TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 21-12-2015

    TPHCM: Đầu tư hơn 4.600 tỉ đồng xây dựng cụm cảng trung chuyển mới

    tphcm: dau tu hon 4.600 ti dong xay dung cum cang trung chuyen moi

    TPHCM: Đầu tư hơn 4.600 tỉ đồng xây dựng cụm cảng trung chuyển mới


    UBND TPHCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thực hiện dự án Xây dựng cụm cảng trung chuyển – ICD mới tại phường Long Bình, quận 9 với số vốn đầu tư dự kiến là 4.635 tỉ đồng, để thực hiện di dời khu cảng Trường Thọ ở Quận Thủ Đức.

    Theo UBND TPHCM, việc xây cụm cảng trung chuyển mới tại quận 9 nhằm giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông trên xa lộ Hà Nội đang ngày càng gia tăng.

    Để sớm triển khai dự án, TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ chấp thuận chỉ định Liên danh Công ty cổ phần Đức Khải – Công ty cổ phần địa ốc Tân Hoàng – Công ty cổ phần địa ốc Tam Bình làm nhà đầu tư dự án. Khu vực cảng Trường Thọ, còn được gọi là cụm cảng cạn Thủ Đức, bao gồm các điểm thông quan nội địa (ICD) như Phước Long 3, Transimex, Phúc Long... và một số nhà máy thép, xi măng.

    Theo Sở Giao thông-Vận tải TPHCM, hiện lượng hàng hóa thông qua cảng Trường Thọ đã đạt trung bình 12 triệu tấn/năm, cao gấp bốn lần con số quy hoạch cho năm 2020. Đây là điểm tập kết hàng xuất khẩu, nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở phía Đông Bắc TPHCM và các khu công nghiệp ở Bình Dương và Đồng Nai.

    Hiện nay đường bộ dẫn vào cảng Trường Thọ duy nhất chỉ có trục đường xa lộ Hà Nội, khi lượng hàng về nhiều hoặc vào mùa cao điểm như dịp cận Tết rất dễ dẫn đến tắc nghẽn giao thông trên xa lộ Hà Nội.


    Khánh thành Thủy điện Đồng Nai 5

    hinh anh tai le khanh thanh. anh: vgp/linh dan

    Hình ảnh tại lễ khánh thành. Ảnh: VGP/Linh Đan


    Sáng 20/12, tại xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, Tổng Công ty Điện lực-Vinacomin thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức khánh thành Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 và gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

    Dự án thủy điện Đồng Nai 5 là dự án điện quan trọng nằm trong Quy hoạch điện 7, có công suất thiết kế 150 MW, được Chính phủ giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) triển khai xây dựng trên cơ sở phục vụ phát triển ngành công nghiệp nhôm ở Tây Nguyên (trước mắt phục vụ cho 2 dự án bauxit Nhôm Lâm Đồng và Alumin Nhân Cơ-Đắc Nông). Tổng Công ty Điện lực-Vinacomin, đơn vị thành viên của TKV, trực tiếp làm chủ đầu tư và khởi công thực hiện dự án này từ cuối năm 2012.

    Thủy điện Đồng Nai 5 được đánh giá là công trình có nhiều khó khăn trong quá trình thiết kế, thi công, do khu vực xây dựng có địa hình dốc, chia cắt nhiều, nền móng địa chất phức tạp, địa điểm xây dựng là rừng núi, xa trung tâm, ban đầu không có đường giao thông và điện đến công trình, mùa mưa ở Tây Nguyên kéo dài và diễn biến bất thường... Đây cũng là công trình thủy điện đầu tiên được ngành than khoáng sản vốn là đơn vị sản xuất, khai thác than và xây dựng các nhà máy nhiệt điện thực hiện nên chưa có nhiều kinh nghiệm.

    Với sự nỗ lực của chủ đầu tư, các nhà thầu tư vấn, giám sát, cung cấp thiết bị, các đơn vị thi công, tổ máy đầu tiên (H1) của Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 đã chính thức chạy phát điện và hòa lưới điện quốc gia lúc 19h05’ ngày 30/9/2015, vượt trước 2 tháng so với kế hoạch. Tổ máy H2 hòa lưới điện quốc gia vào lúc 2h15’ phút rạng sáng ngày 13/11/2015, vượt trước 3,5 tháng so với kế hoạch hiệu chỉnh mà TKV đề ra.

    Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt khẳng định, Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 đi vào vận hành ổn định, cung cấp hơn 600 triệu kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia.

    Công trình này sẽ đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương thuộc hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung, góp phần vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

    Ngoài nhiệm vụ chính là khai thác thủy năng, Nhà máy còn tham gia điều tiết nước cho hạ du, hạ thấp mực nước lũ hằng năm, hỗ trợ cải thiện môi trường tự nhiên và sinh thái cho lưu vực sông Đồng Nai.

    Nhà máy đi vào vận hành còn tạo thêm nhiều việc làm, thuận lợi cho việc phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hai huyện giáp ranh thuộc hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông.

    Công trình Nhà máy thủy điện Đồng Nai 5 là 1 trong 10 công trình tiêu biểu được Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương công nhận và gắn biển Công trình chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

     

    FTA Việt Nam-Hàn Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12

    Theo Bộ Công Thương, sau khi Việt Nam và Hàn Quốc chính thức kýHiệp định VKFTA tại Hà Nội vào ngày 5/5, hai bên đã khẩn trương triển khai thủ tục phê duyệt nội bộ tại mỗi nước. Đến nay, hai nước đã hoàn thành thủ tục phê duyệt theo quy định pháp luật của từng nước.

    Ngày 16/12, Bộ Ngoại giao hai nước đã trao đổi công hàm về ngày hiệu lực của Hiệp định VKFTA và theo đó thống nhất, Hiệp định VKFTA chính thức có hiệu lực vào ngày 20/12.

    Ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc sẽ có điều kiện khai thác các ưu đãi thương mại, đầu tư mà hai nước dành cho nhau trong Hiệp định, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư song phương.

    Sau khi Hiệp định có hiệu lực, hai bên cũng sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp cấp Bộ trưởng và các Tiểu ban chức năng về thương mại hàng hóa, hải quan, phòng vệ thương mại, các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), di chuyển thể nhân để rà soát, giám sát và đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc thực thi Hiệp định.

    Bộ Công Thương cho biết thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng hơn 57 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 28,8 tỷ USD năm 2014.

    Năm 2014, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ) và Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Hàn Quốc.

    Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 tăng 5,7% so với năm 2013, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 7,1 tỷ USD, tăng 7,9%, nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc đạt 21,7 tỷ USD, tăng 5%, nhập siêu 14,5 tỷ USD tăng 3,6% so với năm trước.

    Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, riêng trong 11 tháng năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 33,6 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ 2014. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 8,2 tỷ USD tăng 25,2%; nhập khẩu đạt 25,4 tỷ USD tăng 28,2%; nhập siêu 17,2 tỷ USD, tăng 29,3%.

    Dự kiến, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc cả năm 2015 ước đạt 36,8 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ 2014. Trong đó, xuất khẩu đạt gần 8,9 tỷ USD, tăng 24,4%; nhập khẩu đạt 27,9 tỷ USD, tăng 28,5%; nhập siêu 19 tỷ USD, tăng 30%.

    Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến ngày 20/10, cả nước có 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản dẫn đầu với 4.777 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 43,6 tỷ USD.

    Trong 10 tháng năm 2015, hoạt động đầu tư trực tiếp của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam diễn ra ở 17 phân ngành; trong đó, tập trung nhiều nhất ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ và xây dựng. Số vốn đầu tư trong bốn ngành này chiếm trên 5 tỷ USD tương đương 96% tổng số vốn đầu tư FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm.

    Gần 3.000 công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, sử dụng trên 400.000 lao động với các cơ sở sản xuất quy mô lớn như thiết bị điện tử và thép./.


    "Trong 3h đồng hồ có 14 xe lợn béo được xuất sang Trung Quốc"

    “Lên Cao Bằng, ngồi quan sát trong vòng 3 tiếng đồng hồ, tôi thấy có 14 xe chở lợn béo xuất khẩu sang Trung Quốc”, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi lưu ý về tình hình xuất khẩu lợn qua đường tiểu ngạch.

    Tại cuộc họp bàn về công tác chuẩn bị hàng hóa thiết yếu Tết Nguyên đán 2016 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ Công thương ngày 18/12, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, đối với các sản phẩm chăn nuôi, trong 11 tháng đầu năm 2015 có xu hướng giảm nhẹ.

    Giá lợn hơi liên tục giảm từ mức 46.000-51.000 đồng/kg xuống còn 40.000-44.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp lông giảm từ 35.000-37.000 xuống còn 24.000-25.000 đồng/kg; giá trứng gia cầm khi tăng mạnh vào cuối tháng 7 và 8 thì nay cũng giảm.

    Với mức giá hiện tại, người chăn nuôi vẫn có lãi nên đang tích cực tái đàn phục vụ vào dịp Tết sắp tới.

    Dù vậy, ông Chinh lưu ý về tình hình xuất lợn theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc: “Lên Cao Bằng, ngồi quan sát trong vòng 3 tiếng đồng hồ, tôi thấy có 14 xe chở lợn béo xuất khẩu sang Trung Quốc”.

    Theo ông Chinh, việc xuất khẩu lợn qua đường tiểu ngạch này giúp nông dân bán sản phẩm với giá cao, nhưng do không được đưa vào con số thống kê nên cần lưu ý để chỉ đạo, nhất là trong dịp Tết khi nhu cầu mua thịt lợn tăng cao.

    Về thịt trâu bò, cùng với việc tăng đàn trâu bò ở trong nước năm nay chúng ta nhập trên 347.000 con trâu bò sống về nuôi, hiện đang sẵn sàng giết mổ và cung ứng ra thị trường với giá cả và chất lượng khá tốt.

    Tuy nhiên, vấn đề cần lưu ý là việc kiểm soát dịch bệnh và nhập lậu gia súc, gia cầm, tránh gây ảnh hưởng đến nguồn cung. Theo thông tin từ lãnh đạo Cục Chăn nuôi, hiện nay ngoài việc nhập lậu trâu bò từ Lào, Campuchia, Thái Lan về thì có hiện tượng dắt bò từ Ấn Độ đi qua các nước về Việt Nam. Mỗi lần họ dắt từ vài chục con, đi vài tháng về đến Việt Nam, họ giao cho người dân nuôi một thời gian rồi giết mổ. Nếu không kiểm soát tốt, dịch bệnh rất dễ xảy ra.

    Riêng giá rau xanh tăng liên tục từ cuối tháng 9 đầu tháng 10 đến nay do thời điểm bắt đầu vào vụ Đông, mưa lớn tại miền Trung kéo dài, nhiều vùng trồng rau bị hư hại nặng; trong khi đó một số diện tích rau thuộc đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ cung cấp cho các thành phố lớn bị khô hạn đã ảnh hưởng đến sản xuất rau vụ Đông.

    Cùng với giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao đã đẩy giá rau xanh lên cao. Tuy nhiên, nếu không có biến động lớn về thời tiết, khí hậu thì lượng rau sản xuất ra vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt trong dịp cuối năm 2015. Theo Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 10 năm 2015, diện tích gieo trồng rau cả nước ước đạt 818.000 ha, bằng 95% so với kế hoạch năm 2015 và thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 10.000ha.

    Việc đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm dồi dào cho người dân tiêu dùng dịp Tết thì vấn đề chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được quan tâm, chú ý.

    Với định hình xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng lương thực, thực phẩm an toàn, hiện đã xây dựng được 74 mô hình rau, thịt an toàn ở 43 địa phương. Dự kiến, ngày 20.12, Sở NN&PTNT sẽ công bố 6 chuỗi thực phẩm an toàn (3 chuỗi với thịt, 3 chuỗi với rau) trên địa bàn, đồng thời tiến hành xác nhận sản phẩm an toàn và ngày 23.12 sẽ tiến hành xác nhận, dán nhãn sản phẩm an toàn, đưa vào các hệ thống siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng nhận định, các mặt hàng đường, gạo, muối có nguồn cung ổn định, dồi dào nên sẽ không có biến động lớn về giá, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước vào trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán.


    Quảng Ninh tiếp tục mời gọi FLC đầu tư

    Hôm 18/12, đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, dẫn đầu là Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc, đã có chuyến thăm và làm việc tại trụ sở tập đoàn FLC.

    Cùng đi có ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc.

    Trước đó, hồi tháng 7/2015, nhận lời mời của UBND tỉnh Quảng Ninh, ban lãnh đạo FLC cũng đã có buổi làm việc cùng lãnh đạo UBND tỉnh với sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long để tìm hiểu cơ hội đầu tư tại một trong ba trung tâm của tam giác kinh tế khu vực Đông Bắc này.

    Tại buổi làm việc lần này, Bí thư Nguyễn Văn Đọc tiếp tục giới thiệu với FLC hàng loạt dự án tại tỉnh như các hòn đảo có vị trí đẹp, các khu công nghiệp…

    Cũng tại buổi làm việc, phía FLC đã giới thiệu khái quát toàn bộ quy mô và lĩnh vực hoạt động của tập đoàn.

    “Từ những thành công của FLC như đưa vào hoạt động quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn sau 9 tháng thi công, thi công sân golf FLC Quy Nhơn Golf Links nhanh nhất thế giới…, Quảng Ninh mong muốn mời gọi nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là FLC cùng chung tay dựng xây mảnh đất địa đầu vùng Đông Bắc này”, ông Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Quảng Ninh nói.

    Là một trong những tỉnh giàu tiềm năng du lịch, quy tụ nhiều nền văn hóa khác nhau, Quảng Ninh được coi là hình ảnh của Việt Nam thu nhỏ với sự đa dạng của địa hình như: núi non, biển, hải đảo…

    Ngoài tiềm năng sẵn có, Quảng Ninh đã đổi mới mạnh mẽ cơ chế chính sách và thủ tục hành chính. Hạ tầng giao thông như đường cao tốc, sân bay… được tỉnh đẩy mạnh đầu tư xây dựng, đồng thời thực hiện phương châm “Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh”. Quảng Ninh cũng đã giao cho tư nhân đầu tư xây dựng trụ sở hành chính, quản lý các công trình công cộng…

    “Sở hữu những lợi thế đặc biệt để phát triển du lịch, nhưng Quảng Ninh vẫn còn thiếu hạ tầng du lịch quy mô và đồng bộ, chính vì vậy, khả năng giữ chân du khách lưu trú chưa tốt. Đặc biệt, Quảng Ninh còn thiếu rất nhiều sân golf phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế”, ông Đọc nói.

    Bí thư Quảng Ninh cũng nhấn mạnh: "Quảng Ninh nhận thức rõ là động lực để phát triển bền vững và lâu dài phải bắt nguồn từ nội lực, từ sự đầu tư nghiêm túc và bài bản của các tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, BIM Group..., và giờ đây chúng tôi trân trọng mời FLC về đầu tư tại Quảng Ninh".

    Đánh giá cao những tiềm năng và thế mạnh của Quảng Ninh, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nhấn mạnh mong muốn đầu tư các dự án lớn vào Quảng Ninh. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ băn khoăn về những thủ tục pháp lý cùng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư tại Quảng Ninh.

    “Tôi mong muốn lãnh đạo tỉnh vào cuộc thật mạnh mẽ và quyết liệt để hỗ trợ nhà đầu tư. Khi những vướng mắc về thủ tục hành chính được giải quyết, FLC nhất định sẽ đầu tư vào Quảng Ninh những dự án quy mô lớn”, ông Quyết nói.

    Ghi nhận những ý kiến của ông Trịnh Văn Quyết, lãnh đạo Quảng Ninh khẳng định sẽ nghiên cứu và tập trung triển khai quyết liệt, để tỉnh và FLC có tiếng nói chung trong việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

    "Đây là thời điểm chín muồi để FLC bắt đầu đầu tư chính thức vào Quảng Ninh. Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tối đa cho FLC khi đầu tư vào Quảng Ninh, để FLC thấy ở Quảng Ninh nói là làm", Phó chủ tịch Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành nói.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn