TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 03-03-2016

    Đi vay, Chính phủ Nhật được trả lãi

    di vay, chinh phu nhat duoc tra lai

    Đi vay, Chính phủ Nhật được trả lãi


    Đang diễn ra một câu chuyện “ngược đời” là Chính phủ Nhật được trả lãi khi đi vay tiền...

    Đang diễn ra một câu chuyện “ngược đời” là Chính phủ Nhật được trả lãi khi đi vay tiền. Theo tin từ tờ Wall Street Journal, ngày 1/3, Chính phủ Nhật đã lần đầu tiên bán được trái phiếu với lợi suất âm.

    Phiên bán đấu giá trái phiếu nói trên diễn ra sau 3 năm Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ, đẩy lãi suất giảm sâu nhằm kích thích nhu cầu vay vốn. Trong khoảng thời gian này, BoJ ban đầu mua vào một lượng khổng lồ trái phiếu chính phủ Nhật và các tài sản khác. Gần đây nhất, vào tháng 1 vừa qua, BoJ lần đầu tiên hạ lãi suất về ngưỡng âm đối với một số khoản tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại ngân hàng trung ương.

    Động thái hạ lãi suất xuống dưới 0% của BoJ đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm đang lưu hành vào dư địa âm. Tuy nhiên, loại trái phiếu này chưa bao giờ được bán với mức lợi suất âm tại một cuộc đấu giá - đồng nghĩa với việc người mua trái phiếu nhất trí ngay từ đầu phải trả tiền để được cho nhà phát hành trái phiếu vay tiền.

    Điều này đã thay đổi vào ngày 1/3 khi Bộ Tài chính Nhật bán trái phiếu kỳ hạn 10 năm với lãi suất cuống phiếu 0,1% tại mức giá trung bình 101,25 Yên. Mức lãi suất cuống phiếu và giá trái phiếu này đồng nghĩa với lợi suất âm 0,024% nếu trái phiếu được giữ tới khi đáo hạn.

    Trước khi diễn ra cuộc đấu giá, giới phân tích đã bày tỏ lo ngại về nhu cầu của thị trường, cho rằng nhiều người mua có kế hoạch bán lại cho BoJ để chốt lời nhanh. Những giao dịch như vậy sẽ diễn ra trên cơ sở kỳ vọng lợi suất trái phiếu kho bạc Nhật tiếp tục giảm khi BoJ đẩy mạnh việc mua tài sản và hạ lãi suất.

    Chiến lược gia Shuichi Ohsaki của Bank of America Merrill Lynch tại Nhật cho rằng thị trường trái phiếu kho bạc Nhật có thể trở nên đông người bán kẻ mua hơn với những giao dịch mang tính đầu cơ như vậy, dẫn tới mức độ bất ổn cao hơn.

    Một số chuyên gia kinh tế nhận định, lãi suất giảm đem đến cho Chính phủ Nhật một cơ hội để đẩy mạnh các biện pháp kích thích bằng tài khóa nhằm vực dậy tăng trưởng. Nợ công của Nhật hiện đã lớn gấp hơn 2 lần quy mô của nền kinh tế, và Chính phủ nước này hiện đang nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách. Nhưng giới chuyên gia cho rằng Tokyo sẽ đặt vấn đề tăng trưởng kinh tế lên hàng đầu.

    Ông Heizo Takenaka, một cựu Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật hiện đang giữ vai trò cố vấn cho Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, nói Chính phủ nước này nên chuẩn bị một gói kích cầu trị giá khoảng 50 tỷ USD trong năm nay.

    “Chính phủ nên phát hành trái phiếu cần thiết, bởi lãi suất đã dưới 0 rồi”, ông Takenaka phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tuần trước. “Một nền tài khóa lành mạnh chỉ có thể đạt được nhờ nền kinh tế mạnh”.

    Nhiều nhà hoạch định chính sách và chuyên gia kinh tế lập luận rằng mức nợ khổng lồ của Nhật không phải là sự phản ánh thực chất tình trạng nền tài chính công của nước này, bởi 90% số nợ này nằm trong tay các nhà đầu tư trong nước.

    Vào cuối tháng 1, BoJ đã có động thái chưa từng có tiền lệ là áp lãi suất âm 0,1% đối với một phần tiền gửi bằng đồng nội tệ của các ngân hàng thương mại tại ngân hàng trung ương. Với động thái này, BoJ gia nhập “đội ngũ” nhiều ngân hàng trung ương ở châu Âu sử dụng lãi suất âm để chống chọi với tăng trưởng yếu và lạm phát thấp. Lãi suất âm của BoJ có hiệu lực từ ngày 16/2.

    Ngày 9/2, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên rơi vào lãnh địa âm.

    Đến ngày 1/3, các nhà đầu tư nhận lợi suất âm 0,06% đối với trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm. Như vậy có nghĩa là một nhà đầu tư cho Chính phủ Nhật vay 10.000 Yên trong 10 năm sẽ phải trả 6 Yên mỗi năm để được cho vay số tiền này.

    Lợi suất siêu thấp của trái phiếu chính phủ ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới khi các chính phủ thực thi chính sất lãi suất tiền tệ nới lỏng quyết liệt. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện ở mức 1,17%, trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 10 năm đem lại mức lợi suất 0,11%, còn trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn cùng kỳ hạn có mức lợi tức 1,34%.


    “Đại gia” dầu khí Malaysia sa thải 1.000 nhân viên

    “dai gia” dau khi malaysia sa thai 1.000 nhan vien

    “Đại gia” dầu khí Malaysia sa thải 1.000 nhân viên


    Petronas gia nhập danh sách những tập đoàn dầu lửa lớn của thế giới cắt giảm mạnh vốn đầu tư...

    Tập đoàn dầu lửa quốc doanh Petronas của Malaysia vừa tuyên bố một loạt điều chỉnh về nhân sự cấp cao và sa thải công nhân viên nhằm tiết kiệm chi phí trong bối cảnh giá dầu thế giới trải qua đợt sụt giảm tồi tệ.

    Hãng tin Bloomberg dẫn một tuyên bố ngày 1/3 của Petronas nói rằng cấu trúc mới của tập đoàn sẽ dẫn tới việc 1.000 công nhân phải “ra đi”. Tuy nhiên, tuyên bố không nói rõ các vị trí bị ảnh hưởng.

    Tính đến cuối năm 2014, Petronas có khoảng 51.000 công nhân viên.

    “Những nỗ lực hết sức vẫn đang diễn ra để tập đoàn có thể sử dụng lại những công nhân viên bị ảnh hưởng trong đợt sa thải”, tuyên bố của Petronas có đoạn viết.

    Petronas, tập đoàn có trụ sở ở Kual Lumpur, vừa báo lỗ quý thứ 5 liên tiếp vào ngày 29/2. Tập đoàn này cảnh báo có thể vay nợ thêm và sử dụng đến dự trữ tiền mặt để có vốn đầu tư cơ bản và trả cổ tức cho Chính phủ.

    Với những động thái này, Petronas gia nhập danh sách những tập đoàn dầu lửa lớn của thế giới như Shell cắt giảm mạnh vốn đầu tư trong bối cảnh giá dầu giảm sâu.

    Theo dự kiến, Petronas sẽ giảm vốn đầu tư cơ bản và chi phí hoạt động tới 20 tỷ Ringgit, tương đương 4,8 tỷ USD trong năm 2016. Đây là một phần trong kế hoạch giảm 50 tỷ Ringgit vốn đầu tư và chi phí của Petronas trong vòng 4 năm - Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn này Wan Zulkiflee Wan Ariffin cho biết ngày 29/2.

    Trong quý 4/2015, Petronas lỗ ròng 2,96 tỷ Ringgit, tương đương hơn 704 triệu USD, so với mức lỗ 7,3 tỷ Ringgit cùng kỳ năm trước. Tập đoàn này cho biết khoản thua lỗ xuất phát từ sự suy giảm giá trị tài sản do giá dầu giảm sâu.

    Doanh thu quý 4 của Petronas là 60,1 tỷ Ringgit, giảm gần 1/4 từ mức 79,4 tỷ Riggit cùng kỳ năm trước.

    Cú giảm 70% của giá dầu thế giới kể từ giữa năm 2014 đến nay đã khiến Petronas, tập đoàn chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán, khốn đốn. Petronas hiện đóng góp khoảng 1/3 nguồn thu từ dầu khí củaChính phủ Malaysia.


    Dệt may Việt Nam thua Campuchia tại EU: Nhanh chóng nhìn lại năng lực của chính mình

    det may viet nam thua campuchia tai eu: nhanh chong nhin lai nang luc cua chinh minh

    Dệt may Việt Nam thua Campuchia tại EU: Nhanh chóng nhìn lại năng lực của chính mình

    Việc hàng dệt may của Campuchia đang nắm giữ được thị phần lớn hơn Việt Nam tại thị trường EU chỉ mang tính thời điểm và dệt may Việt Nam sẽ sớm giành lại vị trí của mình.

    Đó là quan điểm được đại diện của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đưa ra khi trao đổi với chúng tôi về thông tindệt may Việt Nam đang “thua” Campuchia tại thị trường này.

    Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì cho rằng có thể trong thời điểm hiện nay Việt Nam có thể thua Campuchia trong một số mặt hàng, hoặc giảm sút về thị phần so với Campuchia tại EU. Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh dài hạn của Việt Nam tại thị trường này vẫn chủ yếu tập trung vào mặt hàng dệt may, da giày trong thời gian tới.

    “Trên thực tế lĩnh vực này doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh tương đối dài hạn. Điều quan trọng là làm sao để giữ được sự cạnh tranh này, bởi trong thời gian tới, định hướng của chúng ta vẫn là phát triển những ngành sử dụng nhiều lao động” – ông Lộc nói.

    Không phải thua cả lĩnh vực, mà chỉ một vài mặt hàng?

    Đặt trong bối cảnh tái cấu trúc lại lực lượng lao động trong thời gian tới, Chủ tịch VCCI cho rằng sẽ có hàng triệu lao động nông nghiệp Việt Nam sẽ phải chuyển dịch sang các ngành công nghiệp và dịch vụ. Do đó, với những ngành có lợi thế thâm dụng lao động cao như dệt may và da giày thì tiếp tục là ngành chiến lược.

    Vì vậy, Chủ tịch VCCI khẳng định rằng: “Trong ngắn hạn có thể thị phần giảm sút trong tương quan với các đối tác khác nhưng về dài hạn dệt may sẽ là ngành có lợi thế cạnh tranh cao”.

    Đặt trong điều kiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được ký kết, chuyên gia của EuroCham cũng khẳng định rằng khi FTA đi vào hiệu lực thì vị trí thứ hạng có thể thay đổi và Việt Nam vân là nước có lợi thế nhiều hơn tại EU trong xuất khẩu hàng dệt may.

    Trước đó, theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) trong năm 2015, Campuchia đã vượt Việt Nam để vươn lên vị trí thứ 5 trong nhóm các thị trường xuất khẩu dệt may nhiều nhất vào EU. Cụ thể, Campuchia đã vượt Việt Nam về thị phần xuất khẩu vào thị trường này (thị phần của Campuchia là 3,64%, trong khi tỷ trọng của dệt may Việt Nam là 3,45% trong tổng kim ngạch hàng dệt may các nước xuất vào EU.

    Tuy nhiên, trong một thông tin xác nhận mới đây của Vitas lại khẳng định việc Campuchia vượt Việt Nam về thị phần dệt may tại EU là không chính xác. Cụ thể, theo bảng thông tin mà Hiệp hội này đưa ra thì đây chỉ là thống kê hàng may mặc thuộc mã HS61 + HS62, song thông tin đưa ra lại có sự “nhầm lẫn” thành hàng dệt may nói chung.

    Vitas cũng giải thích, trong năm 2014, tổng nhập khẩu hàng dệt may của EU28 (28 nước thành viên EU) từ Việt Nam là 2,53 tỷ Euro, tăng trưởng 21,31%; năm 2015 là 3,13 tỷ Euro, tăng trưởng 23,91%.

    Trong khi đó, tổng nhập khẩu hàng dệt may (HS 50-63) của EU28 từ Campuchia, năm 2015 là 2,97 tỷ Euro, tăng trưởng 31,64%. Như vậy, tính tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào EU28 thì Việt Nam vẫn duy trì kim ngạch xuất khẩu cao hơn Campuchia.

    Dệt may phải "suy nghĩ" lại về năng lực cạnh tranh của mình

    Cho dù hàng dệt may Việt Nam chỉ "thua" Campuchia ở một vài mặt hàng, hay toàn bộ ngành hàng thì vị chuyên gia của EuroCham cũng như Chủ tịch VCCI đều cho rằng vấn đề năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may Việt Nam là điều cần phải suy ngẫm, để có thể tận dụng được các cơ hội về mà Hiệp định mang lại.

    Theo đó, không chỉ là nâng cao cạnh tranh của từng doanh nghiệp, thì việc cải cách hành chính trong thời gian tới, nhằm giảm mạnh chi phí hành chính, giảm gánh nặng khác cho doanh nghiệp là rất cần thiết.

    Đặc biệt là chi phí liên quan đến tiền lương và người lao động. Theo ông Lộc, nếu chính sách điều chỉnh tiền lương quá nhanh, và không phù hợp với sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay, thì nguy cơ doanh nghiệp dệt may và da giày có thể mất lợi thế là nhãn tiền có thể xảy ra.

    “Các chính sách tài chính cần có quyết định phù hợp, thì năng lực cạnh tranh của ngành dệt may mới được đảm bảo và ta mới có thể là nhà xuất khẩu dệt may hàng đầu vào EU và trong thời gian tới” - Ông Lộc nói.


    Sẽ có làn sóng các doanh nghiệp nhỏ và vừa của EU đầu tư vào Việt Nam

    se co lan song cac doanh nghiep nho va vua cua eu dau tu vao viet nam

    Sẽ có làn sóng các doanh nghiệp nhỏ và vừa của EU đầu tư vào Việt Nam


    Việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp của Việt Nam và EU cùng hợp tác. Đây sẽ là sự mở đường cho một làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của châu Âu đầu tư vào Việt Nam.

    Đó là thông tin được ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, đưa ra tại buổi lễ Công bố Sách trắng 2016: Các vấn đề thương mại/đầu tư và kiến nghị vừa được phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham).

    Với việc giảm thuế suất xuất khẩu rất mạnh mẽ khi EVFTA có hiệu lực, Đại sứ EU tại Việt Nam cho rằng sẽ có nhiều sản phẩm của Việt Nam đến EU trong thời gian tới. Theo đó, có tới 70% các trao đổi thương mại thông thường sẽ được miễn thuế nhập khẩu và tiến tới gần như toàn bộ các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và châu Âu, sẽ được hưởng lợi từ việc xóa bỏ gần như hoàn toàn các dòng thuế.

    Kích hoạt cho một làn sóng đầu tư

    Tuy nhiên, hiệp định cũng đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao về các vấn đề liên quan đến mua sắm công, sở hữu trí tuệ, thuận lợi hóa thương mại… và mở ra cơ sở mới cho mua sắm công, cho phép các nhà đầu tư EU xây dựng cơ sở hạ tầng công và cung cấp các tiện ích công tại Việt Nam.

    Tuy nhiên, Đại sứ EU tại Việt Nam cũng cho rằng Việt Nam là nền kinh tế dựa vào xuất khẩu nhiều nhất trong ASEAN, song có tới hơn 70% hàng xuất khẩu đến từ các công ty FDI và hoạt động doanh nghiệp trong nước không hiệu quả do năng xuất lao động giảm. Do đó, việc giải quyết thách thức quan trọng liên quan đến kinh tế Việt Nam sẽ là vấn đề được đặt ra khi thực thi Hiệp định.

    “Tôi tin rằng EVFTA sẽ kích hoạt cho một làn sóng đầu tư chất lượng cao lớn hơn của châu Âu vào Việt Nam và thúc đẩy hội nhập sâu và giá trị gia tăng cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, điều này phải được hỗ trợ bằng chính lĩnh vực tư nhân Việt Nam, tăng cường cung cấp cho các công ty châu Âu tại Việt Nam để họ có thể tìm nguồn tại chỗ thay vì nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài” – ông Bruno nói.

    Cũng với Hiệp định này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng bày tỏ kỳ vọng trong thời gian tới tại Việt Nam sẽ có nhiều hơn rượu vang, xe ô tô của châu Âu ở Việt Nam. Ngược lại, các sản phẩm dệt may, da giày hay sản phẩm nông sản cũng sẽ hiện diện nhiều hơn tại các nước châu Âu.

    Bên cạnh đó, EVFTA cũng mở ra kỳ vọng sẽ thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh và kết nối để Việt Nam có thể vươn lên, phát triển và bắt nhịp trong thời gian tới. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn và yêu cầu mà EU đặt ra cho Việt Nam cũng không phải là nhỏ, nên việc đáp ứng được các yêu cầu này là thách thức lớn.

    “Chúng tôi hiểu rằng con đường hợp tác của chúng ta không chỉ có hoa hồng vì FTA Việt Nam – EU là hiệp định tương đối khó tính. Cộng đồng doanh nghiệp muốn lộ trình giảm thuế đối với việc thâm nhập vào thị trườn EU tương đối ngắn hơn, nhằm tạo cơ hội hợp tác tốt hơn. Trong khi đó, hàng rào kỹ thuật rất cao, cao hơn các nước và khu vực khác. Nên đây là thác thức rất lớn khi phần lớn doanh nghiệp chúng tôi có quy mô nhỏ và mới bắt đầu phát triển” - Ông Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.

    Cần có chính sách kết nối SME Việt Nam - EU

    Do đó, để có thể thúc đẩy kinh tế Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Việt Nam để có thể tận dụng được làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp của EU trong thời gian tới, Chủ tịch VCCI bày tỏ kỳ vọng hai bên sẽ có những chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phát triển.

    Theo đó, sự xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Châu Âu đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp kết nối bằng nhiều cách thức khác nhau. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chuẩn mực, chất lượng, tính minh bạch thông qua học hỏi kinh nghiệm, sự chia sẻ, kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

    Do đó, với những khuyến nghị trong Sách trắng 2016, các chuyên gia bày tỏ tin tưởng rằng cùng với việc thực thi EVFTA, thì những cam kết hành động trong những năm tiếp theo, sẽ giải quyết các vấn đề trên. Theo đó, các nhà lãnh đạo hai bên đã thông qua Lộ trình Dự kiến chung và một gói hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo có được năng lực, sự chuẩn bị thích hợp từ phía Việt Nam để thực thi Hiệp định có hiệu quả.


    Nên chọn Trường Hải làm mẫu tiếp cận cho ngành công nghiệp ô tô khi vào TPP

    nen chon truong hai lam mau tiep can cho nganh cong nghiep o to khi vao tpp

    Nên chọn Trường Hải làm mẫu tiếp cận cho ngành công nghiệp ô tô khi vào TPP


    Được xem là “cửa mở” cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, song việc chọn cách tiếp cận nào để ngành ô tô có thể “cất cánh” khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực là bài toán được đặt ra.

    Ngành công nghiệp ô tô lẽ ra phải phát triển rất lớn mạnh, nhưng việc thiếu môi trường cạnh tranh lành mạnh cho khu vực tư nhân, đã khiến cho công nghiệp ô tô chỉ đến nay chỉ gần như là con số không và “không thể lớn lên được”.

    Trao đổi với chúng tôi, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng việc thiếu chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh đang khiến cho những doanh nghiệp tư nhân nói chung và doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực ô tô nói riêng khó có thể phát triển.

    Thiếu tầm nhìn chính sách... ô tô mãi không lớn

    Vị chuyên gia kinh tế đầu ngành này cho rằng, cách làm của ngành công nghiệp ô tô VIệt Nam không có gì sai về phương pháp luận. Tuy nhiên, đây là một ngành cạnh tranh khốc liệt nên việc thiếu chính sách hỗ trợ đã khiến cho một ngành có rất nhiều tiềm năng đã không thể phát triển trong vài thập kỷ qua.

    Nghiên cứu so sánh từ Viện Nghiên cứu chiến lược và Chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng đã chỉ ra, mức độ phát triển của thị trường và sản xuất của Việt Nam so với các nước ASEAN có rất nhiều tiềm năng.

    Theo bà Nguyễn THị Xuân Thúy, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp, nếu như thị trường Thái Lan tăng mạnh về sản lượng gấp đôi nhu cầu tiêu thụ của nội địa, nên chủ yếu hướng ra xuất khẩu, thì những nước như Philipines, Indonesia và Việt Nam, tiềm năng tiêu thụ rất lớn khi mà sản xuất chỉ tương đương với tiêu thụ.

    Đối với hoạt động xuất nhập khẩu phụ tùng ô tô, nếu như Thái Lan xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu và thặng dư thương mại về phụ tùng linh kiện ô tô, thì Việt Nam và Philippines là hai nước mà có mức độ xuất nhập khẩu tương đương. Các doanh nghiệp lắp ráp số lượng không nhiều và hoạt động lắp ráp chủ yếu là thiết bị, linh kiện còn đơn giản, nên số lượng xuất ra còn ít.

    “Thị trường Việt Nam tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây, công nghiệp hỗ trợ chưa được phát triển. Quy mô thị trường so với các nước nhỏ nhưng giá xe cao hơn nên ngành công nghiệp ô tô chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các nước ASEAN đặc biệt từ 2018 khi thuế nhập khẩu nguyên chiếc về 0%” – Bà Thúy nhận định.

    Tuy nhiên, với việc tham gia và ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương thì đây lại được xem là “cửa mở” cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Các nước thành viên TPP chủ yếu là xuất khẩu còn nhập khẩu khiêm tốn, do đó TPP mở ra cơ hội cho thành viên đến từ châu Á và châu Mỹ khi tạo ra những sức hút đầu tư từ những cường quốc ô tô lớn của thế giới.

    Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp cho rằng, nếu như trước đây ô tô chủ yếu phục vụ thị trường trg nước, chỉ khi mạnh mới phát triển công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, với TPP sẽ mở ra cơ hội để các nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu linh kiện đi các nước.

    “Điều này mở ra cách tiếp cận mới cho các nước phát triển. Trước đây thông qua các nhà lắp ráp, nhưng giờ các nhà cug cấp cũng có thể xuất khẩu linh kiện ra nước ngoài. Nếu như trước đây FDI phụ thuộc lớn vào thị trường trong nước có quy mô nhỏ, phân tán thì sau TPP, sẽ có cơ hội và động lực cho DN phát triển với quy mô lớn”, - Bà Thúy nhận định.

    Còn nhiều cửa trong TPP, ô tô chọn mô hình nào?

    Vấn đề đặt ra là chính sách cần làm gì để đón nhận cơ hội này và xây dựng mô hình nào cho phù hợp? Hiện nay, các ưu đãi đầu tư cho ngành công nghiệp ô tô chưa thực sự mang lại hiệu quả, doanh nghiệp chưa cũng tận dụng được do thị trường nhỏ, nên quy mô đầu tư còn hạn chế.

    Do đó, cơ quan nghiên cứu về chính sách phát triển công nghiệp của Bộ Công THương cho rằng, các ưu đãi giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cần tính toán kỹ để phát triển. Bởi nếu giảm mạnh thì lại lợi ích cho nhà nhập khẩu nhưng tăng cao sẽ làm khó cho doanh nghiệp sản xuất trg nc. Do đó chính sách cần xem xét để tác động quy mô thị trường và tăng trưởng song hành.

    Ngoài ra một số chính sách như giảm thuế nhập khẩu phụ tùng linh kiện tập trung vào các linh kiện chưa thể sản xuất trong nước; có văn bản hướng dẫn để Nghị định công nghiệp hỗ trợ đi vào thực tiễn; thu hút đầu tư có trọng tâm trọng điểm cho ngành công nghiệp ô tô.

    Còn theo TS. Trần Đình Thiên, việc lựa chọn mô hình nào cho ngành công nghiệp ô tô cần phải tính toán đầy đủ các yếu tố, đặc biệt liên quan đến lợi thế tĩnh của Việt Nam, và yêu cầu thời đại về mặt chiến lược, có đáp ứng được hay không.

    Theo đó, có hai mẫu lựa chọn cho ngành công nghiệp ô tô. Hoặc là chọn mô hình của Nhà nước, hoặc là của tư nhân. Riêng với tư nhân, TS. Thiên lưu ý đến mô hình sản xuất của doanh nghiệp ô tô Trường Hải, bởi mô hình này có thể “hé mở” ra những cách tiếp cận cho ngành công nghiệp ô tô, phải hướng ra thị trường thế giới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn