 1998, hệ thống chuỗi siêu thi Big C là một trong những chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam với khoảng 31 siêu thị trên cả nước.

    Với slogan quen thuộc "Giá rẻ cho mọi nhà", từ lâu thương hiện này đã tạo được một chỗ đứng nhất định trong tâm trí người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, có lẽ, người tiêu dùng sẽ sớm phải làm quen với việc thấy nhiều nhãn hàng Thái hơn trên các kệ hàng trong siêu thị này.

    Bởi, sau khi mua lại các chuỗi siêu thị, người Thái đã không dấu tham vọng "Thái hóa" các mặt hàng bày bán khi tuyên bố, hơn 70% hàng hóa tại FamilyMart và khoảng 60% tại Metro sẽ có xuất xứ từ Thái Lan, còn lại là hàng Việt Nam.

    Và một tương lai tương tự cũng đang chờ đợi BigC, cho dù hệ thống bán lẻ này rơi vào tay ai trong hai ứng viên.

    Theo một báo cáo mới đây, thì hiện ở các siêu thị, hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam chiếm tỷ trọng lên tới trên 90%. Tuy nhiên, một khi các "gã khổng lồ" Thái chính thức bước vào "sân chơi", tỷ trọng này sẽ bị thay đổi một cách đáng kể khi họ nắm trong tay từ những cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đến các siêu thị hoành tráng.

    Với lợi thế chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, hàng Thái đang dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt. Trong khi đó, khoảng cách địa lý gần cùng những chính sách cởi mở về thuế quan của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ càng làm cho hàng Thái nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh trong thời gian tới.

    Đây sẽ là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh việc doanh nghiệp bị mất thị phần thì người lao động bị mất việc làm.

    Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng, để không bị thua ngay trên sân nhà, tự bản thân các doanh nghiệp cần có sự thay đổi mạnh mẽ hơn, từ khâu sản xuất đến tiếp thị, lưu thông hàng hóa. Có như vậy, người tiêu dùng mới bị thuyết phục và khẩu hiệu "người Việt dùng hàng Việt" sẽ phát huy hiệu quả hơn.


    Chỉ nộp 50% thuế khi làm việc trong cụm công nghiệp

    Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Trong đó đặc biệt có các chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp và người lao động vào làm việc.

    Người làm việc trong cụm công nghiệp chỉ phải nộp 50% thuế thu nhập cá nhân trong vòng 15 năm, chỉ nộp 50% thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thưởng hằng năm.

    Dự án nằm trong cụm công nghiệp được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như dự án nằm ở vùng kinh tế-xã hội khó khăn.

    Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công được vay tối đa 70% vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, được xem xét thuê đất đến 70 năm, được xem xét huy động vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

    Theo dự thảo này, các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm cần di dời ra khỏi làng nghề, khu dân cư; các ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động... cần khuyến khích vào cụm công nghiệp.


    Doanh nghiệp bị ràng buộc trong quá nhiều giấy tờ

    Sáng 20-1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lấy góp ý hiến kế xây dựng luật hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa.

    Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT), cho rằng các quy định, chính sách hỗ trợ DN hiện hành đang nằm rải rác ở rất nhiều văn bản khác nhau, DN rất khó tìm kiếm chính sách, mà có tìm ra chính sách thì việc xin hưởng chính sách hỗ trợ còn khó hơn nhiều lần.

    Do đó, việc tập trung các chính sách hỗ trợ DN vào một luật sẽ giúp DN tiếp cận dễ dàng hơn, hưởng chính sách hiệu quả hơn.

    Ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng Phát triển DN nhỏ và vừa, cho rằng lâu nay Nhà nước hỗ trợ theo kiểu có cái gì thì cho cái nấy, hỗ trợ theo khả năng của Nhà nước chứ chưa hỗ trợ dựa trên nhu cầu thực tế của DN.

    Thậm chí nhiều chính sách được xây dựng nhưng không thực hiện được, chẳng khác gì đào mương mà trong mương không có nước.

     

     quang canh buoi hop lay y kien sang nay

     Quang cảnh buổi họp lấy ý kiến sáng nay

    Ông Nguyễn Văn Bé, Hiệp hội Các DN Khu công nghiệp TP.HCM, cho rằng DN đang rất cần sự đổi mới về hành chính. Các luật chuyên ngành nhiều thủ tục hơn bao giờ hết, phá vỡ hết các quy trình một cửa. DN bị ràng buộc trong quá nhiều thứ giấy tờ.

    Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, những luật được đánh giá cao thời gian qua đều là những luật có cải cách, cắt giảm thủ tục.

    Góp ý xây dựng luật này, ông Nguyễn Hoàng Dũng (Viện Nghiên cứu lãnh đạo và quản trị DN) cho rằng chúng ta phát triển DN rất tốt về số lượng nhưng cần xem lại chất lượng vì tính rủi ro rất cao, dễ giải thể, phá sản. DN nào cũng cần hỗ trợ vốn, hỗ trợ quỹ đất. Vậy Nhà nước hỗ trợ cái gì? Một là hỗ trợ thành lập thông thoáng; hai là hỗ trợ giải quyết tranh chấp như tranh chấp hàng gian hàng giả; hỗ trợ đào tạo cho DN nhận rõ cơ hội và rủi ro, cách thay đổi để tận dụng cơ hội.


    Vương quốc Anh rót vốn mạnh vào khu công nghiệp TP.HCM

    Tại cuộc họp báo về tình hình hoạt động tại các khu chế xuất và công nghiệp (KCX-KCN) năm 2015, tổ chức ngày 19-1 tại TP.HCM, đại diện Ban quản lý KCX-KCN TP.HCM (Hepza) cho biết British Virgin Islands (Quần đảo Virgin thuộc Vương quốc Anh) dẫn đầu về số vốn đầu tư nước ngoài  (FDI) vào KCX-KCN TP.HCM

    Số vốn trên chiếm gần 70% tổng vốn đầu tư, vượt qua những nhà đầu tư lớn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản... 

    Xếp sau là Hàn Quốc (14%), Singapore (10%), HongKong (4%). Trong khi Nhật Bản chỉ chiếm 1,1%, Trung Quốc 0,2%, Mỹ cũng 0,2%. Các ngành nghề đầu tư thu hút vốn FDI nhiều nhất là dệt may, thực phẩm, hóa chất, cơ khí, nhựa - cao su…

    Các dự án có vốn đầu tư lớn như dự án Công ty Worldon tại KCN Đông Nam, sản xuất hàng may mặc cao cấp lên tới 300 triệu USD, Công ty Phân bón Hàn Việt hơn 39 triệu USD và dự án Daehan Motors tại KCN Cơ khí Ô tô (20 triệu USD).

    Theo đại diện Hepza, năm 2016, KCX-KCN TP.HCM sẽ tập trung thu hút vốn đầu tư FDI vào chất lượng chứ không chú trọng số lượng như mọi năm. Cụ thể, Hepza sẽ đẩy mạnh thu hút vốn FDI đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chủ yếu những dự án có vốn nhỏ. Kế hoạch trong năm 2016, KCX-KCN thành phố sẽ thu hút vốn FDI khoảng 700 triệu USD thấp hơn năm ngoái 140 triệu USD.


    “Kịch bản xấu cho Vn-Index 2016 là 467 điểm”

    kich ban xau cho vn-index 2016 la 467 diem

    Kịch bản xấu cho Vn-Index 2016 là 467 điểm


    Dự báo điểm số Vn-Index bằng phương pháp PE, BSC cho rằng Vn-Index năm 2016 sẽ giao động trong khoảng 572 điểm đến 686 điểm, trong trường hợp xấu nhất sẽ là 467 điểm (ứng với PE hơn 8). BSC cũng cho rằng thị trường chứng khoán năm 2016 sẽ có nhiều khó khăn và ẩn số.

    Đánh giá trên được ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích nghiên cứu của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BSC) đưa ra trong hội thảo triển vọng thị trường chứng khoán năm 2016 tổ chức vào chiều ngày 19/1/2016.

    Theo ông Trần Thăng Long, năm 2016 dự báo sẽ có nhiều thử thách cho thị trường chứng khoán toàn cầu do FED đã bắt đầu hành trình tăng lãi suất, chấm dứt kỷ nguyên tiền rẻ; năm 2016 cũng là năm bầu cử của Mỹ; trong khi đó nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, Trung Quốc tái cân bằng và phá giá đồng NDT của họ khiến cho các nước mới nổi cũng phải phá giá đồng tiền nước họ...

    Đối với Việt Nam, BSC dự báo cả tỷ giá VND/USD và lãi suất tiền VND đều tăng trong đó biến động tỷ giá có thể lên đến 5% hoặc cao hơn là 8% cho trường hợp Trung Quốc phá giá đồng NDT cao 6% so với USD. Năm 2016 dự báo Việt Nam sẽ nhập siêu 4-6 tỷ USD, tăng trưởng GDP từ 6,7% đến 6,9% và thâm hụt ngân sách khoảng 6%.

    Với những yếu tố tác động nói trên, năm nay thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều biến động do vốn đầu tư gián tiếp (FII) không ổn định; sự tăng cao nguồn cung cổ phiếu có được từ các đợt IPO và giảm nguồn tiền; năm bắt đầu nhiệm kỳ chính trị mới.

    Ông Trần Thăng Long nhấn mạnh, thị trường chứng khoán năm 2016 là rất khó khăn, thanh khoản có thể sẽ giảm đến 40%, nửa cuối năm sẽ khó khăn hơn nửa đầu năm do ảnh hưởng chu kỳ; thị trường sẽ có sự phân hóa và biến động mạnh, đặc biệt trong các giai đoạn cuối quý do các quỹ ETF review nên thanh khoản giảm.

    BSC cũng lưu ý nhà đầu tư nên sẵn sàng tiền mặt và chuẩn bị tinh thần cho việc khối ngoại bán ròng trong năm 2016 do tỷ giá VND/USD tăng và FED tăng lãi suất. Đặc biệt, nếu Chính phủ không đưa ra quyết sách rõ ràng trong việc nới room cho khối ngoại, lượng cung cổ phiếu lớn đến từ các đợt IPO, cổ phần hóa sẽ khó được hấp thụ hết.

    Mặc dù vậy, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dự báo tiếp tục cải thiện trong năm 2016, EPS sẽ tăng trưởng khoảng 5%-15% là động lực kéo thị trường lên.

    PE của thị trường trong năm 2016 khoảng 10-12, trong trường hợp xấu khoảng 8,3 lần. Với mức này BSC dự báo Vn-Index giao động trong khoảng 572 - 686, trường hợp xấu 467 điểm ứng với PE 8,3.

    Các ngành sẽ khả quan để đầu tư trong năm 2016 được khuyến nghị như bất động sản, xây dựng, gạch, công nghệ thông tin, cảng biển, dệt may, điện, sữa và phân bón. Trong đó, BSC nhấn mạnh ngành công nghệ thông tin, cảng biển (VSC, GMD, PHP) và bất động sản (VIC, DXG, ITC...). Các ngành gặp khó cao su, vận tải biển, thủy sản, dược và dầu khí.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn