TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 23-03-2016

    Từ vay ODA sắp chuyển sang trả nợ nhanh, lãi suất cao

    Dự kiến đến tháng 7/2017 Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường.
    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    hông tin tại cuộc họp báo chuyên đề về chính sách cho vay lại vốn ODA sáng ngày 22/3 tạiBộ Tài chính, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết, từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt.

    Cụ thể, giai đoạn trước năm 2010, thời hạn vay bình quân khoảng từ 30-40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7-0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn.

    Giai đoạn từ 2011-2015, thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10-25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp.

    “Dự kiến đến tháng 7/2017 Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%”, ông Long nhấn mạnh.

    Với điều khoản phải trả nợ nhanh và tăng lãi suất, có thể tác động gây “sốc” cho ngân sách trong việc thu xếp các khoản nợ trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết đã phối hợp cùng các liên quan để có chương trình làm việc, đàm phán với Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức khác.

    Theo ông Long, WB cũng cam kết với Việt Nam đưa ra phương án để đảm bảo tránh tác động đến nghĩa vụ nợ của Việt Nam.

    ong truong hung long, cuc truong cuc quan ly no va tai chinh quoc te

    Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính quốc tế

    Khi được hỏi con số nợ công phải trả cho đến thời điểm 2020 là bao nhiêu, ông Long cho biết tại thời điểm hiện nay rất khó để khẳng định con số thực tế bởi các cơ quan chức năng đang trong quá trình đàm phán, cùng WB để đưa ra lộ trình cho các phương án trả nợ nhanh.

    Ông Long cũng thông tin, năm 2015 nợ phải trả chiếm 16% tổng thu ngân sách. Năm 2016, Chính phủ trình Quốc hội kịch bản nợ phải trả và đảo nợ trong bối cảnh tình hình kinh tế hiện nay chiếm 24% tổng thu ngân sách trong đó 14,7% trả nợ gốc, tương đương 150.000 tỷ đồng. 

    Thực tế, thời gian vừa qua, việc sử dụng vốn vay ODA được nhiều chuyên gia đánh giá chưa thực sự gắn với với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch phát triển của các địa phương và vùng lãnh thổ, do vậy hiệu quả sử dụng vốn ODA chưa cao.

    Một số ý kiến cũng cho rằng, chi phí vốn vay thực tế không hoàn toàn rẻ. Các khoản vay ODA ưu đãi thường kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật liệu từ quốc gia tài trợ vốn ODA. Phần lợi ích dành cho các nhà thầu phụ Việt Nam chỉ chiếm phần nhỏ.

    Về vấn đề này, Bộ Tài chính cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, cơ chế sử dụng vốn chủ yếu dựa vào cấp phát từ ngân sách nhà nước và Nhà nước chịu rủi ro toàn bộ như hiện nay cũng đang đặt ra nhiều vấn đề như đầu tư dàn trải, chưa thực hiệu quả, tình trạng chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư còn không ít.

    Bên cạnh đó, tính hợp lý trong phân bổ nguồn vốn giữa các địa bàn còn bất cập. Mức độ tiếp cận nguồn vốn của các địa phương miền núi, khó khăn thường hạn chế hơn các tỉnh, thành phố lớn.  

    Cuối cùng, việc duy trì cơ chế mang tính bao cấp từ phía Trung ương trong thời gian dài đã tạo ra tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, chưa thực sự khuyến khích các chủ đầu sử dụng vốn tiết kiệm, có hiệu quả.

     

    Xi măng Xuân Thành đầu tư dây chuyền 4,5 triệu tấn/năm tại Hà Nam

    Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Dự án dây chuyền 3 Nhà máy xi măng Xuân Thành, tỉnh Hà Nam với công suất 4,5 triệu tấn xi măng/năm vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030.
    nha may xi mang xuan thanh (anh minh hoa: internet)

    Nhà máy Xi măng Xuân Thành (Ảnh minh họa: Internet)

    Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng và UBND tỉnh Hà Nam giám sát chặt chẽ chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ và các quy định hiện hành.

    UBND tỉnh Hà Nam kiểm tra, đánh giá năng lực của chủ đầu tư theo quy định và yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn thiết bị tiên tiến, hiện đại, chú trọng giải pháp công nghệ đáp ứng các chỉ tiêu tiêu hao điện năng, nhiệt năng, nồng độ bụi khí thải bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.

    Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 9 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay với tổng công suất 13,3 triệu tấn (trong đó có 2 dây chuyền đang đầu tư đến năm 2017 sẽ hoàn thành đưa vào sản xuất) và 4 cơ sở sản xuất xi măng có quy mô công suất nhỏ khoảng 0,4 triệu tấn.

    Hà Nam là tỉnh có sản lượng xi măng lớn nhất trong toàn quốc, nhu cầu xi măng tiêu thụ trong tỉnh năm 2015 khoảng 1,0 triệu tấn, sản lượng xi măng còn lại (chiếm gần 90%) vận chuyển tiêu thụ tại các tỉnh khác và xuất khẩu. Những năm qua, sản phẩm của các cơ sở sản xuất xi măng tại tỉnh Hà Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng của tỉnh và khu vực, góp phần bình ổn thị trường xi măng của cả nước đặc biệt trong trong các tháng cao điểm xây dựng.

    Theo Bộ Xây dựng, các mỏ đá vôi đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu đá vôi cho cả 3 dây chuyền của Nhà máy xi măng Xuân Thành hoạt động ổn định; mỏ đất sét đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của 3 dây chuyền trên 10 năm.


    Volvo chính thức tham gia thị trường Việt

    Sáng 22/2, Tập đoàn Volvo Car Thuỵ Điển chính thức công bố Công ty Cổ phần Ô tô Bắc Âu là nhà nhập khẩu và phân phối chính thức ôtô mang thương hiệu Volvo.

    ong jari kohonen, pho chu tich tap doan volvo car thuy dien khu vuc chau a thai binh duong

    Ông Jari Kohonen, Phó chủ tịch Tập đoàn Volvo Car Thuỵ Điển khu vực châu Á Thái Bình Dương

    Tại Việt Nam, Bắc Âu Auto sẽ thực hiện các hoạt động marketing, bán hàng và cung cấp dịch vụ hậu mãi cho các dòng xe ô tô mang thương hiệu Volvo. Đồng thời, Bắc Âu Auto được quyền bổ nhiệm đại lý, trung tâm dịch vụ trên toàn quốc.

    Trong buổi họp báo, ông Jari Kohonen, Phó chủ tịch Tập đoàn Volvo Car Thuỵ Điển khu vực châu Á Thái Bình Dương phát biểu: “Chúng tôi rất vui khi hợp tác với Công ty Cổ phần Ô tô Bắc Âu chính thức giới thiệu ô tô cao cấp thương hiệu Volvo tại thị trường Việt Nam. Truyền thống của Tập đoàn Volvo Car là sự an toàn, chất lượng và thân thiện với môi trường trong từng dòng xe từ năm 1927. Tôi tin rằng các mẫu xe của chúng tôi sẽ được khách hàng đón nhận, trải nghiệm và đánh giá cao.”

    Trong khi đó, ông Mai Việt Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Ô tô Bắc Âu cũng bày tỏ vịnh dự khi là một thành viên của hệ thống Tập đoàn Volvo Car Thuỵ Điển.

    Bắc Âu Auto có lợi thế là Công ty thành viên của Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng Hợp Sài Gòn (Savico) với bề dày kinh nghiệm trên 30 năm kinh doanh và cung cấp dịch vụ ô tô tại Việt Nam, với 27 đại lý ô tô 3S trên toàn quốc, doanh số năm 2015 đạt gần 19.000 xe, chiếm 8,5% thị phần VAMA.

    Thời gian tới, Bắc Âu Auto sẽ xây dựng, khai trương 2 trung tâm 4S Volvo tại Phú Mỹ Hưng (Quận 7, Tp. HCM) và Long Biên (Quận Long Biên, Hà Nội) được đầu tư 100% theo tiêu chuẩn mới nhất của Tập đoàn Volvo Car trong Quý 3/2016. Hệ thống dịch vụ được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị công nghệ, đội ngũ kỹ thuật viên được đào từ Tập đoàn Volvo.


    Đại gia Nhật Bản thích mua loại bất động sản gì tại Việt Nam?

    Đối với những sản phẩm bất động sản đã tạo ra dòng tiền rồi, nhà đầu tư Nhật Bản thường sẽ mua lại 100% ngay hoặc nhận chuyển nhượng.  

    ts. su ngoc khuong, giam doc bo phan dau tu savills viet nam.

    TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận đầu tư Savills Việt Nam.

    Trao đổi với BizLIVE, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc bộ phận đầu tư Savills Việt Nam nhìn nhận, các nhà đầu tư Nhật Bản đang muốn mở rộng và khuếch trương trong việc cung cấp các sản phẩm nhà ở tại Việt Nam. 

    Trong mấy năm gần đây, đặc biệt là năm 2015, khá nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã tham gia mạnh mẽ hơn vào hoạt động M&A bất động sản ở Việt Nam với những thương vụ khá lớn? Ở góc nhìn đầu tư, ông nhìn nhận thế nào về "hiện tượng Nhật Bản" trong thị trường bất động sản Việt Nam?  

    Theo ghi nhận của Savills, trong năm qua một số nhà đầu tư Nhật Bản đã tham gia vào thị trường M&A bất động sản ở Việt Nam với cấp độ dự án, tham gia mua lại cổ phần một số dự án của các công ty niêm yết.
    Các công ty Nhật Bản tham gia vào các dự án cùng với các nhà phát triển bất động sản trong nước để phát triển loại hình sản phẩm nhà ở có giá trị trung bình.
    Ngoài dự án 1,2 tỷ USD của Tokyu ở Bình Dương ra thì chúng ta có thể thấy rõ, phân khúc nhà ở có giá trị trung bình chính là phân khúc chủ yếu mà các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia M&A nhiều trong vòng khoảng 2 năm qua, đơn cử như việc một số nhà đầu tư Nhật Bản tham gia vào các dự án của Tập đoàn Nam Long.
    Đây là một cách để họ tiếp cận thị trường bất động sản Việt Nam, mục tiêu không chỉ cung cấp loại hình sản phẩm nhà ở cho đối tượng khách hàng Nhật Bản mà họ còn muốn tập trung phục vụ cả đối tượng khách hàng Việt Nam.
    Bởi vì chúng ta thấy, tôi hình dung đâu đó, nhà đầu tư Nhật Bản đang muốn mở rộng và khuếch trương trong việc cung cấp các sản phẩm nhà ở tại Việt Nam.
    Savills cũng đã làm việc với một số nhà đầu tư Nhật Bản trong việc nhận chuyển nhượng một số dự án bất động sản tại Việt Nam và tôi hy vọng rằng trong năm 2016 này sẽ có nhiều tín hiệu tốt.
    Đặc biệt là một số thương vụ M&A với Nhật Bản sẽ hoàn thành bởi vì chúng tôi cũng đã thương lượng một số thương vụ cách đây cũng cả năm trời nay rồi và hy vọng năm 2016 sẽ có tín hiệu tốt hơn từ các thương vụ đó.

    Thông qua những quá trình thương lượng các thương vụ với nhà đầu tư Nhật Bản, ở góc nhìn của một nhà tư vấn khi các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam đặc biệt là đối với thị trường bất động sản, khẩu vị của các nhà đầu tư Nhật Bản ra sao, thưa ông?

    Hiện tại Savills đang làm việc với nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, đối với lĩnh vực phát triển và kinh doanh bất động sản, họ có tên tuổi rất lớn không chỉ ở Nhật Bản mà cả ở khu vực Đông Nam Á như Singapore chẳng hạn.
    Còn nói về khẩu vị của họ thì chúng ta có thể thấy rõ, đối với các nhà đầu tư chuyên về kinh doanh phát triển các sản phẩm cho thuê như trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, khách sạn thì hầu hết các nhà đầu tư Nhật Bản chỉ quan tâm đến các dự án đã hiện hữu, tài sản đã tạo ra dòng tiền.
    Mục đích trong các thương vụ này chính là ngay khi họ vào họ mua các tài sản đó thì họ có thể tạo ra doanh thu ngay lập tức.
    Đối với nhóm thứ hai, chúng ta thấy các nhóm vừa là nhà đầu tư vừa là nhà phát triển thì họ sẽ tham gia phát triển cùng với các nhà đầu tư trong nước.
    Thứ nhất để họ học được kinh nghiệm địa phương từ các nhà đầu tư trong nước để sau này họ có kinh nghiệm trong tương lai họ có thể tự đứng ra phát triển các dự án một mình, đó là các dự án như khu đô thị, khu dân cư. Việc hợp tác đầu tư giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với Tập đoàn Nam Long có thể được coi là một ví dụ tiêu biểu cho nhóm thứ hai này.
    Việc họ tham gia cùng với các nhà đầu tư tên tuổi ở trong nước sẽ giúp cho họ tích lũy được nhiều kinh nghiệm địa phương và cũng là cách để họ tạo được thị trường cho chính họ.
    Còn về hình thức M&A, đối với các sản phẩm tài sản đã tạo ra dòng tiền rồi (cao ốc văn phòng, khách sạn…) thì các nhà đầu tư Nhật Bản thường sẽ mua lại 100% ngay hoặc mua 80% và nhận chuyển nhượng.  
    Trong khi đó, đối với các dự án phát triển mới nhà ở như khu đô thị, khu dân cư thì họ sẽ tham gia M&A dự án dưới hình thức cùng phát triển luôn đi cùng với các nhà đầu tư trong nước. 
    Nếu thẳng thắn mà nói, các nhà phát triển bất động sản trong nước rất là khó khăn, nguồn lực của các nhà đầu tư trong nước cũng hạn chế. Tuy nhiên, tôi không có phản biện nó sẽ là một cứu cánh, nhưng nó không phải là một yếu tố quyết định đến sự tồn vong của thị trường bất động sản 2016. 
    Thị trường 2015 là một điểm sáng, tôi hy vọng rằng, 2016 khi mà phát triển hơn, các nhà phát triển bất động sản trong nước lấy lại cái trớn, củng cố tiềm lực của mình để tham gia vào thị trường hơn là việc chúng ta đang chỉ kỳ vọng vào M&A.
    Nếu chỉ kỳ vọng vào M&A để mua bán lại mà không có sự phản hồi lại của thị trường, hay nói cách khác, các nhà đầu tư trong nước tìm cách để bán lại các dự án của mình nhưng thị trường không hấp thụ được thì tôi e rằng cũng ko phải là điểm mấu chốt của thị trường năm 2016.
    Năm 2016 với những tín hiệu hồi phục từ năm 2014 và 2015, thị trường bất động sản Việt Nam đang có cơ hội phát triển minh bạch và rõ ràng hơn. 

    Đối với các dự án đang khó khăn kéo dài, để mà hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào mua lại và tự phát triển nó, cần yếu tố gì?
    Đối với các nhà đầu tư nướ ngoài, thứ nhất là vấn đề pháp lý của dự án rõ ràng, đền bù giải tỏa, tiền sử dụng đất, quy hoạch phải rõ ràng.
    Quan trọng nữa là đối tác mà họ nhận chuyển nhượng lại có đáng tin cậy hay không. Nếu 5 yếu tố này giải quyết được, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài sẽ muốn cùng với các nhà đầu tư trong nước cùng phát triển các dự án bất động sản dở dang.
    Còn nếu chúng ta không đạt được những kỳ vọng này thì sẽ rất khó. Bởi lẽ, đối với các nhà đầu tư ngoại, khi họ mang tiền ra nước ngoài đầu tư thì những yếu tố rủi ro sẽ được đặt lên hàng đầu sau đó mới đến yếu tố về lợi nhuận.

    EU rà soát thuế chống bán phá giá sản phẩm giày mũ da Việt Nam

    Uỷ ban Châu Âu (EC) đã có thông báo về việc tiến rà soát Quyết định số 1472/2006 áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc.
    eu ra soat thue chong ban pha gia san pham giay mu da viet nam - anh chi co tinh chat minh hoa.

    EU rà soát thuế chống bán phá giá sản phẩm giày mũ da Việt Nam - Ảnh chỉ có tính chất minh họa.

     

    Uỷ ban Châu Âu (EC) đã có thông báo về việc tiến rà soát Quyết định số 1472/2006 áp thuếchống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc.
    Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), EC sẽ xem xét, đánh giá quy chế đối xử như nền kinh tế thị trường (MET) và quy chế đối xử riêng rẽ (IT) theo yêu cầu của các nhà sản xuất/xuất khẩu không được chọn mẫu.
    Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, việc tiến hành rà soát nhằm thực thi phán quyết của Tòa án tư pháp thuộc Liên minh châu Âu vào ngày 4/2/2016, vô hiệu một phần quyết định áp thuế chống bán phá giá do kết luận EC đã tiến hành điều tra không phù hợp với quy định liên quan đến “MET” và “IT”.
    Trên cơ sở đó, EC phải xem xét lại đề nghị được hưởng quy chế MET và IT (đã nộp từ năm 2006) của Việt Nam và Trung Quốc.
    Trước đó, vào tháng 10/2006, EC ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá với giày mũ da nhập khẩu từ Trung Quốc là 16,5% và từ Việt Nam là 10%.

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn