TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 23-03-2016

    Doanh nghiệp cảng biển thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2016

    Các doanh nghiệp cảng biển đã công bố kế hoạch lãi năm 2016 giảm sút so với 2015 trước những dự báo khả quan của ngành.
    doanh nghiep cang bien than trong voi ke hoach kinh doanh 2016 - anh minh hoa.

    Doanh nghiệp cảng biển thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2016 - Ảnh minh họa.

     

    Với Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết gồm: TPP, Việt Nam-EU, RCEP, Việt Nam- Hàn Quốc, AEC, Việt Nam- Á Âu, thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam đã được mở rộng đáng kể, hứa hẹn một năm nhộn nhịp của các cảng biển. Tuy nhiên có vẻ như các doanh nghiệp cảng biển đang lên một kế hoạch kinh doanh có phần thận trọng so với những dự đoán khả quan của ngành này trong năm 2016.

    Cảng Đồng Nai ( PDN ) mới đây đã công bố nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2016. Theo đó, đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2016 với đặt mục tiêu doanh thu 352 tỷ đồng, lãi trước thuế dự kiến đạt 55 tỷ đồng, cổ tức tỷ lệ 19%, cả 3 chỉ tiêu này đều chỉ tăng nhẹ so với thực hiện của 2015.

    Trước đó một doanh nghiệp khác là Cảng Đình Vũ ( DVP ) cũng đã lên kế hoạch kinh doanh năm 2016 rất thận trọng với doanh thu 700 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 310 tỷ đồng – xấp xỉ với con số năm trước.

    Hay Cảng Đoạn Xá ( DXP ) thậm chí còn đặt mục tiêu kinh doanh giảm sút so với 2015, doanh thu đạt 220 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện năm 2015, lợi nhuận trước thuế ước đạt 75 tỷ đồng, giảm gần 16% so với kết quả năm 2015.

    Thậm chí Container Việt Nam ( VSC ) mặc dù đặt chỉ tiêu doanh thu đạt 1.015 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với thực hiện năm trước. Tuy nhiên, lãi trước thuế mục tiêu chỉ đạt 262 tỷ đồng, giảm 32% so với kết quả năm 2015. Mức chi trả cổ tức dự kiến năm 2016 với tỷ lệ 20-30%.


    Bộ Công Thương nói gì về quyết định bảo vệ tạm thời doanh nghiệp thép?

    Một số ý kiến cho rằng việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài chỉ mang lại lợi ích cho vài doanh nghiệp đang nắm thị phần lớn hiện nay, không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
    gia thep tang manh truoc ngay chinh thuc ap dung bien phap tu ve tam thoi. anh: tto

    Giá thép tăng mạnh trước ngày chính thức áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời. Ảnh: TTO

    Khó xảy ra việc doanh nghiệp lợi dụng chính sách

    Hôm nay (22/3) Bộ Công Thương sẽ chính thức áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép. Trước một ngày, Bộ đã phát đi thông cáo thông tin chi tiết về cơ sở tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ, cơ sở, tác động của việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời…

    Trước một số ý kiến cho rằng việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài chỉ mang lại lợi ích cho vài doanh nghiệp đang nắm thị phần lớn hiện nay, không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, Bộ Công Thương cho biết, mức thuế tự vệ tạm thời 23,3% cho sản phẩm phôi thép và 14,2% cho thép dài giúp bảo vệ tạm thời các doanh nghiệp sản xuất phôi thép và cả các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thép dài trong nước.

    Cũng theo Bộ Công Thương, trên thị trường thép hiện nay không có doanh nghiệp nào chiếm vị trí thống lĩnh thị trường (từ 30% thị phần trở lên). Đối với sản phẩm phôi thép, trên thị trường có 14 doanh nghiệp lớn với lượng sản xuất chiếm gần 73% thị phần (trong đó lớn nhất là Hoà Phát chiếm gần 25% thị phần) và hàng trăm doanh nghiệp nhỏ với tổng lượng sản xuất chiếm 27% thị phần.

    Đối với sản phẩm thép dài, trên thị trường có 21 doanh nghiệp lớn với thị phần chiếm gần 93% (trong đó lớn nhất là Hoà Phát chiếm gần 20% thị phần) và hàng chục doanh nghiệp nhỏ với tổng lượng sản xuất chiếm 7% thị phần.

    Trước tình trạng giá thép “nhảy múa” trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương nhận định, giá thép dài và phôi thép sẽ tăng ở một mức độ nhất định để đảm bảo lợi nhuận hợp lý của ngành sản xuất trong nước nói chung, không phải của riêng một công ty nào

    “Điều này là phù hợp với mục tiêu của biện pháp tự vệ và để giảm bớt thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, xem xét mức độ tập trung trên thị trường, mức độ tồn kho hàng hoá và tỷ lệ sử dụng công suất toàn ngành hiện nay, Bộ Công Thương đánh giá khả năng các doanh nghiệp thép lợi dụng chính sách thuế tự vệ để chi phối thị trường và tăng giá quá mức gây thiệt hại cho người tiêu dùng là khó xảy ra”, Bộ này đánh giá.

    Sau khi khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương đã nhận được công văn của 7 nhà sản xuất thép dài trong nước từ phôi nhập khẩu đề nghị loại bỏ mặt hàng phôi thép ra khỏi phạm vi điều tra với lý do chưa đủ tính pháp lý để áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm này.

    Đại diện Bộ Công Thương cho biết, sẽ làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp phản đối nêu trên, dự kiến vào đầu tháng 4/2016 tới đây để làm rõ cơ sở, lập luận của các doanh nghiệp đối với kiến nghị loại bỏ phôi thép ra khỏi phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ.

    Thiệt hại nghiêm trọng vì thép Trung Quốc

    Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ tiến hành thẩm tra tại chỗ đối với các công ty sản xuất phôi thép trong nước, kết quả cho thấy hầy hết các doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước đều chịu thiệt hại nghiêm trọng từ việc giá bán phôi thép Trung Quốc sụt giảm nhanh chóng trong thời gian gần đây, đặc biệt trong năm 2015 (giảm 27%).

    Các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận và công suất sử dụng của ngành sản xuất phôi thép trong nước đều sụt giảm mạnh, tồn kho gia tăng trong năm 2015.
    Những doanh nghiệp chỉ sản xuất phôi hầu như đã phải dừng lò hoặc hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến lực lượng lao động trong ngành.
    Bộ Công Thương dẫn trường hợp Công ty thép Việt Trung công suất 500.000 tấn/năm đã phải dừng sản xuất, có nguy cơ phải đóng cửa mặc dù mới chỉ đi vào hoạt động từ năm 2014.
    Số liệu thống kê cho thấy, chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm 2016, lượng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến đặc biệt nhập khẩu phôi thép tháng 1/2016 là 339,768 tấn, tăng 231,83% so với tháng 1/2015. Giá phôi thép nhập khẩu bình quân trong tháng 1/2016 là 269 USD/tấn, giảm 67,6% so với cùng kỳ 2015.
    Giả thiết cho thấy, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, với tốc độ này, lượng nhập khẩu phôi thép cả năm 2016 vào Việt Nam sẽ lên tới 4-5 triệu tấn trong năm 2016, gần bằng với lượng sản xuất trong nước năm 2015.

    Ngân hàng dồn dập lên kế hoạch tăng vốn năm 2016

    Hàng loạt ngân hàng lớn nhỏ đang đặt ra mục tiêu tăng vốn điều lệ trong năm 2016.

    Lớn tăng vốn, nhỏ chạy đua

    Ngày 15/4 tới đây, Ngân hàng TMCP Vietcombank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2016. Một trong những nội dung được ĐHCĐ đề cập tới  là thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2016.

    Bà Lê Thị Hoa, thành viên HĐQT Vietcombank cho hay, ngân hàng hàng này đang chuẩn bị đợt phát hành riêng lẻ tỷ lệ 10%, thậm chí tỷ lệ này có thể nâng  lên 20%. Việc huy động vốn trong năm 2016 của Vietcombank sẽ được thực hiện thông qua hai hình thức: Phát hành cổ phiếu sơ cấp tỷ lệ 10% cho các nhà đầu tư nước ngoài  và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35%. Mizuho tiếp tục giữ cổ phần ít nhất 15% của ngân hàng.

    Trong kế hoạch ĐHCĐ năm nay của Vietinbank không có nội dung tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, dự kiến thương vụ sáp nhập PGBank sẽ hoàn tất vào quý II/2016 sẽ giúp ngân hàng này hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 49.000 tỷ đồng, vốn đặt ra từ năm 2015 nhưng không thực hiện được, do thương vụ sáp nhập chậm triển khai so với kế hoạch.

    Tại ngân hàng BIDV, sau khi chính thức tăng vốn nhờ thương vụ sáp nhập ngân hàng MHB hoàn thành trong năm 2015, phương án tăng vốn tiếp theo chưa được hé lộ. Song trả lời phóng viên Báo Đầu tư trước đó, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV cho hay, BIDV kỳ vọng sẽ bán được cổ phần cho đối tác chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2016 này. Thương vụ khủng này đã được thị trường chờ đón nhiều năm nay song đến giờ vẫn chưa được hé lộ.

    Trong khi các ngân hàng lớn liên tục tăng vốn thì các ngân hàng nhỏ cũng âm thầm chạy đua. Từ cuối năm 2015 đến nay, hàng loạt ngân hàng đã công bố kế hoạch tăng vốn và dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn trong mùa ĐHCĐ năm nay.

    Cụ thể, tuần qua,  Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank) đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên 4.080 tỷ đồng. Phương án cụ thể để tăng vốn chưa được ngân hàng này tiết lộ. NHNN chỉ đạo, phương án phát hành của Saigonbank phải tuân thủ quy định. Trường hợp việc phát hành cổ phần dẫn đễn cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ trở lên, Saigonbank phải trình NHNN xem xét, chấp thuận theo đúng quy định.

    Còn với VPBank, sau các đợt tăng vốn suôn sẻ năm  qua, đầu năm nay, ngân hàng này tiếp tục có văn bản xin ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 10.000 tỷ đồng bằng việc phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức cho nhà đầu tư trong năm 2016. Phương án này dự kiến sẽ được trình  ĐHCĐ thông qua ngày 28/3/2016. 

    Trước đó, cuối năm 2015, một loạt ngân hàng khác như BacABank, OCB, VIB… cũng đã được NHNN chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ. 

    Tăng vốn là bắt buộc

    Theo lãnh đạo các ngân hàng, thị trường chứng khoán và kinh tế vĩ mô có dấu hiệu phục hồi nên việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn  hiện nay khá thuận lợi. Việc tăng vốn cũng sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng tốt hơn, nhất là các khoản vay trung, dài hạn.

    Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, tăng vốn không chỉ giúp ngân hàng mở rộng hạn mức tín dụng với khách hàng, bổ sung vốn cho vay trung dài hạn, góp vốn mua cổ phần… mà tăng vốn còn là yêu cầu tất yếu để ngân hàng đáp ứng các tiêu chuẩn quản trị rủi ro ngày càng khắt khe.

    Theo tiêu chuẩn Basel II thì nhiều ngân hàng (trong số 10 ngân hàng áp dụng thí điểm Basel II của Việt Nam) sẽ phải tăng vốn mới đáp ứng được yêu cầu mới về vốn tối thiểu (CAR).

    “Mức CAR hiện hành của các NHTM chắc chắn sẽ giảm mạnh khi áp dụng Basel II, vậy nên việc tăng vốn dường như là yêu cầu bắt buộc”, nhóm nghiên cứu công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định. 

    Theo ước tính, việc áp dụng Basel II có thể sẽ khiến hệ số CAR của các ngân hàng giảm 10-20%. Trong khi đó, hệ số CAR của nhiều ngân hàng, kể cả ngân hàng lớn hiện chỉ ở 9-10% (mức tối thiểu là 9%).  

    Trao đổi với Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, bà Bùi Như Ý - Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản lý rủi ro VietinBank khẳng định: "Áp lực tăng vốn để cải thiện CAR là rõ ràng, nhưng tôi cho rằng Basel II đưa ra các yêu cầu khắt khe về vốn nhằm tạo động lực cho các ngân hàng nâng cao chất lượng quản lý rủi ro, đưa các ứng dụng từ hệ thống quản lý rủi ro vào trong các hoạt động kinh doanh của ngân hàng để đảm bảo sự phát triển an toàn và lành mạnh. Đây là giá trị và là mục tiêu lớn nhất khi áp dụng Basel II".

    Trong bối cảnh nguồn lực trong nước hạn chế, việc tăng vốn với các ngân hàng là không đơn giản. Đối với các ngân hàng chưa có đối tác chiến lược nước ngoài như BIDV, việc tìm kiếm đối tác chiến lược là phương án khả dĩ nhất để tăng vốn. Còn với các ngân hàng đã có đối tác chiến lược, việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài là mong muốn được đặt ra. Đây là lý do cách đây không lâu, lãnh đạo Vietinbank và Vietcombank đồng loạt đề xuất Chính phủ nới room cho đối tác ngoại. 


    Hàng tạm giữ chờ xử lý sẽ phải nộp thuế

    Đó là ý kiến tiếp thu của Bộ Tài chính vào dự thảo Luật Thuế XK, thuế NK sửa đổi sau khi một số Đại biểu Quốc hội cho ý kiến về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa XNK bị tạm giữ để chờ xử lý của cơ quan Hải quan.

    truong hop hang hoa xnk bi tam giu de cho xu ly cua co quan hai quan thi thoi han nop thue duoc tinh tu ngay ra quyet dinh xu ly. anh: t.trang.

    Trường hợp hàng hóa XNK bị tạm giữ để chờ xử lý của cơ quan Hải quan thì thời hạn nộp thuế được tính từ ngày ra quyết định xử lý. Ảnh: T.Trang.

    Theo đó, nội dung này được Bộ Tài chính tiếp thu và bổ sung thêm vào tại Điều 9 dự thảo Luật Thuế XK, thuế NK sửa đổi về thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa XNK bị tạm giữ, cụ thể: “Trường hợp hàng hóa XNK bị tạm giữ để chờ xử lý của cơ quan Hải quan hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thời hạn nộp thuế được tính từ ngày ra quyết định xử lý”.

    Bên cạnh đó, quy định về hoàn thuế tại dự thảo Luật Thuế XK, thuế NK sửa đổi cũng được bộ Tài chính tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội bổ sung thêm trường hợp được hoàn thuế đối với người nộp thuế đã nộp thuế đối với hàng hóa NK để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa XK và đã XK sản phẩm.

    Theo đó, tại Điều 19 của dự thảo Luật quy định về hoàn thuế đã bổ sung thêm nội dung: Người nộp thuế đã nộp thuế đối với hàng hóa NK để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa XK và đã XK sản phẩm; thời hạn cho phép là 02 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan hàng hóa NK nguyên liệu, vật tư đến ngày đăng ký tờ khai hải quan hàng hóa XK sản phẩm cuối cùng có sử dụng nguyên liệu, vật tư của tờ khai hải quan hàng hóa NK đề nghị hoàn thuế.

    Được biết, tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Bộ Tài chính đã tiếp thu một số nội dung về đối tượng chịu thuế, thời hạn nộp thuế và nội dung hoàn thuế vào dự thảo Luật, các ý kiến gió ý khác đều đã được Bộ Tài chính giải trình chi tiết. Theo đó, dự thảo Luật này sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11- kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII.


    Có được nhập khẩu thùng chứa đạn?

    Một lô hàng gồm trên 2.300 thùng sắt chuyên dùng để chứa đạn do một cá nhân đứng tên nhập khẩu qua cửa khẩu cảng Phước Long- Thủ Đức đang gặp vướng về chính sách.

    Theo Cục Hải quan TP.HCM, lô hàng nêu trên có xuất xứ từ Mỹ, được nhập khẩu theo loại hình phi mậu dịch. Khi nhập khẩu, cá nhân đứng tên trên tờ khai hải quan khai báo hàng nhập khẩu gồm 2.340 thùng rỗng bằng sắt và bằng nhựa, mới 100%.

    Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế lô hàng cơ quan Hải quan phát hiện toàn bộ số hàng nêu trên là thùng sắt rỗng  (loại thùng chuyên dùng để chứa đạn), đã qua sử dụng, có ghi ký mã hiệu Nato.

    Căn cứ Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20-11-2013 của Chính phủ về hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu và Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, nhập khẩu là vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ (trừ vật liệu nổ công nghiệp), trang thiết bị kĩ thuật quân sự, nhưng đến nay Bộ Quốc phòng chưa có văn bản công bố danh mục và mã số HS cụ thể.

    Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4- nơi làm thủ tục cho lô hàng nêu trên- đã có công văn gửi Bộ Tư lệnh TP.HCM đề nghị hướng dẫn đối với mặt hàng nhập khẩu là thùng sắt chứa đạn nêu trên. Mới đây, cơ quan này cho biết, theo Quyết định 80/2006/QĐ-BQP ngày 9-5-2006 của Bộ Quốc phòng về việc công bố danh mục hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu không đề cập đến mặt hàng nêu trên.

    Để có cơ sở giải quyết thông quan hàng hóa cho người nhập khẩu và tránh ách tắc hàng hóa tại cảng, Cục Hải quan TP.HCM đã báo cáo vụ việc, chờ hướng dẫn của Tổng cục Hải quan. 


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn