TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 26-08-2015

    DN Hoa Kỳ muốn tham gia dự án sân bay Long Thành

    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    "Một số doanh nghiệp ở bang Arkansas (Hoa Kỳ) có kinh nghiệm về xây dựng, quản lý sân bay rất muốn được tham gia vào dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành" - ông Mike Roberts, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Made in USA Works cho biết.

    Ngày 24/8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Phú Cường đã có buổi tiếp đoàn Công ty Made in USA Works (bang Arkansas, Mỹ) sang tìm hiểu môi trường đầu tư và kinh doanh tại Đồng Nai.

    Tại buổi làm việc, ông Mike Roberts - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Made in USA Works cho biết, một số doanh nghiệp ở bang Arkansas có kinh nghiệm về xây dựng, quản lý sân bay rất muốn được tham gia vào dự án xây dựng sân bay quốc tế Long Thành.

    Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng quan tâm đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, công nghệ tiết kiệm năng lượng và đang tìm cơ hội tại Đồng Nai.

    Chia sẻ tại buổi tiếp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Phú Cường hoan nghênh sự quan tâm của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đến tìm hiểu đầu tư tại Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung.

    “Dự án sân bay quốc tế Long Thành do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, vì vậy các doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn tham gia đầu tư vào các công đoạn tại đây cần chuẩn bị hồ sơ dự thầu theo đúng quy định pháp luật của Việt Nam” – ông Cường nhấn mạnh.

    Trước đó, bang Arkansas và UBND tỉnh Đồng Nai đã ký thỏa thuận hợp tác vào cuối tháng 6/2015. Công ty Made in USA Works đã liên kết với Tổng công ty Tín Nghĩa để tăng cường đầu tư tại 2 địa phương.


    Dự án 1,9 tỷ USD của Bitexco được chấp thuận đầu tư

    du an 1,9 ty usd cua bitexco duoc chap thuan dau tu

    Dự án 1,9 tỷ USD của Bitexco được chấp thuận đầu tư

    Hai siêu dự án bất động sản tại Hà Nội của 2 “ông lớn” địa ốc vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư gồm The Manor Central Park của Bitexco và Thành phố Xanh của Vingroup.

    Nguồn tin từ UBND Tp. Hà Nội cho biết, lãnh đạo Thành phố vừa trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho một loạt dự án trong Hội nghị “Xúc tiến đầu tư thành phố Hà Nội năm 2015” vừa diễn ra sáng 24/8.

    Trong đó, có 3 dự án bất động sản đáng chú ý được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư gồm  “Khu chức năng đô thị Thành phố Xanh tại phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội” cho chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Bất động sản Hồng Ngân;

    Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án “Tòa nhà hỗn hợp siêu thị, dịch vụ thương mại và căn hộ để ở tại ô đất C3/HH Khu đô thị Nam Trung Yên” cho Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Thùy Dương;

    Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án “Khu đô thị Nam đường vành đai 3, tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai và xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội (Giai đoạn 1)” cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần Bitexco;

    Được biết, đối với dự án Khu chức năng đô thị Thành phố Xanh có quy mô hơn 17,6ha, có quy mô dân số khoảng 8.760 người, tổng mức đầu tư khoảng 4.850 tỷ đồng. Tháng 8/2014 Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Đô thị Sài Đồng (SDI) là công ty con của Tập đoàn Vingroup đã bỏ ra 1.286 tỷ thực hiện thương vụ mua lại Công ty BĐS Hồng Ngân –Chủ đầu tư dự án này. Vingroup dự kiến sẽ khởi công dự án vào quý 4 năm 2015 và hoàn thành vào quý 4 năm 2019.

    Còn The Manor Central Park là dự án khu đô đa chức năng nằm ở phía nam đường vành đai 3 Hà Nội do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư, công ty Carlos Zapata và EE&K (Mỹ) thiết kế với số vốn đầu tư 1.9 tỷ đô la Mỹ, được đầu tư làm 4 giai đoạn.

    Bitexco dự kiến sau 5 năm xây dựng, đây sẽ là một khu đô thị hiện đại đáp ứng mọi nhu cầu cho một cuộc sống có chất lượng với công viên cây xanh, hồ nước, quảng trường, nhà chung cư, biệt thự, trường học, văn phòng, trung tâm thương mại, trung tâm thể dục thể thao và những nhà hàng nổi tiếng.


    33 doanh nghiệp Đài Loan đến Việt Nam tìm đối tác

    Sáng 25/8, Buổi giao lưu thương mại Đài Loan - Việt Nam được tổ chức tại TPHCM với sự tham gia của 33 doanh nghiệp lớn đến từ Đài Loan. Đây là lần thứ 3 trong năm Đài Loan tổ chức giao lưu thương mại với Việt Nam trong bề dày hơn chục năm qua.

    Buổi giao lưu thương mại tập trung vào 4 lĩnh vực chính: Công nghiệp, Hàng gia dụng, Công nghệ, Mỹ phẩm và thực phẩm. Đây được coi là cơ hội giao lưu, gặp gỡ giữa các nhà phân phối, bán lẻ, đối tác kinh doanh để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa 2 bên.

    Chủ gian hàng Jin Yu International chuyên về vớ, quần, khăn, đồ lót cho biết đây là lần đầu tiên họ tới Việt Nam để quảng bá sản phẩm vì đây là một thị trường tiềm năng, rộng lớn và đông dân cư. Chủ gian hàng tin rằng sẽ tìm được đối tác phân phối các sản phẩm này tại Việt Nam vì đó là các sản phẩm tốt, chất lượng và có giá hợp lý.

    Các loại sản phẩm Jin Yu International cung cấp có giá từ 2-5USD, rẻ hơn hàng của Mỹ, Nhật. Tại Đài Loan, Jin Yu International có hơn 500 điểm hàng.

    Ông Lê Hồng Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Xúc tiến Đầu tư Mỹ Việt, Quận 2, TPHCM, đến hội chợ với mong muốn tìm kiếm đối tác vì hiện tại, Công ty ông chưa có đối tác thương mại Đài Loan. Ông Lâm đánh giá, Đài Loan là nước sản xuất hàng hóa tiêu dùng lớn trên thế giới, đồ gia công họ làm có chất lượng tốt. Dạo quanh các gian hàng giao lưu, ông Lâm nhận thấy có một số sản phẩm tiềm năng, triển vọng như thảm, vớ...

    Theo ông Lâm, Việt Nam cũng có nhiều loại thảm nhưng thảm làm từ cao su thiên nhiên, giá thành phù hợp mà rất đảm bảo sức khỏe như của Đài Loan thì là một gợi ý hay cho thương mại.... Tuy nhiên, điều ông Lâm e dè là chính sách thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu, còn việc nhập hàng về không có gì khó khăn.

    Ông John Tang, Trưởng đại diện Văn phòng Taitra tại TPHCM cho biết, nhiều doanh nghiệp của Đài Loan lần đầu tiên tới Việt Nam để quảng bá sản phẩm, tìm đối tác kinh doanh thương mại. Trong ngành dệt may, hàng sợi, doanh nghiệp Đài Loan bắt đầu có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, trong đó phía Đài Loan sẽ phụ trách việc nghiên cứu, kỹ thuật còn doanh nghiệp Việt thực hiện dệt thành sợi. Phía Đài Loan hi vọng những hoạt động xúc tiến thương mại này sẽ đẩy mạnh được mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.

    Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đài Loan đạt 1,19 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 6,47 triệu USD. Như vậy, trong 7 tháng, Việt Nam nhập siêu từ Đài Loan.

    Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Đài Loan là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Máy móc, phụ tùng; Vải các loại; Xăng dầu các loại... Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất đi Hàng dệt may; Giày dép các loại; Máy móc, thiết bị...


    Xuất khẩu dầu thô mất gần 50% trị giá

    Theo Tổng cục Hải quan, đến hết ngày 15-8, cả nước xuất khẩu được hơn 5,707 triệu tấn dầu thô; giảm 150 nghìn tấn so với cùng kỳ 2014.

    Đặc biệt, do giá dầu thô giảm mạnh nên trị giá xuất khẩu mặt hàng chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

    Cụ thể, trị giá xuất khẩu dầu thô cả nước tính đến 15-8, đạt 2,555 tỷ USD, chỉ bằng 50,7% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ đạt 5,039 tỷ USD).

    Đối với hoạt động thu ngân sách, việc giá dầu giảm có tác động một cách rõ rệt.

    Trong Hội nghị sơ kết 6 công tác tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 của Bộ Tài chính mới đây, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết: Dự toán thu ngân sách năm 2015 là 911,1 nghìn tỷ đồng.

    Con số dự toán trên xây dựng trên cơ sở giá dầu thô ở mức 100 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu bình quân 6 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 60 USD/thùng. Do đó, số thu từ dầu thô trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 35,9 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6% so với dự toán. Do tác động của việc giảm giá dầu nên hụt thu ngân sách cả năm dự kiến là khoảng 32 nghìn tỷ đồng.

    Trong một diễn biến khác về giá dầu, sáng nay (25-8), hàng loạt cơ quan báo chí trong nước thông tin, giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc xuống dưới mức 40 USD/thùng.


    Duyệt quy hoạch khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang rộng 15.585ha

    Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang, tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

    ham chi huy cua tuong do cat nam o trung tam tap doan cu diem dien bien phu la mot diem du lich lich su-van hoa kha noi tieng.

    Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một điểm du lịch lịch sử-văn hóa khá nổi tiếng.

    Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang thuộc địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và 2 xã Pá Khoang và Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên với tổng diện tích 15.585ha. Trong đó, diện tích khu vực dự kiến phát triển trở thành Khu du lịch quốc gia khoảng 2.500ha.
    Phạm vi nghiên cứu quy hoạch còn bao gồm các điểm tài nguyên du lịch phụ cận: Suối nước nóng Hua Pe xã Thanh Luông, huyện Điện Biên; thành Bản Phủ và đền thờ Hoàng Công Chất xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; nước khoáng nóng U Va xã Noong Luống và động Pá Thơm xã Pá Thơm, huyện Điện Biên; cửa khẩu Tây Trang xã Na Ư, huyện Điện Biên; tháp cổ Mường Luân xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông.
    Quy hoạch định hướng phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn và có khả năng cạnh tranh cao, trên cơ sở khai thác các giá trị lịch sử hào hùng của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; đồng thời, góp phần khắc phục tính thời vụ trong hoạt động du lịch của địa phương...
    Quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2020 khu du lịch sẽ đón được khoảng 650 nghìn lượt khách, trong đó khoảng 170 nghìn lượt khách quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, trong đó khoảng 500 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành) năm 2020 đạt khoảng 1.400 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 5.000 tỷ đồng.
    Về thị trường khách du lịch: Ưu tiên phát triển các thị trường khách du lịch quốc tế như Pháp và các nước Tây Âu khác; Lào và các nước ASEAN khác; Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á khác; Úc; Mỹ và Canada...
    Đồng thời, ưu tiên phát triển các thị trường khách du lịch: Thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng Đồng bàng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc; các tỉnh trong vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ; TP. Hồ Chí Minh và tỉnh phía Nam; các tỉnh miền Duyên hải miền Trung; các tỉnh Tây Nguyên. 
    Các sản phẩm du lịch chính được ưu tiên phát triển: Du lịch lịch sử - văn hóa (du lịch thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ xưa, du lịch sinh thái) và các sản phẩm du lịch bổ trợ (du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng...).

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn