TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh 20-01-2016

    10 mặt hàng nhập khẩu "tỷ đô" từ Trung Quốc

    Trong năm 2015, Việt Nam tiếp tục nhập siêu hơn 32,3 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc; cao gấp đôi kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

    Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong năm 2015 đạt 162,11 tỷ USD; tăng 7,9% so với năm 2014. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 165,65 tỷ USD; tăng 12% so với năm 2014.

    Đặc biệt, trong năm qua, Việt Nam nhập khẩu kỷ lục từ Trung Quốc với kim ngạch lên tới 49,5 tỷ USD; tăng 13% so với năm 2014.

    Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Trung Quốc bao gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng 9 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện 6,9 tỷ USD; vải các lại 5,3 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 5,2 tỷ USD; sắt thép các loại 4,2 tỷ USD.

    Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 1,8 tỷ USD; sản phẩm từ sắt thép 1,3 tỷ USD; kim loại thường 1,3 tỷ USD; sản phẩm từ chất dẻo 1,1 tỷ USD; ô tô nguyên chiếc các loại 1 tỷ USD.

    (nguon: tong cuc hai quan)

    (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

    Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2015 đạt 17,14 tỷ USD; tăng 14,7% so với năm trước.

    Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; xơ, sợi dệt các loại; hàng rau quả; sắn và các sản phẩm từ sắn; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện…

    Như vậy, trong năm 2015, Việt Nam tiếp tục nhập siêu hơn 32,3 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc; cao gấp đôi kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

    Năm 2014, trao đổi thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 58,7 tỷ USD; tăng 17% so với năm trước; trong đó, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc kỷ lục lên tới 29 tỷ USD.


    Việt Nam nhập siêu hơn 3,5 tỷ USD trong năm 2015

    Tính riêng tháng 12/2015 cả nước nhập siêu khoảng 570 triệu USD; thâm hụt thương mại cả năm 2015 ước đạt 3,54 tỷ USD, bằng 2% kim ngạch xuất khẩu.

    Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước tháng 12/2015 đạt 13,73 tỷ USD; giảm nhẹ 1,1% so với tháng trước.

    Kết quả đạt được đã nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015 lên 162,11 tỷ USD; tăng 7,9% so với năm 2014. Trong đó, xuất khẩu của khối FDI đạt 110,59 tỷ USD; tăng 17,7% so với năm trước.

    Trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực năm 2015, điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục dẫn đầu với giá trị xuất khẩu đạt 30,17 tỷ USD; tăng 27,9% so với năm 2014. Hàng dệt may đứng ở vị trí thứ 2 với kim ngạch đạt 22,8 tỷ USD; tăng 9,1% so với năm trước.

    Theo sau đó là các mặt hàng: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 15,6 tỷ USD, tăng 36,5%; giày dép các loại đạt 12 tỷ USD, tăng 16,3%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 8,16 tỷ USD, tăng 11,7%; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,9 tỷ USD, tăng 10,7%; hàng thủy sản đạt 6,57 tỷ USD, tăng 16%...

    (nguon: tong cuc hai quan)

    (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

    Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của cả nước tháng 12 đạt 14,3 tỷ USD; tăng 4,9% so với tháng trước.

    Tính chung cả năm 2015, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 165,65 tỷ USD; tăng 12% so với năm 2014. Trong đó, nhập khẩu của khối FDI đạt 97,26 tỷ USD; tăng 15,5% so với năm trước.

    Về phía các mặt hàng nhập khẩu chính năm 2015, Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác dẫn đầu với 27,6 tỷ USD; tăng 23,1%. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng thứ 2 với 23,12 tỷ USD, tăng 23,4%.

    Tiếp theo là các mặt hàng: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 24,8%; vải các loại đạt 10,15 tỷ USD, tăng 7,8%; sắt thép các loại đạt 7,5 tỷ USD, giảm 2,9%; chất dẻo nguyên liệu đạt 5,96 tỷ USD, giảm 5,7%; xăng dầu các loại đạt 5,34 tỷ USD, giảm 29,1%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 5 tỷ USD, tăng 6,7%...

    (nguon: tong cuc hai quan)

    (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

    Tính riêng tháng 12/2015 cả nước nhập siêu khoảng 570 triệu USD; thâm hụt thương mại cả năm 2015 ước đạt 3,54 tỷ USD, bằng 2% kim ngạch xuất khẩu.

    Con số này cũng khá trùng khớp với số liệu mà Tổng cục thống kê công bố trước đó là cán cân thương mại của Việt Nam nhập siêu khoảng 3,2 tỷ USD.

    Như vậy, sau 3 năm liên tiếp xuất siêu, năm nay Việt Nam đã nhập siêu trở lại. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhập siêu xuất phát từ nhu cầu sản xuất khi các doanh nghiệp nhập máy móc, thiết bị phụ tùng. Do đó, nhập siêu này không đáng ngại và xét ở một khía cạnh nào đó, nhập siêu còn mang ý nghĩa tích cực, có lợi cho nền kinh tế.


    BVSC: Lạm phát năm 2016 có thể lên đến 6-7% ở kịch bản xấu nhất

    BVSC dự báo, nếu kinh tế vĩ mô tích cực lạm phát năm 2016 sẽ ở mức 1-2%, còn ở kịch bản bình thường, lạm phát khoảng 3-5%. Trong trường hợp tiêu cực nhất, lạm phát có thể lên mức 6-7%.

    Trong báo cáo mới công bố về triển vọng kinh tế Việt Nam 2016, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo,  lạm phát năm 2016 sẽ khó duy trì ở mức thấp như trong hai năm vừa qua do có một số yếu tố rủi ro tiềm ẩn.

    Cụ thể, CPI tính đến cuối tháng 12/2015 tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước trong khi CPI bình quân năm 2015 tăng 0,63% so với bình quân năm 2014. Đáng chú ý, CPI dựa theo cả hai cách tính đều là mức thấp nhất trong vòng 14 năm trở lại đây.

    Ở một góc độ khác, nếu loại trừ biến động của nhóm lương thực – thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục, lạm phát cơ bản theo chỉ số CPI lõi bình quân của năm 2015 tăng 2,05% so với năm 2014.

    Giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu là yếu tố đáng lưu ý nhất, mang tính thuận lợi cho diễn biến lạm phát trong năm 2015. So sánh mặt bằng giá trung bình cả năm, giá dầu thô WTI đã giảm xấp xỉ 47%, từ mức bình quân xấp xỉ 93 USD/thùng của năm 2014 chỉ còn gần 49 USD/thùng cho năm 2015. Tình trạng dư thừa nguồn cung với cuộc cách mạng dầu đá phiến của Mỹ và nỗ lực giữ thị phần của các nước OPEC trong khi nhu cầu năng lượng từ Trung Quốc giảm sút là những nguyên nhân chính khiến giá dầu lao dốc.

    Do là một nước nhập khẩu xăng dầu thành phẩm nên giá xăng dầu tại Việt Nam cũng được điều chỉnh giảm, kéo theo chỉ số giá của nhóm nhà ở-vật liệu xây dựng và nhóm giao thông năm 2015 so với năm trước lần lượt giảm 1,62% và 11,92%. Giá gas sinh hoạt trong nước bình quân năm 2015 giảm 18,6% so với năm 2014.

    Diễn biến giảm của giá xăng dầu giúp ổn định giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm do tác động đến giá thành và chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, nguồn cung trong năm khá dồi dào; sản lượng lương thực của thế giới tăng nên giá cả có xu hướng giảm.

    Về dự báo lạm phát 2016, BVSC cho rằng, mặt bằng so sánh giá cả năm 2015 ở mức rất thấp trong lịch sử sau một nhịp giảm sâu, do đó trong năm 2016 giá cả hàng hóa chỉ cần tăng nhẹ trở lại cũng có thể khiến CPI tăng đáng kể.

    Thêm vào đó, diễn biến của chỉ số El Nino cho thấy hiện tượng này đang quay lại mức đỉnh điểm của năm 1997 và có thể còn tiếp tục gia tăng cường độ trong năm 2016 đồng thời đạt mức kỷ lục từ khi theo dõi. Hiện tượng này có thể làm ảnh hưởng đến nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp và cũng là một cơ sở để dự báo về một diễn biến hồi phục của giá nông sản trong năm 2016.

    Thứ ba, NHNN đã thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ được hơn 1 năm qua, qua đó tạo ra mặt bằng lãi suất tiền gửi khá thấp (thấp nhất trong 10 năm trở lại đây). Ảnh hưởng có độ trễ của chính sách nới lỏng cung tiền, mặc dù không quá lớn như trong các giai đoạn trước năm 2011 nhưng cũng có thể góp phần làm cho lạm phát 2016 tăng trở lại so với năm 2015.

    Thứ tư, tăng trưởng GDP tiếp tục được cải thiện giúp cho thu nhập của hộ gia đình tăng lên, tác động tới kênh truyền dẫn là cầu tiêu dùng tăng và góp phần làm giá cả hàng hóa tăng trở lại.

     

    Do vậy, BVSC dự báo, nếu kinh tế vĩ mô tích cực lạm phát năm 2016 sẽ ở mức 1-2%, còn ở kịch bản bình thường, lạm phát khoảng 3-5%. Trong trường hợp tiêu cực nhất, lạm phát có thể lên mức 6-7%.


    3 động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2016

    Cơ hội từ các FTA thế hệ mới; tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư tư nhân phục hồi và kết quả bước đầu của công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế là ba động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2016.

    Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa công bố báo cáo chiến lược về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016.

    Theo đó, báo cáo nhận định, năm 2015 là một năm thành công đối với Việt Nam trên phương diện tăng trưởng GDP tiếp tục cải thiện, lạm phát xuống mức thấp kỷ lục, xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng tốt.

    Cụ thể, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tăng 6,68% so với năm 2014. Trong đó, quý I tăng 6,12%; quý II tăng 6,47%; quý III tăng 6,87%; quý IV tăng 7,01%.

    Mức tăng này vượt kế hoạch đặt ra từ đầu năm và cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Cùng với xu hướng hồi phục nhẹ của hai năm 2013-2014, tín hiệu tăng tốc trong năm 2015 được xem là một trong những cơ sở cho thấy khả năng nền kinh tế đã quay lại chu kỳ tăng trưởng ổn định.

    Khu vực công nghiệp và xây dựng có sự bứt phá trong năm 2015 với mức tăng 9,64%, vượt trên khu vực dịch vụ (tăng 6,33%); đồng thời cao hơn nhiều mức tăng 6,42% của năm trước, đóng góp 3,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung của chỉ số GDP.

    Với những tín hiệu hồi phục ngày một rõ nét hơn của nền kinh tế, BVSC tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng khả quan trong năm 2016 dựa trên 3 động lực chính.

    Thứ nhất, động lực tăng trưởng kinh tế không chỉ trong năm 2016 mà còn trong cả giai đoạn 3-5 năm tới là lộ trình hội nhập của các hiệp định thương mại tự do đã và sắp được ký kết, điển hình là AEC, ASEAN+6, VEFTA, VKFTA và đặc biệt là TPP.

    Cơ hội sẽ mở ra cho tất cả các thành phần của nền kinh tế nói chung nhưng vai trò đầu tàu vẫn sẽ thuộc về các doanh nghiệp FDI, với làn sóng chuyển dịch đầu tư, cơ sở sản xuất để được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại và những lợi thế về nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam.

    Thứ hai, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư tư nhân được dự báo sẽ phục hồi mạnh hơn. Với những tín hiệu khởi sắc của tăng trưởng GDP các năm qua, thu nhập hộ gia đình cũng tăng lên và hỗ trợ cho cầu tiêu dùng nội địa. Cùng với đó, diễn biến bình ổn của nền kinh tế vĩ mô với mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý sẽ kích thích nhu cầu đầu tư tư nhân.

    Thứ ba, kết quả bước đầu của công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế, với trọng tâm là cải cách hệ thống tài chính ngân hàng, cải cách doanh nghiệp nhà nước và cải cái đầu tư công. Bên cạnh đó là những đổi mới trong cơ chế điều hành lãi suất và tỷ giá mang tính thị trường cao hơn, giúp nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế.

    Do vậy, sau khi đã điều chỉnh rủi ro suy giảm của các yếu tố đột biến trong năm 2015, BVSC dự báo trong kịch bản trung bình, GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,5-6,7% năm 2016.


    Giá cà phê xuất khẩu tiếp tục giảm

    Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, tuần qua giá cà phê trong nước giảm theo xu hướng giá thế giới. Giá cà phê vối nhân xô thu mua tại Tây Nguyên giảm khoảng 1.000-1.300 đồng/kg, còn 31.900-32.500 đồng/kg.

    Giá cà phê xuất khẩu cũng còn khoảng 1.482 USD/tấn, giảm trên 20 USD/tấn so với tuần trước (giá FOB tại cảng TPHCM). Theo Vicofa, niên vụ cà phê 2015-2016 cơ bản đã thu hoạch xong. Tuy nhiên, thị trường giao dịch khá trầm lắng, do giá cà phê thấp, nông dân chờ giá lên mới bán, trong khi các nhà nhập khẩu cũng chậm mua vào. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 1/2016 dự báo khoảng 130.000 -140.000 tấn, xấp xỉ lượng cà phê xuất trong tháng 12/2015.

    Ngoài ra, thời gian gần đây, khu vực Tây Nguyên có mưa, gây ảnh hưởng đến đợt ra hoa sớm của cây cà phê, tác động xấu tới sản lượng vụ tới. Dự báo, sản lượng cà phê của Việt Nam năm 2016 có thể giảm 25-30%.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn