TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 08-01-2018

    Thị trường văn phòng cho thuê Hà Nội sẽ tiếp tục tăng giá trong 2018

    Theo Báo cáo của CBRE công bố tại sự kiện Tiêu điểm bất động sản Hà Nội quý IV, 2017 là một năm có nhiều diễn biến tích cực trên thị trường văn phòng cho thuê Hà Nội. Nguồn cung tiếp tục tăng ở phân khúc hạng B với 67.500 m2mới, đến từ 6 dự án.

    Theo đó, nguồn cung lũy kế hạng A và B tăng thêm 5% so với năm 2016, thấp hơn mức trung bình của 5 năm trước (10% một năm). Thị trường tiếp tục cho thấy xu hướng mở rộng ra khu vực ngoài trung tâm. Tính đến hết năm 2017, phía Tây vẫn là khu vực tập trung nguồn cung văn phòng chính chiếm 48% tổng nguồn cung.

    Năm 2017 chứng kiến việc tăng giá thuê ở cả hạng A và B lần đầu tiên trong vòng năm năm qua. Kết thúc năm 2017, giá chào thuê của hạng A ở mức 24,8 USD/m2/tháng (chưa bao gồm VAT và phí dịch vụ), tăng 9,5% theo năm. Trong khi đó, văn phòng hạng B cũng tăng giá nhẹ so với năm ngoái (tăng 0,4% theo năm) đạt 13,6 USD/m2/tháng.

    Tỷ lệ trống của hạng A cải thiện rõ ràng sau một năm không có nguồn cung mới. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của văn phòng hạng A đặt mức 91,1% tăng 6,8 điểm % so với năm 2016. Đây cũng là mức cao kỷ lục trong vòng 5 năm qua. Về phân hạng B, với nguồn cung mới liên tiếp ra mắt thị trường từ cuối năm ngoái, tỷ lệ lấp đầy giảm 1,2 điểm % so với năm ngoái ở mức 82,5%. Tỷ lệ này vẫn cao hơn so với trung bình năm năm trước từ 2012 đến 2016.

    Về nhu cầu, tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 80.000 m2 trong cả năm 2017. Diện tích hấp thụ chủ yếu đến từ các tòa nhà ngoài trung tâm. Năm 2017 chứng kiến nhiều giao dịch cho thuê văn phòng lớn với những giao dịch lên đến 5.000 m2. Việc mở rộng và chuyển đến những tòa nhà mới chủ yếu tập trung ở khách thuê trong ngành ngân hàng và Công nghệ thông tin. Khách thuê ở khu vực trung tâm với nguồn cung hạn chế có xu hướng gia hạn hợp đồng cho thuê.

    Trong các năm 2018, giá thuê của cả văn phòng hạng A và hạng B được dự kiến sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt ở hạng A khi không có nguồn cung mới. Bên cạnh các khách thuê truyền thống đến từ ngành ngân hàng/bảo hiểm, sản xuất hoặc CNTT, các không gian làm việc chung cũng hứa hẹn sẽ trở thành một nguồn cầu tiềm năng đặc biết đối với các địa điểm có mức giá thuê cạnh tranh.(NDH)
    --------------------

    Vì sao hàng loạt doanh nghiệp niêm yết bị truy thu thuế

    Đầu năm 2018, hàng loạt doanh nghiệp cho biết vừa nhận quyết định xử lý vi phạm thuế với số tiền cao nhất lên tới cả trăm tỷ đồng. 

    Vì sao hàng loạt doanh nghiệp niêm yết bị truy thu thuế

    PV Gas là một trong số những doanh nghiệp vừa bị truy thuế hàng trăm tỷ đồng.

    Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) vừa nhận quyết định xử lý vi phạm hành chính từ Tổng cục Thuế với số tiền phải nộp ngân sách nhà nước gần 106 tỷ đồng. Cụ thể, tiền thuế tăng thêm do sự khác nhau trong cách ghi nhận doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp là 82,6 tỷ đồng. Phần còn lại hơn 23 tỷ đồng đến từ tiền phạt hành chính và lãi chậm nộp của doanh nghiệp.

    Trước đó, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang – doanh nghiệp dẫn đầu thị phần ngành dược cũng bị truy thu và nộp phạt hơn 30 tỷ đồng theo yêu cầu của cơ quan thuế do hành vi kê khai sai. Theo lý giải của ban lãnh đạo công ty, vi phạm này không mang tính cố ý mà do nhầm lẫn số liệu khi kê khai và chưa cập nhật kịp thời chính sách thuế.

    PV Gas và Dược Hậu Giang là hai trong số những trường hợp doanh nghiệp niêm yết bị truy thu và phạt thuế lên đến hàng chục tỷ đồng trong những ngày làm việc cuối năm ngoái. Mới đây nhất, Cục Thuế Hà Nội tiếp tục ra quyết định xử phạt Tập đoàn Công nghệ CMC, Tập đoàn Đầu tư Thăng Long, Quốc tế Sơn Hà… vì những sai phạm tương tự sau đợt thanh tra kỳ thuế 2016.

    Lý giải về việc cơ quan thuế liên tiếp công bố quyết định xử lý vi phạm, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng Cục Thuế) cho rằng nguyên nhân chủ yếu đến từ việc doanh nghiệp không hiểu rõ quy định pháp luật trong nhiều tình huống khác nhau. Đơn cử như việc phụ thuộc vào đơn vị tư vấn thuế nên lười cập nhật chính sách mới, dẫn đến hàng loạt sai phạm nếu đối tác sơ suất.

    “Doanh nghiệp nói cơ quan thuế không phổ biến cặn kẽ nên chậm cập nhật chính sách là đúng, nhưng đó là thời điểm 10 năm về trước. Chúng tôi đã xây dựng và sử dụng nhiều kênh truyền thông để tiếp cận doanh nghiệp ngay cả trước và sau khi ban hành thông tư mới nên phần lớn vi phạm hiện nay đều có chủ đích”, ông Phụng nói và cho biết thêm, không chỉ riêng trong giai đoạn cuối năm 2017 mà hiện nay, cơ quan thuế vẫn đang tích cực thanh tra “những con cá lớn” nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp lách luật, gây thất thu ngân sách.

    Kết quả thanh tra cho thấy, việc hiểu sai hoặc chưa đầy đủ quy định pháp luật gây ra những bất đồng quan điểm về ghi nhận doanh thu, chi phí và thời điểm áp dụng thuế suất là lỗi phổ biến nhất khiến doanh nghiệp bị truy thu thuế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp mua hoá đơn bù vào nhiều khoản chi tiêu khuất tất, không minh bạch cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thanh tra.

    Bình luận thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Lương Nhân - Giám đốc điều hành Công ty kiểm toán DFK Việt Nam cho rằng một số doanh nghiệp niêm yết nêu nguyên nhân không kịp cập nhật chính sách thuế nên vi phạm là lý do chống chế. Tuy nhiên, việc này cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho doanh nghiệp, bởi một phần trong đó xuất phát từ sự chủ quan của đơn vị kiểm toán.

    Theo ông Nhân, thuế là khoản mục quan trọng trong báo cáo tài chính nên kiểm toán thường thực hiện rất nhiều thủ tục đối chiếu chừng từ, hoá đơn. Trong trường hợp phát sinh vấn đề, kiểm toán luôn phải đề nghị khách hàng (doanh nghiệp) gửi công văn lên Tổng Cục Thuế để giải đáp thắc mắc. Báo cáo tài chính khi phát hành mà vẫn phát hiện sai phạm về thuế thì nhiều khả năng do kiểm toán không hoặc chưa thực hiện đầy đủ động tác này.(Vnexpress)
    -----------------------

    Thị trường bất động sản sẽ đạt đỉnh điểm trong năm 2018?

    Theo dự báo từ một số công ty nghiên cứu thị trường địa ốc trong và ngoài nước, nguồn cung căn hộ năm 2018 có thể đạt khoảng 45.000-50.000 căn, lượng tiêu thụ tích cực đạt mức 35.000-40.000 căn. Phân khúc căn hộ trung cấp hạng B, hạng C sẽ tiếp tục giữ tỉ lệ lớn và thu hút sự chú ý của chủ đầu tư và người mua.

    Nhận định chung về thị trường BĐS TP.HCM năm 2017, một số nhà phân tích cho rằng, năm vừa qua, thị trường tiếp tục ghi nhận ổn định và tích cực ở tất cả các phân khúc. Đồng thời, việc tham gia, giám sát chặt chẽ và kịp thời của nhà nước khiến thị trường ngày càng trở nên minh bạch hơn. Đây là tín hiệu tích cực để phát triển một thị trường BĐS ổn định, bền vững, hạn chế nguy cơ bong bóng.

    Theo đó, trong năm 2017, nguồn cung đất nền dồi dào, tăng mạnh so với năm 2016, tập trung chủ yếu tại khu Đông, đặc biệt là Quận 9 và một số quận vùng ven. Cụ thể, năm 2017, phân khúc đất nền cung cấp ra thị trường khoảng 7.181 nền, gấp 2,2 lần so với năm 2016. Giao dịch diễn ra vô cùng sôi nổi với tỷ lệ tiêu thụ ấn tượng, lên đến 95% (6.851 nền) tăng khoảng 4 lần so với năm 2016.

    Ghi nhận cho thấy, đa số các dự án đất nền mới đưa ra thị trường đều tiêu thụ chỉ trong thời gian ngắn. Thị trường đất nền phân lô ở những khu vực giáp ranh với TP.HCM tiếp tục sôi động và nhận được nhiều sự chú ý của khách đầu tư.

    Phân khúc nhà phố/ biệt thự ghi nhận có lượng nguồn cung ổn định, cung cấp ra thị trường khoảng 2.946 căn bằng 96% so với năm 2016, tập trung chủ yếu ở Khu Đông. Tuy nhiên, do giá bán đã được đẩy lên khá cao, nên trong năm nay, phân khúc này ghi nhận có sự sụt giảm về tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 67% (1.985 căn).

    Nguồn cung thị trường căn hộ tiếp tục dồi dào, cung cấp ra thị trường khoảng 41.388 căn. Trong đó, căn hộ hạng B và hạng C là phân khúc chủ đạo của thị trường khi chiếm đến 78% tổng lượng nguồn cung. Trái ngược với sự độc chiếm của khu Đông trong mấy năm trước, năm nay, thị trường đã có sự “đảo chiều” khi khu Tây vượt lên chiếm đến 43%, dẫn đầu nguồn cung toàn thị trường.

    Tỷ lệ tiêu thụ toàn thị trường khá ấn tượng, lên tới 88% của nguồn cung mới. Trong đó, căn hộ hạng B có tỉ lệ hấp thụ cao nhất, lên đến 92%. Cùng với những khảo sát về nhu cầu khách mua, điều này cho thấy, nhu cầu và mức sống của người dân tại TP.HCM đang được nâng cao hơn, yêu cầu chất lượng tốt hơn.

    Sau một năm phát triển sôi động thì đến 2017, các chuyên gia nhìn nhận thị trường BĐS nghỉ dưỡng ghi nhận đã có dấu hiệu giảm nhiệt, đặc biệt ở thị trường condotel. Trong năm 2017, phân khúc condotel cung cấp ra thị trường khoảng 14.741 căn condotel, tăng 12% so với năm 2016 song mức tiêu thụ chỉ đạt khoảng 33% nguồn cung mới (khoảng 4.821 căn), bằng 55% so với năm 2016 (8.726 căn).

    Theo công ty DKRA, đang có những lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung. Nguyên nhân được cho là nhà đầu tư đang quan ngại về sự thực hiện các chính sách cam kết lợi nhuận và những trông đợi những thay đổi pháp lý về mặt quyền sở hữu đối với phân khúc condotel. Mặc dù vậy, những dự án có chất lượng vượt trội của các Chủ đầu tư có danh tiếng như Vingroup, Sungroup thì sức tiêu thụ vẫn rất tích cực.

    “Năm 2018 có thể sẽ là năm thách thức của thị trường Bất động sản nghỉ dưỡng ở một số thị trường như Nha Trang, Đà Nẵng với lượng nguồn cung khá lớn và còn tiếp tục gia tăng. Nguồn cung condotel năm 2018 tiếp tục tăng và đạt mốc 15.000-20.000 căn. Nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng ổn định mức 1.500-2.000 căn”, một chuyên gia nghiên cứu cho biết.

    Còn chuyên gia kinh tế tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng, năm 2018, thị trường bất động sản vẫn là kênh chọn lựa của nhiều nhà đầu tư nhưng sẽ có sự phân hóa và chọn lựa dựa trên nhu cầu và năng lực tài chính. Lượng tiêu thụ khá ổn định nhưng sẽ khó giữ mức tăng giá như năm 2017. Nguồn vốn rót vào thị trường bất động sản vẫn khá dồi dào, đến từ các kênh tín dụng ngân hàng, nhà đầu tư cá nhân, vốn đầu tư nước ngoài thông qua hợp tác và M&A, thị trường chứng khoán.

    Trong đó, phân khúc căn hộ trung cấp hạng B, hạng C sẽ tiếp tục giữ tỉ lệ lớn và thu hút sự chú ý của chủ đầu tư và người mua. Thị trường nhà phố/biệt thự duy trì ổn định nguồn cung ở mức 3.000 – 4.000 căn. Tại TP.HCM, theo báo cáo vừa được CBRE Việt Nam công bố, Khu Đông và Khu Nam sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung của phân khúc này.

    Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, 2018 sẽ là năm bùng nổ của thị trường bất động sản TP.HCM và sẽ có rất nhiều chủ đầu tư bung hàng vì đã chuẩn bị mọi thứ trong năm 2017. “Sản phẩm trung cấp tiếp tục chiếm tỉ trọng cao với một lượng vừa phải của phân khúc cao cấp và hạng sang được giới thiệu, tạo nền tảng cho một sự phát triển bền vững hơn”, bà Dung nói.

    Bà Dung nhận định, giá bán trong năm 2018 được kỳ vọng sẽ tăng trung bình 3%. Trong đó, phân khúc cao cấp và hạng sang tăng 5%, phân khúc bình dân và trung cấp có mức tăng thấp hơn là 1,5%.

    Chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng nhận định, thị trường bất động sản sẽ có sự bức tốc mạnh mẽ trong năm 2018. Ông Hoàng cho rằng, TP.HCM đang muốn chuyển mục đích sử dụng khoảng 1/3 quỹ đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, xây dựng đô thị thông minh... Đây là cơ sở để phát triển thị trường bất động sản trong trung hạn và dài hạn.

    Hoạt động mua bán và sáp nhập dự án sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn và thị trường sẽ tiếp tục câu chuyện xử lý nợ xấu. Việc phát triển mạnh cơ sở hạ tầng, giao thông đường sông, metro sẽ đẩy mạnh tốc độ giãn dân tới các khu dân cư tại các thành phố vệ tinh. Trong đó Bình Chánh, Đồng Nai, quận 9 là những miền đất hứa hẹn trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản năm nay.(CafeF)
    -----------------------------

    Năm 2018, ngành thuế tập trung chống gian lận thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng

    Theo ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế trong năm 2018 là triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu ngân sách Nhà nước, tập trung chống gian lận thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế dưới mức 5% tổng thu ngân sách.

    Nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Cục thuế tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

    Bên cạnh đó, cơ quan thuế sẽ triển khai nhiệm vụ xây dựng thể chế, tiếp tục rà soát các sắc thuế để bảo đảm công bằng, chú trọng hiệu quả thu thuế (trong đó, tập trung vào các đề án lớn như: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi bổ sung các Luật Thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tài nguyên; Nghị định sửa đổi bổ sung về hóa đơn, trong đó có nội dung về hóa đơn điện tử). 

    Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam cũng cho biết sẽ tiếp tục báo cáo Bộ Tài chính, kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết xóa bỏ một số khoản nợ khó đòi, nợ dây dưa nhiều năm trên cơ sở phân loại rõ ràng các khoản nợ để làm lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia. Trên cơ sở kết quả cải cách hệ thống thuế đã đạt được, toàn ngành sẽ tích cực phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, đồng thời tiếp tục triển khai kế hoạch cải cách giai đoạn 2016-2020 để đẩy mạnh tiến trình cải cách hiện đại hoá công tác thuế theo đúng lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

    Đồng thời, nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; tiếp tục sửa đổi bổ sung các quy trình, quy chế; cơ quan thuế các cấp sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương nội ngành, đổi mới phương pháp làm việc, chấn chỉnh, nâng cao tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ.

    Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Theo đó, dự toán thu ngân sách giao cho ngành thuế là 1.070.200 tỷ đồng. Đây là thách thức rất lớn đối với ngành thuế trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước có nhiều diễn biến phức tạp.(TTXVN)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn