TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 03-03-2016

    Trung Quốc bị hạ triển vọng tín nhiệm

    Hãng đánh giá tín dụng Moody’s vừa hạ triển vọng trái phiếu Chính phủ Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực, cảnh báo về tình hình nợ công và cải tổ kinh tế.

    Xếp hạng trái phiếu nước này được giữ nguyên tại Aa3 - mức cao thứ 4 trong hạng "đầu tư", nhờ nền kinh tế này được cho là có "bộ đệm" lớn, với tỷ lệ tiết kiệm trong nước cao.Triển vọng tiêu cực có nghĩa "khả năng thay đổi xếp hạng tín dụng trong trung hạn là cao". Nếu bị hạ bậc trái phiếu, chi phí đi vay của Bắc Kinh sẽ càng lớn trên thị trường quốc tế.

    trung quoc nam ngoai tang truong cham nhat ke tu nam 1990. anh: reuters

    Trung Quốc năm ngoái tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 1990. Ảnh: Reuters

    Moody's nhận xét tài chính Trung Quốc đang yếu đi do khối nợ tăng cao khắp các lĩnh vực kinh tế. Sức ép lên các doanh nghiệp nhà nước cũng ngày một lớn.

    Nợ công Trung Quốc đã tăng lên 40,6% GDP vào cuối năm 2015, Moody’s ước tính. Số liệu này có thể lên 43% năm tới, khi các nhà hoạch định chính sách tăng chi và giảm thuế để hỗ trợ nền kinh tế. Năm ngoái, Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,9% - chậm nhất 25 năm.

    Tuy vậy, Moody’s cũng cảnh báo việc hỗ trợ bằng các chính sách tài khóa và tiền tệ để đạt mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ (6,5% năm nay) "có thể khiến quá trình cải tổ chậm lại".

    "Nếu không có các chính sách hiệu quả và đáng tin cậy, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ còn giảm đáng kể, do nợ nần lớn khiến doanh nghiệp dè dặt đầu tư, và cấu trúc dân số cũng ngày càng bất lợi", Moody’s nhận xét. Cơ quan này cũng cho rằng nợ công Trung Quốc sẽ "tăng mạnh hơn dự báo hiện tại".


    Việt Nam có thể thoát bẫy thu nhập trung bình nhờ FTA

    viet nam co the thoat bay thu nhap trung binh nho fta

    Việt Nam có thể thoát bẫy thu nhập trung bình nhờ FTA

    Theo EuroCham, hiệp định thương mại ký với EU có thể mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam, khi cùng với hàng hóa, vốn đầu tư và công nghệ cũng có dịp thâm nhập vào nền kinh tế một cách thuận lợi hơn.

    Nhận định này được đại diện Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) đưa ra tại buổi công bố Sách Trắng 2016 về Triển vọng hợp tác kinh tế giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, diễn ra ngày 2/3.

    Tại ấn phẩm này, EuroCham nhận định Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được xem là một dấu mốc lớn với cả hai phía, bởi EU là một thị trường quan trọng của Việt Nam xét về mặt thương mại. Khi hiệp định có hiệu lực, ước tính GDP của Việt Nam có thể tăng trên 15% và giá trị kim ngạch xuất khẩu sang EU có thể tăng gần 35%.

    Hơn nữa, khi 99% các dòng thuế được gỡ bỏ, Việt Nam sẽ tự do hóa 65% thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng có xuất xứ EU (thực hiện với phần còn lại trong 10 năm kế tiếp). Người tiêu dùng Việt Nam sẽ sử dụng các sản phẩm từ EU đa dạng, với mức giá phù hợp hơn, từ rượu vang, rượu mạnh đến ôtô, xe máy...

    Nhóm tác giả nhận định, một loạt thay đổi đi kèm EVFTA sẽ không chỉ có tác dụng đẩy mạnh thương mại mà còn tạo điều kiện cải thiện các chuẩn mực an toàn và chất lượng cho Việt Nam. FDI từ EU gia tăng sẽ đem lại những kỹ năng mới, chuyển giao kiến thức và công nghệ, giúp Việt Nam tránh được “bẫy thu nhập trung bình”. Hơn thế nữa, ngoài EVFTA, EU sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển và hợp tác với Việt Nam.

    Theo đánh giá của EuroCham, Việt Nam đã xây dựng được nền móng vững chắc để tiếp tục phát triển thành công. Tuy nhiên, tổ chức này cũng nhấn mạnh thực tế rằng, việc triển khai các hiệp định thương mại tự do cũng sẽ đòi hỏi những nỗ lực rất lớn trong cải thiện khuôn khổ pháp lý, tính minh bạch và gỡ bỏ các biện pháp bảo hộ.

    Bên cạnh đó, với việc kết thúc đàm hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm qua và vừa ký thỏa thuận nguyên tắc sẽ tác động mạnh đến Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều rào cản cũng sẽ nảy sinh vì Việt Nam sẽ phải tuân thủ những chuẩn mực mới phức tạp hơn về bao bì, điều kiện lao động, thiết kế, dư lượng kháng sinh...

    Hơn nữa, việc tham gia TPP còn buộc Việt Nam tuân thủ các chuẩn mực mới về nghiệp đoàn lao động và quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời không được ưu đãi doanh nghiệp Nhà nước. "Những yếu tố này sẽ châm ngòi cho những thay đổi trong nền kinh tế tổng thể của Việt Nam", EuroCham nhận định.

    Ở góc độ khu vực, thay đổi lớn đầu tiên đối với Việt Nam là việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được ký kết thành lập vào cuối năm 2015 và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2016, thể hiện một bước tiến quan trọng cho việc hội nhập khu vực ở tất cả các cấp độ.

    Với việc tích hợp các nền kinh tế trong khu vực, AEC sẽ kết nối 600 triệu người với GDP 2.400 tỷ USD. Theo một nghiên cứu của Viện Ngân hàng Phát triển châu Á, bằng việc cho tự do dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề và vốn trong khu vực khi thành lập AEC, khu vực ASEAN có thể tăng thu nhập đầu người tới 3 lần vào năm 2030. Từ đó, các nước sẽ đạt được những cải thiện mạnh mẽ về chất lượng sống, đạt ngang mức của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).


    Chủ đầu tư có quyền quyết định giá dịch vụ nhà chung cư?

    Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 02/2016/TT-BXD ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.

    Theo đó, giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được xác định theo quy định tại Điều 106 Luật Nhà ở, được căn cứ vào từng nhà chung cư và trên cơ sở thỏa thuận với đơn vị quản lý vận hành.

    Trường hợp nhà chung cư đã được bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa tổ chức được hội nghị nhà chung cư lần đầu thì giá dịch vụ quản lý vận hành do chủ đầu tư quyết định và được ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ; sau khi tổ chức được hội nghị nhà chung cư thì giá dịch vụ do hội nghị nhà chung cư quyết định trên cơ sở thống nhất với đơn vị vận hành.

    Giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được xác định bằng tiền Việt Nam đồng và tính trên mỗi mét vuông (m²) diện tích sử dụng căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư (xác định theo diện tích thông thủy).

    Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/4/2016.


    Mất 12,8 tỷ USD để mua hết từng món hàng một trên Amazon

    Nếu mỗi mặt hàng chỉ mua một sản phẩm, bạn phải chi đến 12,8 tỷ USD mới có thể sở hữu tất cả loại hàng hóa đang được bán trên Amazon.

    Đây là kết quả nghiên cứu của Kynan Eng - một nhà khoa học máy tính tại Thụy Sĩ. Sử dụng công nghệ máy tính, ông đã tính toán chi phí chính xác cho một người muốn mua từng món đồ một trên danh mục những mặt hàng có sẵn tại Amazon.

    mat-12-8-ty-usd-de-mua-het-hang-hoa-tren-amazon

    Kynan Eng đã thực hiện tính toán của mình dựa vào cơ sở tất cả các sản phẩm có sẵn trên trang chủ của Amazon. Có tổng cộng 479 triệu sản phẩm được bán trên website này. Giá trung bình của một sản phẩm là 26,86 USD. Kết quả, con số tổng thể 12,8 tỷ USD đã được công bố trên Quora, một trang web nơi mọi người có thể đặt câu hỏi để những người khác trả lời.

    Ông Kynan Eng đang là chủ tịch của Công ty iniLabs có trụ sở đặt tại Zurich, Thụy Sĩ, chuyên nghiên cứu về não bộ con người và máy tính. Ông cũng đặt tên cho tính toán mua sắm trên Amazon là nghiên cứu không chuyên cho nền kinh tế hư cấu. Tuy kết quả nghiên cứu không có tính hữu dụng cao trong thực tế nhưng nó cũng giúp người dùng có cái nhìn tổng thể về việc mua sắm số lượng lớn trên trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới này.

    Doanh thu quý IV/2015 của Amazon tăng trưởng đến 21,8%, đạt mức 35,7 tỷ USD. Lợi nhuận cũng cao nhất trong 20 năm qua, đạt 482 triệu USD. Công ty cũng đang thực hiện nhiều chiến lược đổi mới nhằm thích ứng với sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều gã khổng lồ khác như Alibaba, Google... Nhà bán lẻ trực tuyến này còn chú trọng đến lĩnh vực dịch vụ điện toán đám mây với doanh thu lên đến 2,4 tỷ USD trong quý IV/2015.


    Nhật Bản xem xét tính hợp pháp của Bitcoin

    Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) đề xuất thay đổi về mặt pháp lý nhằm xác định Bitcoin và nhiều loại tiền ảo khác được xem như tiền tệ hợp pháp.

    Những thay đổi trên dẫn đến việc Bitcoin được quản lý chặt chẽ hơn và sẽ bị đánh thuế. Điều này cũng kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhiều đầu tư hơn nữa vào phát triển cơ sở hạ tầng cho tiền tệ điện tử tại Nhật Bản.

    Ông Tomonori Kanda - quan chức phụ trách vấn đề tài chính tại trụ sở của đảng LDP cho biết những thay đổi về mặt lập pháp đã có những nghiên cứu kỹ càng để trình lên Quốc hội trong thời gian tới.

    "Đây là một quá trình lâu dài và chúng tôi thảo luận, nghiên cứu đưa ra những cải cách để chọn hướng đi đúng. Tuy nhiên thời điểm chính xác để những thay đổi này có thể trở thành hiện thực vẫn chưa quyết định", ông Tomonori Kanda chia sẻ.

    nhat-ban-xem-xet-tinh-hop-phap-cua-bitcoin

    Nhật Bản hiện xem Bitcoin như một hàng hóa. Định nghĩa mới sẽ xem xét việc dùng Bitcoin, Dogecoin cùng nhiều loại tiền ảo khác để trao đổi hàng hóa và dịch vụ như một đồng tiền hợp pháp.

    Theo một bài báo trên tờ Nikkei, những thay đổi được đề xuất bởi cơ quan giám sát hoạt động ngân hàng Nhật Bản Financial Services Agency. Tuy nhiên các quan chức của cơ quan này từ chối xác nhận bất cứ thay đổi nào về luật đang được xem xét.

    "Chúng tôi chưa quyết định bất cứ điều gì. Theo đúng quy trình là đầu tiên những thay đổi phải được sự chấp thuận của Quốc hội và tiếp đó chúng tôi sẽ ban hành các văn bản pháp luật", một quan chức của Financial Services Agency nói.

    Hiện tại Bitcoin vẫn là vấn đề nhạy cảm tại Nhật Bản khi từ khi Mark Karpeles - CEO Mt.Gox, sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất xứ sở mặt trời mọc bị cảnh sát Tokyo bắt giữ vào tháng 8/2015 do những cáo buộc gian lận. Vụ việc này đã giáng một đòn mạnh vào uy tín của đồng tiền ảo Bitcoin đồng thời đặt ra nhiều vấn đề cho giới chức trách phải có những quy định quản lý chặt chẽ nhằm tránh những thảm họa tương tự.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn