TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 22-09-2015

    TP.HCM: Tỷ trọng kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 24,5%

    tp.hcm: ty trong kinh te co von dau tu nuoc ngoai chiem 24,5%

    TP.HCM: Tỷ trọng kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 24,5%

    Dự tính đến cuối năm 2015, tỷ trọng kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 24,5% trong toàn bộ cơ cấu kinh tế TP.HCM. Phó chủ tịch UBND TP, ông Tất Thành Cang, đã cho biết như trên tại buổi lễ khai trương SC VivoCity (Q.7, TP.HCM). Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đại sứ Singapore tại VN, ông Ng. Teck Hean và lãnh đạo TP đã đến dự buổi lễ.

    Theo lãnh đạo TP.HCM, Singapore là 1 trong 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn nhất vào TP. Hiện có khoảng 500 doanh nghiệp Singapore với 719 dự án, tổng vốn khoảng 8,2 tỉ USD đã và đang đầu tư vào TP.
    SC VivoCity được liên doanh bởi Công ty CP đầu tư phát triển Saigon Co.op và Mapletree Investments Pte Ltd (Singapore), có tổng diện tích sàn được sử dụng khoảng 62.000 m2, đã đi vào hoạt động từ ngày 19.4 vừa qua, trung bình mỗi tháng đón hơn 700.000 khách.

    Hợp tác nghiên cứu phát triển sản phẩm thương hiệu Việt

    Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng và Công ty CP BESTMIX (TP.HCM) vừa ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ hóa học “made in Vietnam”, để thay thế nguyên liệu hóa chất ngoại nhập cho thị trường trong nước.

    Trong khuôn khổ bản thỏa thuận, Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ hóa học ứng dụng thuộc Công ty CP BESTMIX và Khoa Hóa thuộc Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng sẽ được thành lập.
    Đây là trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ hóa học đầu tiên tại VN, được thành lập dưới sự liên kết hợp tác cùng nhiều đơn vị nghiên cứu, phòng thí nghiệm lớn trong cả nước. BESTMIX và ĐH Bách khoa Đà Nẵng sẽ cử chuyên gia, cán bộ có chuyên môn, giảng viên, nghiên cứu sinh... hỗ trợ các công tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và tham gia các hoạt động chuyên môn của trung tâm. Ngoài ra, hai bên sẽ hỗ trợ lẫn nhau trong việc sử dụng trang thiết bị, máy móc… phòng thí nghiệm của đơn vị mình nhằm phục vụ công tác nghiên cứu của trung tâm.

    Bộ Tài chính: Giá sữa chưa giảm vì lương, điện, tỷ giá tăng

    Cơ quan này nhận định giá nguyên liệu nhập khẩu vẫn ổn định từ năm 2014 tới nay, bất chấp những ý kiến cho rằng gần đây giá sữa trong nước giảm quá chậm so với thế giới.

    Khẳng định trên được Bộ Tài chính đưa ra trước thông tin cho rằng giá sữa trong nước chậm giảm so với những diễn biến của giá nguyên liệu nhập khẩu sản xuất mặt hàng này. Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, cơ quan này cho rằng giá nhập khẩu thành phẩm về Việt Nam của các công ty, doanh nghiệp từ tháng 6/2014 đến nay ổn định, các nguyên liệu sản xuất sữa có loại tăng, loại giảm.

    Bộ Tài chính cho biết, từ tháng 4, giá chào bán một số loại nguyên liệu (sữa bột gầy, sữa nguyên kem) của thị trường Tây Âu, châu Úc có xu hướng giảm khoảng 20%. "Tuy nhiên mức giá nguyên liệu giảm nêu trên là mức chào bán, trên thực tế các doanh nghiệp sản xuất sữa phải thực hiện việc giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng nên đều có độ trễ từ khi mua nguyên liệu đến sản xuất, lưu thông sữa thành phẩm ra thị trường", đại diện cơ quan này cho hay.

    Trong cơ cấu giá thành sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sản xuất trong nước, các loại nguyên liệu sữa (chiếm khoảng 40-45% giá bán, trong đó loại sữa bột gầy, sữa bột nguyên kem trong tùy loại sản phẩm sữa chiếm khoảng 20-25% giá bán).

    Bên cạnh đó, theo cơ quan quản lý giá, mặt hàng sữa thành phẩm dành cho trẻ em dưới 6 tuổi còn chịu tác động của rất nhiều yếu tố gây tác động tăng giá như việc lương tối thiểu, tỷ giá, điện tăng... Cụ thể, theo phân tích của Bộ Tài chính, việc lương tối thiểu tăng 14% trong năm 2015 khiến chi phí tiền lương và đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đội thêm. Không chỉ vậy, từ khi thực hiện bình ổn giá (tháng 6/2014) đến nay, tỷ giá đã được điều chỉnh 4% (3% năm 2015). Bên cạnh đó, giá điện tăng 7,5% từ tháng 3/2015, theo Bộ Tài chính, cũng khiến chi phí giá sữa bị đội lên.

    Đại diện cơ quan quản lý giá nhìn nhận, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã có được một mặt bằng giá ổn định trong suốt 15 tháng qua và dự kiến còn ổn định cho đến hết năm 2016 nếu không có yếu tố bất thường.


    Dự án Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh thừa 14.000 tỷ đồng

    Đây là lần đầu tiên có một dự án tiêu không hết tiền. Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói rằng “không thể coi đấy là tiết kiệm”.

    chu tich quoc hoi nguyen sinh hung khong cho rang so du hon 14.000 ty nay la do tiet kiem ma co - anh: le kien

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không cho rằng số dư hơn 14.000 tỷ này là do tiết kiệm mà có - Ảnh: Lê Kiên

    Chiều 21-9, thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.

    Trước đó, nghị quyết của Quốc hội cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2014-2016 để phân bổ 61.680 tỷ đồng đầu tư cho 23 dự án thuộc quốc lộ 1A và 7 dự án thuộc đường Hồ Chí Minh, đoạn qua Tây Nguyên.

    “Do không phải sử dụng vốn dự phòng trượt giá; điều chỉnh thiết kế cho phù hợp; sử dụng biện pháp tổ chức thi công hợp lý; tiết kiệm 5% dự toán theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ... nên tổng số vốn trái phiếu Chính phủ còn dư là 14.259 tỷ đồng” - ông Dũng cho biết.

    Chính phủ đề xuất dùng số tiền dư này cho các dự án liên quan đến hai tuyến đường trên như cải tạo 13 cầu yếu, làm một số tuyến đường tránh TP, tuyến kết nối... 

    Thẩm tra tờ trình trên đây, “Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá cao việc Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải trong quá trình thực hiện dự án đã rà soát tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm soát chi phí, chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công dự án nên đã tiết kiệm chi dự phòng dẫn tới dư nguồn vốn so với số tổng vốn đã được bố trí. Đây có thể coi là kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ”.

    “Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, tỷ trọng vốn dư lớn so với tổng vốn được bố trí (dư 22%) phần nào thể hiện việc lập dự toán, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư chưa sát với thực tiễn” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển nói.

    Đồng tình với đề xuất của Chính phủ nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng “đừng coi số dư 14.000 tỷ đồng là tiết kiệm, vì mình đè ra cắt 5% các dự án (ví dụ đáng lẽ 100% nhưng anh nào chịu được 95% thì đấu thầu), rồi điều chỉnh thiết kế kỹ thuật để giảm vốn đầu tư… Nếu nói tiết kiệm như vậy thì thành tích to quá, các anh nên tìm từ ngữ thế nào cho phù hợp”.

    Tại cuộc họp, đa số ý kiến phát biểu hoan nghênh Chính phủ vì đây là lần đầu tiên dự án thừa tiền phải xin phương án sử dụng (trước đây thường là dự án thiếu tiền phải xin thêm).

    “Nhưng cũng phải rút kinh nghiệm tại sao dư đến 22% tổng vốn đầu tư, tức là rút kinh nghiệm trong lập dự án làm sao cho nó sát” - phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

    Cho rằng thẩm quyền quyết định sử dụng số tiền thừa này thuộc về Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện báo cáo, trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp tới.
    (Tuổi Trẻ_


    Vinalines rút hầu hết vốn tại 2 cảng biển lớn

    Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý trước mắt việc thoái vốn của Vinalines tại Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng và Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn xuống còn 20% vốn điều lệ của các công ty này.

    Thủ tướng lưu ý, trường hợp các cảng thực hiện chuyển đổi công năng, yêu cầu thực hiện theo đúng quy định pháp luật về đất đai và các quy định khác có liên quan.

    Đối với các cảng biển trực thuộc Vinalines đã cổ phần hóa, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải rà soát lại, tiếp tục đề xuất phương án thoái vốn phù hợp.

    Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phương án tổng thể phát triển hệ thống cảng biển do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nắm giữ sau tái cơ cấu.

    Thông báo nêu rõ, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là một trong những giải pháp để nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Cổ phần hóa Vinalines cũng nhằm đến mục tiêu này. Trong quá trình thực hiện cổ phần hóa Vinalines có thực hiện cổ phần hóa các cảng biển trực thuộc cũng với mục tiêu để quản trị doanh nghiệp tốt hơn, để các doanh nghiệp này hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.

    Theo phê duyệt của Thủ tướng thì tỷ lệ cổ phần Vinalines nắm giữ tại: Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng là từ 65% đến 75%, Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn là từ 50% đến dưới 65%. Do vậy, thực tế rất khó thu hút các nhà đầu tư lớn nên phải giảm tỷ lệ Vinalines nắm giữ tại các cảng này.

    Hơn nữa, vai trò dẫn dắt của Cảng Hải Phòng và Cảng Sài Gòn cũng đã thay đổi (cả về quy mô, năng lực sản xuất, quốc phòng - an ninh...) không còn như trước đây (sản lượng thông qua Công ty cổ phần: Cảng Hải Phòng đạt 28,7% của khu vực Hải Phòng, Cảng Sài Gòn đạt 10,5% của khu vực).

    Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh tỷ lệ cổ phần của Vinalines nắm giữ tại các cảng biển trực thuộc sau cổ phần hóa, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 9 năm 2015.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn