TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 20-01-2016

    Việt Nam nhập xe Hàn nhiều nhất năm 2015

    Các hãng ôtô Hàn Quốc có một năm thành công tại thị trường Việt Nam với lượng nhập khẩu gần 26.000 xe nguyên chiếc.

    So với một năm trước, lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu từ Hàn Quốc tăng 58% và chiếm hơn 20% lượng xe nhập về Việt Nam. Với việc gia tăng lượng xe nhập vào tháng cuối cùng trong năm, Hàn Quốc đã bỏ xa các đối thủ đứng thứ sau là Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản...

    nguon: tong cuc hai quan

    Nguồn: Tổng cục Hải quan

    Thị trường ôtô năm 2015 chứng kiến mức tăng trưởng lớn. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), lượng xe bán ra đạt kỷ lục 244.914 chiếc, tăng 55% so với năm 2014, vượt xa mức cao nhất đã từng đạt được năm 2009 là 180.000 xe.

    Trong đó, doanh số bán xe nhập khẩu tăng 74%, vượt trội so với xe lắp ráp trong nước (tăng 48%). Lý do góp phần đẩy mạnh sức tiêu thụ ôtô ngoại trong năm ngoái là tâm lý tránh bị áp tính thuế tiêu thụ theo cách mới và tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết và tham gia.

    Việt Nam đang là thị trường ôtô lớn thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á, theo đại diện của Toyota. "Năm 2020, doanh số tiêu thụ ôtô có thể cán mốc 370.000 xe", đại diện Toyota Việt Nam dự báo.


    ​IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

    Ngày 19-1, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 và cảnh báo các nền kinh tế mới nổi đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ lớn.

    nha kinh te truong maurice obstfeld cua imf canh bao ve tinh hinh kinh te toan cau nam 2016 - anh: irish times

    Nhà kinh tế trưởng Maurice Obstfeld của IMF cảnh báo về tình hình kinh tế toàn cầu năm 2016 - Ảnh: Irish Times

    Theo AFP, IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 3,4% trong năm nay. Con số này thấp hơn 0,2% so với mức dự báo IMF đưa ra hồi tháng 10-2015.

    IMF cho rằng GDP Mỹ sẽ chỉ đạt 2,6%, châu Âu 1,7%, còn Trung Quốc chỉ 6,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6,9% của năm 2015 mà Bắc Kinh vừa công bố.

    IMF cảnh báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, đồng USD tăng giá, giá dầu thô sụt giảm và bất ổn chính trị đều là những nguy cơ đe dọa các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Nga, nhiều nước Trung Đông… và ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu là rất nghiêm trọng.

    IMF cho rằng tăng trưởng Trung Quốc sẽ tiếp tục chậm lại cho đến hết năm 2017 và cảnh báo về những mối nguy hiểm lớn nếu chính quyền Bắc Kinh không quản lý hiệu quả quá trình cải cách kinh tế. Nếu GDP Trung Quốc tiếp tục giảm, nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá, gây sức ép lên các đồng tiền khác.

    Theo IMF, giá dầu “sụp đổ” không có tác động tích cực lên tăng trưởng như mong đợi, mà trở thành gánh nặng kéo tụt sức mạnh tài chính của các nước xuất khẩu dầu khí, đồng thời buộc toàn bộ ngành dầu khí phải cắt giảm đầu tư.

    Trong năm 2015, giá dầu đã giảm tới gần 50% và trong hai tuần đầu tiên của năm 2016 giảm thêm 22%, hiện xuống dưới 29 USD/thùng. IMF nhận định nhiều khả năng giá dầu sẽ tiếp tục giảm thêm 17,6% trong năm 2016 và sẽ chỉ tăng lên phần nào trong năm 2017.

    “Chúng ta sẽ phải đối mặt với một năm khó khăn, đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển” - nhà kinh tế trưởng Maurice Obstfeld của IMF nhận định.


    Chi hơn 9 tỉ USD để nhập máy móc Trung Quốc

    Tổng cục Hải quan vừa công bố, năm 2015, Việt Nam chi nhiều tiền nhất, chi tới 9 tỉ USD để nhập máy móc, thiết bị dụng cụ từ Trung Quốc.

    Theo số liệu thống kê vừa được Tổng cục Hải quan công bố, năm 2015, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tổng giá trị nhập khẩu hơn 45 nhóm mặt hàng lên đến trên 49,5 tỷ USD, tăng gần 6 tỉ USD so với năm 2014.

    Cụ thể, mặt hàng mà Việt Nam chi nhiều tiền nhất, chi tới 9 tỉ USD để nhập máy móc, thiết bị dụng cụ từ Trung Quốc. Khoản tiền tăng thêm để nhập mặt hàng này là hơn 1,2 tỉ USD.

    Tiếp tục ở vị trí dẫn đầu trong nhiều năm qua về cung cấp máy móc, thiết bị cho Việt Nam, Trung Quốc vượt Nhật Bản và Hàn Quốc…

    Giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng này từ Trung Quốc chiếm 30% tổng giá trị nhập khẩu.

    Cũng theo Tổng cục Hải quan, giá trị nhập khẩu máy móc thiết bị năm 2015 tăng 23% so với một năm trước. Về con số này, nhiều chuyên gia đánh giá rằng đây là dấu hiệu cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại.     

    Tiếp sau nhóm mặt hàng máy móc thiết bị, giá trị nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện từ thị trường Trung Quốc trong năm 2015 lên tới 6,9 tỉ USD. Hai nhóm hàng là máy vi tính, sản phẩm điện tử và vải các loại đều có trị giá nhập khẩu hơn 5,2 tỉ USD.

    Năm qua, VN cũng chi hơn 4 tỉ USD để nhập 9,6 triệu tấn sắt thép các loại từ Trung Quốc.

    Số tiền bỏ ra để nhập sắt từ Trung Quốc lớn hơn tất cả những thị trường khác cộng lại, hay nói cách khác, giá trị nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc chiếm hơn một nửa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2015.

    Riêng mặt hàng ô tô nguyên chiếc, chúng ta đã nhập 26.742 xe, chiếm 25% tổng số xe ô tô nhập về VN trong năm 2015.

    Còn nếu tính cả chi phí để nhập linh kiện phụ tùng ô tô và xe nguyên chiếc từ Trung Quốc thì năm 2015, chúng ta đã bỏ ra tới 1,7 tỉ USD.


    Quần áo giả mạo thương hiệu Nike, Adidas ngoại nhập

    Đại diện Công ty TNHH Doolim Vina (H.Bến Lức, Long An) thừa nhận lô hàng nhập lậu này có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

    quan ao gia mao cac thuong hieu ngoai bi phat hien tai mot co so o q.12, tp.hcm - anh : l.s.

    Quần áo giả mạo các thương hiệu ngoại bị phát hiện tại một cơ sở ở Q.12, TP.HCM - Ảnh : L.S.

    Ngày 18-1, tại buổi làm việc với đội quản lý thị trường (QLTT) 12B (Chi cục QLTT TP.HCM) liên quan đến lô hàng hơn 10 tấn vải và quần áo chở trên ba xe tải đem về TP.HCM tiêu thụ, bị phát hiện ngày 16-1, đại diện Công ty TNHH Doolim Vina (H.Bến Lức, Long An) thừa nhận lô hàng nhập lậu này có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc.

    Ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng, đội trưởng đội QLTT 12B, cho biết thời gian gần đây, đơn vị này liên tục phát hiện hàng trăm ngàn sản phẩm quần áo giả mạo các thương hiệu ngoại nhập trước khi đưa ra thị trường.

    Đơn cử, tại xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty TNHH DVTMSX Duy An (P.Đông Hưng Thuận, Q.12) do bà Phạm Trần Minh Ngọc làm chủ, cơ quan QLTT phát hiện nhân viên cơ sở này đang sản xuất, chứa trữ hơn 160 bao tải (hơn 30.000 sản phẩm) đựng quần áo may sẵn gắn mác các thương hiệu Nike, Adidas...

    Tuy nhiên, bà Ngọc không xuất trình được các hóa đơn chứng từ liên quan đến lô hàng giả mạo thương hiệu này.

    Cùng ngày, Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 bất ngờ kiểm tra lô hàng nhập khẩu từ Thái Lan qua cảng Cát Lái của Công ty TNHH TM THL (H.Bình Chánh), phát hiện sản phẩm trong container không đúng với khai báo trước đó.

    Cụ thể, hầu hết các mặt hàng nhập khẩu là thực phẩm chức năng dạng viên nang, bao bì sử dụng tiếng Thái, không nhãn phụ tiếng Việt; mỹ phẩm các loại (kem dưỡng da, son môi, nước hoa...); quần áo, túi xách không nhãn mác... Được biết, trước đó doanh nghiệp này khai báo là nhập khẩu sản phẩm bảo hộ lao động.


    Đầu tư 30 triệu USD vào công nghiệp phụ trợ da giày

    Tập đoàn Avery Dennison RBIS - Mỹ đã đưa vào hoạt động nhà máy kỹ thuật sản xuất bao bì, nhãn hiệu, phụ liệu trang trí trên mọi chất liệu tại Khu công nghiệp Long Hậu

    Ngày 18-1, Avery Dennison Retail Branding and Information Solutions (Avery Dennison RBIS - Mỹ) - tập đoàn chuyên về giải pháp tem nhãn mác, bao bì, phụ liệu trang trí... - đã đưa vào hoạt động nhà máy kỹ thuật sản xuất bao bì, nhãn hiệu, phụ liệu trang trí trên mọi chất liệu tại Khu công nghiệp Long Hậu (Long An).

    Được xây dựng trên diện tích 28.000m2, nhà máy có tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, sử dụng khoảng 1.200 nhân công.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn