TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 08-01-2018

    Bỏ kho gạo và không còn đăng ký hợp đồng với VFA

    Dự thảo Nghị định thay thế về kinh doanh xuất khẩu gạo đang trình Chính phủ có 10 điểm thay đổi so với trước nhưng 3 điểm mấu chốt gây tranh cãi nhiều nhất lâu nay đều có liên quan đến quyền quản lý của Nhà nước và vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

    Kho gạo làm khó thương nhân

    Theo Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 109/2010/NĐ-CP, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và có ít nhất 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ. Điều kiện này nhiều năm là trở ngại lớn nhất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường xuất khẩu gạo.

    Tất nhiên lúc ban hành nghị định này, các nhà hoạch định chính sách tạo động lực thúc đẩy thương nhân đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ bảo quản, chế biến, xuất khẩu gạo. Thực tế cho thấy, về cơ bản các thương nhân xuất khẩu gạo đều đáp ứng được điều kiện này nhưng còn thương nhân mới tham gia thị trường thì sao? - Thực tế có một số doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gạo đặc sản, hữu cơ với số lượng nhỏ, nhu cầu và khả năng đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo còn hạn chế nên không đáp ứng điều kiện theo quy định như trường hợp Một số thương nhân chuyên kinh doanh thương mại, mặc dù có khách hàng, thị trường nhưng không có năng lực tài chính, vốn hoặc đất đai và nguồn nhân lực cần thiết để đầu tư vận hành kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo theo quy định, do đó, đã không đáp ứng đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận.

    Quy hoạch địa bàn xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố có thóc, gạo hàng hoá xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu gạo cũng bất hợp lý, tạo rào cản đối với thương nhân tại nhiều địa phương khi muốn đầu tư tham gia xuất khẩu gạo. Mặt khác, quy định này cũng thể hiện sự can thiệp hành chính đối với quyền tự do cân nhắc, quyết định địa bàn đầu tư của doanh nghiệp.

    Ai bán gạo vào thị trường tập trung?

    Tại Điều 16 Nghị định số 109/2010/NĐ-CP đã quy định về thị trường tập trung và việc thực hiện hợp đồng tập trung. Tuy nhiên thực tế thời gian Bộ Công Thương cho rằng một số vướng mắc nảy sinh như thời gian giao dịch thị trường tập trung, tiêu chí lựa chọn, duy trì đầu mối thực hiện hợp đồng tập trung, ràng buộc trách nhiệm và xử lý vi phạm của doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp được phân bổ thực hiện hợp đồng tập trung theo cơ chế ủy thác xuất khẩu, việc bổ sung 2 đầu mối tại một thị trường tập trung.

    Do vậy, trong dự thảo Nghị định lần này quy định rõ trường hợp nhiều thương nhân được chỉ định làm đầu mối tại một thị trường tập trung thì thực hiện cơ chế đầu mối luân phiên; giao Bộ Công Thương thiết lập cơ sở pháp lý quy định về thị trường tập trung và hợp đồng tập trung.
    Không còn đăng ký hợp đồng với VFA

    Dự thảo nghị định bãi bỏ Điều 18 quy định về tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và Điều 19 quy định về giá sàn gạo xuất khẩu của nghị định cũ; điều chỉnh giảm quy định về lượng gạo dự trữ lưu thông của thương nhân; bãi bỏ quy định về đăng ký hợp đồng tại VFA, quy định thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký xuất khẩu. Thay vào đó là quy định áp dụng phương thức đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo trực tuyến tại cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.(TBKTSG)
    ------------------------

    Trung Quốc khóa bớt van cấp dầu cho Triều Tiên

    Kể từ ngày 6/1/2018, dầu hỏa tại Triều Tiên trở nên khan hiếm hơn. Bắc Kinh tăng cường các biện pháp cấm vận Bình Nhưỡng, giảm 75 % lượng dầu bán sang Triều Tiên.

    Trung Quốc khóa bớt van cấp dầu cho Triều Tiên

    Chiếc tàu Hồng Kông bị nghị chuyển dầu cho Triều Tiên ngay trên vùng biển Hàn Quốc ngày 29/12/2017 - Yonhap via REUTERS.

    Kể từ ngày 6/1/2018, dầu hỏa tại Triều Tiên trở nên khan hiếm hơn. Bắc Kinh tăng cường các biện pháp cấm vận Bình Nhưỡng, giảm 75 % lượng dầu bán sang Triều Tiên. Quyết định trên nằm trong khuôn khổ nghị quyết được Liên Hiệp Quốc thông qua hồi tháng 12/2017 nhằm trừng phạt chính quyền ông Kim Jong Un thử tên lửa và vũ khí hạt nhân, RFI cho hay.

    Các tập đoàn Trung Quốc xuất khẩu dầu thô hay dầu lọc sang Triều Tiên phải tuân thủ một số các biện pháp nghiêm ngặt hơn. Bộ Thương Mại Trung Quốc trong một thông cáo đã cho biết như trên.

    Như vậy là Bắc Kinh thi hành các biện pháp trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng đã được Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua hồi tháng 12 năm ngoái. Các biện pháp nói trên nhằm giảm 75% các sản phẩm hóa dầu của Trung Quốc xuất khẩu sang Triều Tiên.

    Thông báo của bộ Thương Mại Trung Quốc được được ra vài ngày sau khi một tờ báo Hàn Quốc bị tố cáo Bắc Kinh ngấm ngầm cung cấp dầu hỏa cho Bình Nhưỡng bằng cách chuyển trực tiếp từ tàu chở dầu của Trung Quốc cho tàu của Triều Tiên ngay trên biển. Một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định sẽ xử phạt mọi vi phạm áp dụng lệnh cấm vận chế độ Bình Nhưỡng.

    Cấm vận dầu hỏa của Trung Quốc cho Triều Tiên được coi là biện pháp then chốt trong việc gia tăng áp lực với Bình Nhưỡng, buộc chính quyền Triều Tiên từ bỏ các hành vi khiêu khích.

    Tuy vậy, song song với việc tăng cường các biện pháp trừng phạt, Trung Quốc chủ trương đối thoại với Triều Tiên. Một quan chức tại Kinh hài lòng trước việc Bình Nhưỡng và Seoul đàm phán vào Thứ Ba tuần tới. Theo nhân vật này, đây là một dấu hiệu cho thấy tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiến triển tốt.(Bizlive)
    --------------------------

    “Chặn cửa” thất thoát đất vàng

    Việc Chính phủ ban hành Nghị định 126/2017/NĐ-CP theo hướng bổ sung quy định xử lý những vướng mắc hiện tại liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) khi cổ phần hóa (CPH), đặc biệt là phương pháp định giá đất, có đủ mạnh để bịt được các kẽ hở thâu tóm đất vàng hiện nay?

    Trong thời gian qua, một trong những nguyên nhân chính khiến tiến độ CPH DNNN chậm là do khó khăn trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất.

     Việc CPH Cty Giày Sài Gòn đã dấy lên dư luận xung quanh việc thất thoát đất vàng sau CPH.

    Việc CPH Cty Giày Sài Gòn đã dấy lên dư luận xung quanh việc thất thoát đất vàng sau CPH.

    Định giá đất không theo kịp thị trường

    Dù pháp luật đã có quy định phải xác định giá đất cụ thể đối với trường hợp tính giá trị quyền sử dụng đất khi CPH DNNN, song trên thực tế quy định này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Giá đất xác định còn thấp hơn nhiều so với giá thị trường, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

    Đặc biệt, còn tình trạng doanh nghiệp CPH dùng quyền sử dụng đất để góp vốn sản xuất, kinh doanh với nhà đầu tư khác, nhưng thỏa thuận giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn thấp hơn giá trị quyền sử dụng đất tính theo giá thị trường. Đáng chú ý, vẫn tồn tại tình trạng doanh nghiệp thực hiện bán tài sản, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê của Nhà nước không theo quy định.

    Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, việc xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chuyển sang doanh nghiệp CPH hiện nay đang có nhiều kẽ hở nên nhiều đại gia tìm cách thâu tóm đất “vàng” một cách gọn ghẽ.

    “Dù các khu đất này dưới hình thức doanh nghiệp sở hữu theo kiểu ký hợp đồng thuê đất hàng năm, nhưng khi CPH phải tính giá trị lợi thế đất đai vào trị giá doanh nghiệp. Hơn nữa, hiện chúng ta vẫn định giá những tài sản vô hình như quyền sử dụng đất thuê…không phù hợp với chuẩn mực quốc tế về định giá hay theo thực tế của thị trường. Đó chính là lý do hàng chục nhà máy với những khu đất đắc địa sau vài năm CPH đã nhường chỗ cho các dự án chung cư cao tầng, còn các đại gia thì thâu tóm được đất vàng”, GS. Đặng Hùng Võ phân tích.

    Giải quyết cách nào?

    Trước những vấn đề cấp bách này, Nghị định 126/CP đã đề cập đến trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực hiện CPH là phải rà soát và lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương, và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét và phê duyệt trước thời điểm quyết định .

    Với quy định này, tình trạng nhà đầu tư mua cổ phần của doanh nghiệp CPH chuyển đổi mục đích sử dụng (khác với mục đích đăng ký khi mua cổ phần) các mảnh đất có giá trị lớn sẽ bị hạn chế .

    Nghị định 126/CP quy định rõ đối với những diện tích đất được giao để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà để bán và xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê theo phương án sử dụng đất của doanh nghiệp CPH đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì phải xác định lại giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị doanh nghiệp. Giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa là giá đất cụ thể tại vị trí doanh nghiệp có diện tích đất được giao do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định theo quy định tại khoản 3 và điểm d khoản 4, điều 114 của Luật Đất đai.

    Ngoài ra, việc quy định sử dụng “giá đất cụ thể tại vị trí doanh nghiệp có diện tích đất được giao” trong Nghị định 126/CP sẽ có tính chính xác, cập nhật hơn so với việc sử dụng “bảng giá đất do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định” như các quy định trước đây.

    Theo ông Nguyễn Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp- Bộ Tài chính, chế tài này sẽ không còn tình trạng thất thoát đất vàng sau CPH…(DDDN)
    ---------------------

    TP Hồ Chí Minh phấu đấu đạt 7,5 triệu khách quốc tế 2018

    Năm 2018, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh phấn đấu đạt 7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tăng khoảng 25% so với năm 2017; đạt 29 triệu lượt khách du lịch nội địa, tăng khoảng 15% so với năm 2017. Tổng thu du lịch đạt 138.000 tỷ đồng, tăng khoảng 16,9% so với năm 2017.

     
    Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, năm 2017, khách quốc tế đến thành phố ước đạt 6,3 triệu lượt, tăng 23% so với năm 2016, đạt 110% kế hoạch đề ra. Tổng doanh thu ngành du lịch (nhà hàng, lưu trú, lữ hành...) ước đạt 116.000 tỷ đồng, tăng 12 % so với cùng kỳ.
     
    TP Hồ Chí Minh luôn là điểm đến hấp dẫn cho du khách quốc tế bằng sự thân thiện, mến khách. Ảnh: CTV
     
    Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, có được kết quả trên là do ngành du lịch đã có nhiều điểm mới và bước tiến trong hoạt động như: khai thác mới và trở lại những sản phẩm du lịch tiềm năng, nhiều sự kiện lễ hội lớn, hấp dẫn du khách lần đầu tiên được diễn ra, nâng cao chất lượng phục vụ du lịch tại nhiều con phố và các điểm du lịch trọng điểm, phát huy sức mạnh phối hợp và liên kết các nguồn lực du lịch góp phần quan trọng vào sự gia tăng mạnh số lượt khách quốc tế đến thành phố và tổng doanh thu tăng so với các năm trước.
     
    “Để hoàn thành được mục tiêu trong năm 2018, ngành du lịch sẽ tiếp tục phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Tăng cường phát triển điểm du lịch phục vụ du khách; định kỳ tổ chức mỗi tháng mỗi sự kiện; nâng tầm ảnh hưởng của các lễ hội sự kiện đến quyết định của du khách lựa chọn TP Hồ Chí Minh như một điểm đến của hoạt động văn hóa và giải trí; định vị du lịch thành phố, làm rõ bản sắc thương hiệu du lịch thành phố, liên kết doanh nghiệp du lịch để truyền thông thống nhất và rộng rãi các bản sắc thương hiệu du lịch thành phố; chuyên biệt hóa các hoạt động xúc tiến du lịch gắn với đặc thù của từng thị trường”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm.(Baotintuc)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn