TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 15-01-2016

    Lúa gạo đối mặt nguy cơ thua ngay trên sân nhà

    lua gao doi mat nguy co thua ngay tren san nha

    Lúa gạo đối mặt nguy cơ thua ngay trên sân nhà

    Đó là ý kiến của nhiều doanh nghiệp và cả Hiệp hội lương thực VN (VFA) tại hội nghị tổng kết năm 2015, tổ chức ngày 14.1.
    Ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) cho biết: "Ngành sản xuất lúa gạo của chúng ta có thể thua ngay trên sân nhà nếu không kiểm soát được vấn đề dư lượng hóa chất. Tình trạng này cứ tiếp diễn thì người VN sẽ toàn ăn gạo có tồn dư hóa chất. Nếu kiểm soát tốt vấn đề này chúng ta mới có thể phát huy lợi thế trong TPP. Đây là vấn đề cấp bách cần phải làm quyết liệt và càng sớm càng tốt".
    VFA cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng hiện tại tình trạng sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật có khoảng 300 doanh nghiệp với khoảng 30.000 đại lý phân phối thuốc trên thị trường tự do với quá nhiều tên thương phẩm không kiểm soát được và đa số nông dân sử dụng thuốc theo hướng dẫn của các đại lý này. Kiến nghị Bộ NN-PTNT rà soát lại danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép lưu hành vì hiện nay số lượng này quá nhiều. Qua đó xem xét loại bỏ chủng loại thuốc có chứa các hoạt chất độc hại, gây dư lượng hóa chất trong gạo và có lộ trình thay thế chủng loại thuốc bảo vệ thực vật khác an toàn và hiệu quả hơn.
    Bên cạnh đó, đầu tư phòng kiểm định đạt tiêu chuẩn quốc tế đặt tại vùng ĐBSCL nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo kiểm tra chất lượng, nhất là việc phân tích dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật tồn trong gạo, tiết kiệm thời gian và chi phí. Vì hiện nay doanh nghiệp phải đưa mẫu sang Thái Lan để phân tích với thời gian chờ đợi trên 7 ngày và chi phí trên 500 USD/mẫu gạo.
    Xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng gạo cao cấp, đặc biệt là gạo thơm để làm cơ sở kiểm tra chất lượng gạo xuất khẩu, hướng tới xây dựng và phát triển thương hiệu gạo VN.
    Báo cáo của VFA cho biết năm 2015, xuất khẩu gạo đạt 6,5 triệu tấn, trị giá 2,6 tỉ USD (FOB); số lượng tăng 4%, trị giá giảm 3,9%. Giá xuất bình quân đạt 407,9 USD/tấn, giảm 33,7 USD/tấn so với năm 2014.

    Thu thuế tiêu thụ đặc biệt tăng

     Theo báo cáo của Cục Thuế TP.HCM, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thu có tỉ lệ tăng cao nhất trong ba loại thuế chính của khu vực kinh tế với mức tăng 16,71% so với cùng kỳ năm trước. 

    Trong đó so với cùng kỳ, doanh nghiệp khu vực nhà nước trung ương có tỉ lệ tăng 20,8%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,62%, còn khu vực doanh nghiệp công thương nghiệp ngoài quốc doanh tăng 8,44%, khu vực doanh nghiệp nhà nước địa phương tăng 3,62% so với cùng kỳ.

    Một số doanh nghiệp có thuế tiêu thụ đặc biệt tăng so với cùng kỳ như Công ty TNHH Nhà máy bia VN nộp 4.659 tỉ đồng, tăng 4,51%, Tổng công ty CP bia rượu nước giải khát Sài Gòn nộp 3.431 tỉ đồng, tăng 37,77%, Công ty TNHH Mercedes VN nộp 1.653 tỉ đồng, tăng 47,47%.

    Tăng mạnh nhất là Công ty TNHH liên doanh Vina - Bat, mức tăng 106,82%. Ngoài ra một số DN cũng có số nộp thuế tiêu thụ đặc biệt tăng như Tổng Công ty Công nghiệp Sài gòn – TNHH MTV, Công ty TNHH MTV thuốc lá Sài Gòn.

    Cục Thuế TP cũng liệt kê một số DN có số thuế thu nhập doanh nghiệp tăng so với cùng kỳ như Công ty TNHH Nhà máy bia VN, Sacombank, Công ty TNHH MTV thương mại bia Sài Gòn, Tổng Công ty du lịch Sài Gòn…


    Báo Nhật: Hàng Thái đang hất cẳng hàng Trung Quốc khỏi thị trường Việt Nam

    cua hang chuyen ban do nhap khau tu thai lan tai ha noi - anh: nikkei

    Cửa hàng chuyên bán đồ nhập khẩu từ Thái Lan tại Hà Nội - Ảnh: Nikkei


    Hàng hóa của Thái Lan đang ngày càng trở nên phổ biến tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh người tiêu dùng tại đây đang mất lòng tin vào hàng Trung Quốc, theo bài viết của tờ Nikkei (Nhật Bản).
    Ngoài không tin tưởng hàng Trung Quốc, việc chất lượng hệ thống đường xá trong khu vực được cải thiện cũng góp phần giúp tăng doanh thu của hàng hóa nhập từ Xứ Chùa Vàng.
     
    Hàng Thái ngày càng được ưa chuộng
    Cửa hàng quần áo Tam Thao ở quận Ba Đình, Hà Nội, chuyên bán hàng nhập từ Thái, với hơn 10.000 sản phẩm đủ loại, từ thực phẩm, quần áo, chất tẩy đến hàng điện tử tiêu dùng, theo tìm hiểu của phóng viên Nikkei.
    “Chúng tôi đã kinh doanh từ năm 2008. Doanh số bán hàng tính theo tháng của chúng tôi đã tăng 20-30% trong một năm trở lại đây. Doanh số từ việc bỏ mối cho các cửa hàng trong khu vực cũng tăng mạnh”, kế toán cửa hàng tiết lộ với báo Nhật.
    Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy lượng hàng nhập khẩu từ Thái Lan đã tăng gần 15% từ tháng 1 đến tháng 10.2015. Hàng Thái được cho là đang xếp thứ 2, sau Trung Quốc, trong số các loại hàng nhập khẩu bán chạy nhất tại Việt Nam. Chúng được bày bán tại khoảng 8.600 cửa hiệu trên toàn quốc.
    Nikkei bình luận rằng người dân Việt Nam thường có xu hướng chuộng hàng nhập khẩu hơn hàng nội, ngay cả sản phẩm mác ngoại nhưng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, hàng Trung Quốc là một ngoại lệ.
    “Sau khi một loạt vấn đề được phanh phui, chẳng hạn như việc phát hiện vật thể lạ trong thức ăn và vụ pin bốc cháy, lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng Trung Quốc đã sụp đổ”, theo bài viết của báo Nhật.
    Trong khi đó, hàng Thái đang ngày càng được ưa chuộng đối với tầng lớp trung lưu Việt Nam. Nhiều người sẵn lòng trả thêm 10-20% để mua các sản phẩm mà họ cho rằng có chất lượng tốt hơn hàng Trung Quốc, Nikkei cho biết.
     
    Giao thông giúp hàng Thái chiếm thị phần
    Việc hệ thống giao thông trên bộ được cải thiện tại Đông Nam Á là một nguyên nhân khác góp phần tạo nên thành công cho hàng nhập khẩu từ Thái Lan.
    Cửa hiệu Hàng Tiêu Dùng Thái Lan tại Hà Nội vận chuyển hàng hóa mua từ Bangkok bằng xe tải khoảng 1 tháng/lần. Phương thức vận chuyển hàng kiểu này khá suôn sẻ sau khi một cây cầu bắc qua sông Mê Kông tại Campuchia hoàn tất, theo Nikkei.
    Được khánh thành hồi tháng 4.2015, cây cầu giúp hình thành nên một tuyến đường liên tục dài hơn 900 km, nối liền Bangkok và TP.HCM. Theo báo cáo mới đây của cơ quan thống kê TP.HCM, luồng hàng nhập từ Thái vào thành phố đã tăng vọt đến 31% trong năm 2015, mức tăng cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác.
    Nhận thấy hàng hóa Thái đang bán chạy, nhiều hãng bán lẻ tại Việt Nam, chẳng hạn như Aeon, Big C và Lotte Mart, đã tăng cường bán hàng nước này.
    Mặc dù có giá cao hơn chút đỉnh so với hàng trong nước, nhưng các sản phẩm như bánh snack và đồ dùng bằng nhựa của Thái Lan đang thu hút khách hàng trung lưu.
    Các cửa hàng bán hàng Thái hiện đang bắt đầu bị cạnh tranh. “Mức độ cạnh tranh đang gia tăng vì số lượng cửa hàng bán đồ Thái đang tăng”, chủ tiệm Hàng Tiêu Dùng Thái Lan cho hay.
    Còn đối với các doanh nghiệp Thái, cơ hội làm ăn tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trong những năm sắp tới, nhất là khi hàng rào thuế quan trong khu vực ASEAN đang được gỡ bỏ dần, Nikkei nhận định.

    VN lần đầu tiên phát hành trái phiếu kỳ hạn 30 năm

    Bảo Việt nhân thọ vừa mua 3.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm, chiếm 77% tổng khối lượng phát hành 3.900 tỉ đồng trong đợt phát hành vào tháng 12 vừa qua.
    Đây là lần đầu tiên VN phát hành trái phiếu kỳ hạn 30 năm. Prudential cũng mua 500 tỉ đồng trái phiếu trong đợt này và cam kết sẽ mua thêm 5.500 tỉ đồng kỳ hạn này trong năm 2016.
    Trước đó trong năm 2015, VN cũng đã phát hành trái phiếu kỳ hạn dài 20 năm cho các công ty bảo hiểm. Việc đầu tư vào trái phiếu dài hạn đảm bảo cho các công ty bảo hiểm nhân thọ có dòng thu nhập ổn định trong dài hạn để đáp ứng yêu cầu về nghĩa vụ của các hợp đồng bảo hiểm.

    Vinalines phải thoái vốn khỏi 9 doanh nghiệp

    vinalines phai thoai von khoi 9 doanh nghiep

    Vinalines phải thoái vốn khỏi 9 doanh nghiệp


    Theo tin từ Văn phòng Chính phủ ngày 13.1, Thủ tướng vừa có ý kiến chỉ đạo về phương án điều chỉnh tỷ lệ cổ phần của công ty mẹ - Tổng công ty hàng hải VN (Vinalines) nắm giữ tại các cảng biển sau cổ phần hóa.
    Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp do công ty mẹ - Tổng công ty Vinalines nắm giữ đến 20% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần cảng Hải Phòng và Công ty cổ phần cảng Sài Gòn.
    Trường hợp các cảng này thực hiện chuyển đổi công năng, yêu cầu thực hiện theo đúng quy định pháp luật về đất đai và các quy định khác có liên quan, tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất lấy vốn tái cơ cấu Vinalines, nộp ngân sách để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội.
    Thủ tướng chỉ đạo thoái toàn bộ vốn của Vinalines tại 9 doanh nghiệp: các công ty cổ phần cảng: Khuyến Lương, Đà Nẵng, Vinalines - Đình Vũ, Cam Ranh, Năm Căn, Nghệ Tĩnh, Cần Thơ và Công ty TNHH vận tải công nghệ cao, Công ty cổ phần đầu tư cảng Cái Lân.
    Thủ tướng đã giao cho Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu rà soát, xây dựng điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển VN đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn