TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 14-05-2016

    Ngành than tồn kho gần 10 triệu tấn than: Than ngoại giá rẻ lấn lướt than nội

     p>du nganh than dang ton kho gan 10 trieu tan than, nhung kha bat ngo, chinh tkv lai la don vi nhap khau lon nhat trong so 18 doanh nghiep nhap khau truc tiep than tu cac thi truong nga, australia, trung quoc, indonesia...

    Dù ngành than đang tồn kho gần 10 triệu tấn than, nhưng khá bất ngờ, chính TKV lại là đơn vị nhập khẩu lớn nhất trong số 18 doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp than từ các thị trường Nga, Australia, Trung Quốc, Indonesia...

    Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV), do khó khăn về tiêu thụ nên lượng than sạch tồn kho đến hết tháng 3 năm nay lên đến gần 10 triệu tấn. Yếu tố khiến tiêu thụ gặp khó khăn được TKV lý giải do một số hộ sản xuất đạm gặp khó khăn về thị trường, một vài nhà máy điện gặp sự cố dẫn đến tiêu thụ giảm, nhiều nhà máy ximăng trong nước quay ra nhập khẩu than 100%.

    Than nhập khẩu tăng mạnh

    Báo cáo sơ bộ của Phòng Kiểm tra tính thuế (Chi cục Hải quan Quảng Ninh) cho thấy: 4 tháng đầu năm 2016, lượng than nhập khẩu trực tiếp vào địa phương này lên đến trên 1,6 triệu tấn than, vượt cả năm 2015 là 1,4 triệu tấn nhập khẩu. Chỉ trong một thời gian ngắn, có đến 18 đơn vị nhập trực tiếp các chủng loại than cám từ các thị trường Nga, Australia, Trung Quốc, Indonesia..., đưa thẳng tới các nhà máy điện - đạm - ximăng trong nước tiêu thụ, hoặc đưa về các bến bãi pha trộn cho phù hợp nhằm cung cấp đến khách hàng.

    Dù ngành than đang tồn kho gần 10 triệu tấn than, nhưng khá bất ngờ, chính TKV lại là đơn vị nhập khẩu lớn nhất trong số 18 doanh nghiệp (DN) nêu trên. Giám đốc một DN trong ngành ước tính, tại thời điểm này TKV đã nhập gần 300.000 tấn than (kế hoạch năm 2016 nhập khẩu 1,5 triệu tấn) về pha trộn với than của tập đoàn và bán cho các nhà máy. Điều đó cho thấy, than nhập khẩu đang là mặt hàng “hót” bởi giá thành khi về tới Việt Nam luôn thấp hơn từ 5-10USD/tấn nên việc xuất hiện nhiều DN tham gia nhập khẩu mặt hàng này là điều tất yếu của thị trường.

    Theo ông Nguyễn Huy Đông - Trưởng phòng Kiểm tra tính thuế (Cục Hải quan Quảng Ninh): Với chính sách ưu đãi thuế bằng không đối với mặt hàng than nhập khẩu, trong năm nay, lượng than từ nước ngoài đưa vào Quảng Ninh sẽ tăng mạnh, lên đến vài triệu tấn. “Rõ ràng, với thị trường giá dầu mỏ và than thế giới không có dấu hiệu tăng giá vào những tháng tới, TKV sẽ phải đối mặt với những khó khăn gấp nhiều lần, bởi than rẻ người ta sẽ đổ xô đi nhập về bán và cung cấp ngay cho nhà máy của mình” - giám đốc một DN ngành than bày tỏ lo lắng.

    Tồn kho lớn, giá thành cao

    Con số tồn kho gần 10 triệu tấn than sạch ở tại thời điểm này được xem “là đáng báo động” về lối thoát giữ ổn định sản xuất và tăng trưởng của ngành than. Theo một chuyên gia, nếu như những năm trước đây, sản lượng tồn kho 7-8 triệu tấn bởi lý do các hộ như điện - đạm - ximăng sản xuất gặp khó khăn do nền kinh tế hồi phục chậm, thì nay, việc nhập khẩu than thuận lợi với giá thành rẻ hơn giá bán của ngành than. Một khó khăn nữa, bắt đầu từ ngày 1.7, Nhà nước sẽ tăng thuế tài nguyên với việc khai thác than sẽ đẩy TKV ngấp nghé trên “vực thẳm”. “Chưa bao giờ, một “chủ mỏ” lớn như TKV phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với một số đơn vị như TCty Đông Bắc và các DN bên ngoài về cung cấp than như hiện nay” - vị chuyên gia nhận xét.

    Theo tìm hiểu của PV Lao Động, con số gần 10 triệu tấn than tồn kho là mới chỉ là thống kê tại 3 kho vận của TKV, con số thực tồn trên các bãi chứa tại các khai trường sẽ là rất lớn và có thể tới vài triệu tấn. Điều này, gây khó khăn cho các đơn vị sản xuất do phải cầm chừng và căn cơ, sản lượng bốc xúc đất đá mỏ liên tục giảm, dẫn theo thu nhập của người lao động (NLĐ) không tăng so năm trước. Đại diện kho vận Đá Bạc (Uông Bí) chia sẻ: “Chúng tôi đang tồn kho trên 2 triệu tấn than, thu nhập NLĐ gặp khó khăn với đồng lương ít ỏi từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng, bởi do không tiêu thụ được nên tất cả trông chờ vào doanh thu...”.

    Trong một cuộc họp bàn về giải pháp quyết định vào giá thành hòn than là chi phí vật tư, lao động, Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn cho rằng: “TKV mất quá nhiều thị phần bán hàng truyền thống là do giá không cạnh tranh. Giá bán than không tăng và tiếp tục phải giảm xuống trong vòng 5 - 7 năm tới, trong khi tác động chi phí sản xuất là chuyện lòng vòng mua bán vật tư, đơn giá thiết bị đôn giá; có sự thông đồng của cán bộ mua bán vật tư tại các đơn vị, làm sai lệch chỉ số kỹ thuật, gây thất thoát lớn dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao”...

    Vấn đề nêu trên bất cứ ai trong ngành than đều thấu hiểu và những chuyện ăn chặn, hành vi gian dối, khai khống số lượng bóc đất đá/km đường vận chuyển như vụ việc bị bại lộ ở Cty Tây Nam Đá Mài trong năm 2015 cho thấy nhiều lỗ hổng về quản lý của TKV. Đến lúc này, nhiều ý kiến cho rằng, lãnh đạo TKV cần sớm đưa ra bài toán đột phá, giải pháp quản trị về giá thành hiệu quả, cùng một chiến lược lâu bền thì mới hy vọng “đưa đoàn tàu cồng kềnh” trở lại thành một ngành kinh tế mạnh trong nước - như cách đây hơn 10 năm về trước.


    Việt Nam có tên trong ‘bộ ngũ hùng cường” ở Châu Á

    Tờ báo độc lập của Thái Lan – The Nation – cho hay, Việt Nam lọt vào nhóm 5 quốc gia được mệnh danh là ‘bộ ngũ hùng cường' ở châu Á.

    Theo tin tức đăng tải trên trang web của tờ The Nation (Nationmultimedia.com), nhóm MITI-V (đọc âm tiếng Anh là “Mighty Five” – bộ ngũ hùng cường) là chữ viết tắt từ tên tiếng Anh của Malaysia (M), Ấn Độ (I), Thái Lan (T), Indonesia (I) và Việt Nam (V). Nhóm ‘bộ ngũ hùng cường’ này được đánh giá là có khả năng thay thế Trung Quốc để trở thành ‘công xưởng của thế giới’.

    Theo báo cáo Chỉ số cạnh tranh sản xuất toàn cầu 2016 (GMCI), từ nay đến năm 2020, 5 quốc gia trên dự kiến sẽ trở thành một “Trung Quốc mới”, xét trên các tiêu chí lao động giá rẻ, năng lực sản xuất, nhân khẩu học cũng như tăng trưởng kinh tế và thị trường.

    Các lợi thế của các quốc gia Đông Nam Á này được kỳ vọng sẽ mang lại cho các nhà sản xuất toàn cầu nhiều ưu đãi về thuế dưới hình thức miễn thuế trong một thời kỳ nhất định, hoặc giảm thuế nhập khẩu và thuế đối với nguyên liệu thô dùng cho sản phẩm xuất khẩu...

    Tờ The Nation nhận định, với chi phí nhân công tương đối thấp, Việt Nam được đánh giá có thể thay thế Trung Quốc xét về khía cạnh sản xuất giá rẻ. Ngoài ra, năng suất lao động của Việt Nam cũng đã cải thiện đáng kể trong 10 năm qua, kéo theo sự chú ý của nhiều nhà sản xuất lớn trên thế giới


    Sức hút hàng tiêu dùng Thái Lan đang "đánh bật" hàng Trung Quốc

    Sản phẩm Made in China một thời gian dài làm mưa gió trên thị trường Việt Nam như hàng tiêu dùng, đồ điện dân dụng, thức ăn gia súc… thì nay đã mất dần vị trí hoặc giảm thị phần. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan lại tăng lên..

    Trung Quốc vẫn luôn là thị trường nhập khẩu chính nhiều mặt hàng từ sản xuất đến tiêu dùng của Việt Nam, khi năm 2015 kim ngạch nhập khẩu lên tới 32 tỷ USD và là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất vào nước ta trong 4 tháng đầu năm với 3,36 tỷ USD.

    Không phủ nhận, sự thống trị của hàng hóa Trung Quốc trong tất cả các lĩnh vực từ sản xuất đến tiêu dùng vẫn luôn có vai trò lớn trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, nếu như Trung Quốc vẫn tiếp tục là địa chỉ cung cấp nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, thì các mặt hàng tiêu dùng của nước này lại ngày càng ít được các nhà nhập khẩu Việt Nam ưu tiên lựa chọn.

    Thay vào đó, nhiều thị trường nhập khẩu hàng tiêu dùng mới được thay thế đến từ các nước phát triển như châu Âu, Hàn Quốc và đặc biệt là một số nước trong khu vực mà điển hình là Thái Lan. Nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan đã tăng lên nhanh chóng trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng.

    Nhập khẩu hàng tiêu dùng từ Thái tăng lên nhanh chóng

    Thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ nước này đã tăng từ 6,3 tỷ USD năm 2011 lên 8,2 tỷ USD trong năm 2015. Mặc dù, kim ngạch nhập khẩu của nhiều hàng hóa tiêu dùng từ Thái vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ và thấp hơn so với Trung Quốc, song mức độ tăng khá mạnh.

    Trong đó, có nhiều mặt hàng tiêu dùng có tốc độ nhập khẩu tăng gấp rưỡi hoặc thậm chí là gấp đôi ở giai đoạn 2011 – 2015. Đơn cử: nhóm hàng sữa và sản phẩm sữa tăng từ 41,3 triệu USD lên gần 71 triệu USD; bánh kẹo và ngũ cốc tăng từ 27,6 triệu USD lên 36,1 triệu USD; sản phẩm chất dẻo (đồ nhựa) tăng từ 147,9 triệu USD lên 186,2 triệu USD; điện và dây cáp điện tăng từ 65,3 triệu USD lên 70,8 triệu USD.

    Đặc biệt, có một số mặt hàng có tốc độ tăng nhập khẩu “chóng mặt” như rau quả tăng tới 7 lần, từ 31,2 triệu USD lên 206,4 triệu USD; giấy và sản phẩm giấy tăng trên 4 lần (từ 20,9 triệu USD lên 84 triệu USD)…

    Thực tế, với độ phủ của hàng triệu cửa hàng bán sản phẩm Thái Lan trên khắp cả nước, từ thành thị đến nông thôn, từ kênh truyền thống đến kênh hiện đại, đang chứng tỏ vị trí của hàng tiêu dùng Thái Lan tại Việt Nam. Độ phủ này lan tới đâu, thì sức ảnh hưởng của hàng Trung Quốc một thời làm mưa làm gió trên thị trường, xem ra cũng ngày càng giảm ở một số lĩnh vực, mặt hàng.

    Hàng Thái Lan tạo bão, đánh bật hàng Trung Quốc?

    Nhận định này được chúng tôi đưa ra, khi khảo sát một số tốc độ tăng/giảm về nhập khẩu của một số nhóm hàng tiêu dùng từ Thái Lan và Trung Quốc. Kết quả khá bất ngờ cho thấy, với một số mặt hàng nhập từ Thái Lan có xu hướng tăng lên thì nhập khẩu từ Trung Quốc lại không tăng hoặc giảm.

    Cụ thể, đối với nhóm hàng sữa và sản phẩm sữa, nhập khẩu từ Thái Lan vẫn tăng thì nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm mạnh và từ năm 2014 đến nay, Việt Nam không còn nhập sữa từ Trung Quốc.

    Với nhóm hàng bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc nhập khẩu từ Thái Lan đã tăng mạnh trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc không tăng, hoặc thậm chí là giảm trong 3 năm trở lại đây.

    Nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu nhập khẩu từ Thái Lan cũng tăng trong giai đoạn này, từ 94,5 triệu USD lên 104,1 triệu USD; song nhập khẩu từ Trung Quốc lại có xu hướng giảm từ 248,1 triệu USD năm 2012 xuống còn 194,5 triệu USD năm 2015.

    Đặc biệt, một số nhóm hàng tiêu dùng Thái Lan luôn có kim ngạch nhập khẩu cao hơn so với hàng Trung Quốc. Đơn cử như trong hai năm 2014 – 205, nhóm chế phẩm thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng từ 28,6 triệu USD lên 34,3 triệu USD, song nhập từ Thái Lan có mức cao hơn, tăng từ 36,7 triệu USD lên 41,2 triệu USD; Mỹ phẩm các loại, với Trung Quốc giảm từ 43,1 triệu USD còn 39 triệu USD, trong khi nhập từ Thái Lan tăng lên từ 70 triệu USD lên 80,7 triệu USD.

    Hay nhóm hàng rau quả, nếu như tốc độ nhập khẩu từ Thái Lan tăng tới 7 lần thì nhập khẩu từ Trung Quốc đã chững lại quanh mức 150 triệu USD, có nhích lên một chút trong năm 2015 nhưng vẫn không bằng kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan.

    Ngoài ra là nhóm hàng điện dân dụng và linh kiện nhập từ Thái Lan cũng tăng mạnh và luôn có kim ngạch nhập khẩu cao hơn so với Trung Quốc. Cụ thể, nhập từ Trung Quốc chỉ tăng từ 123,7 triệu USD lên 282,9 triệu USD thì nhập từ Thái Lan tăng từ 356,9 triệu USD lên 695,5 triệu USD.

    Chưa có đủ cơ sở chứng minh cho mối liên hệ, nhà nhập khẩu Việt Nam giảm nhập hàng Trung Quốc để thay bằng hàng Thái, nhưng những số liệu phân tích ở trên cho thấy, hàng Trung Quốc đang ngày càng giảm sức hút tiêu thụ trong khi hàng Thái Lan đang ngày càng có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam.

    Và rõ ràng, tâm lý lựa chọn hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng nhập khẩu Thái Lan thay thế cho hàng giá rẻ Trung Quốc đang ngày càng phổ biến!


    "Doanh nghiệp cần có cơ chế phòng ngừa rủi ro khi gia nhập TPP"

    Ngày 12/5, tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)-Cơ hội, thách thức và giải pháp đối với doanh nghiệp Việt Nam”.

    Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Cấn Văn Lực, hàm Phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, tại Việt Nam, theo lộ trình đã cam kết đến năm 2018, Việt Nam phải mở cửa hơn trong ngành ngân hàng, bảo hiểm và thị trường vốn. Nhiều ngân hàng thương mại của các nước khối TPP đã có hiện diện thương mại ở hầu hết các nước trong khối, với nỗ lực mở rộng cơ hội đầu tư ra ngoài lãnh thổ, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch giữa các nước thành viên. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng lên khi TPP chính thức có hiệu lực.


    "Các định chế tài chính lớn như BIDV sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp bằng việc cung ứng các sản phẩm-dịch vụ mang tính hội nhập cao như tín dụng, tài trợ xuất nhập khẩu, thuê mua tài chính, thanh toán quốc tế, bảo lãnh, kinh doanh ngoại tệ, bảo hiểm, chứng khoán và phái sinh chứng khoán và hàng hóa," ông Lực nhấn mạnh.


    Ông Lực cũng đưa ra khuyến nghị đối với các định chế tài chính như cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa chất lượng dịch vụ tương đương khu vực; tiếp tục đổi mới công nghệ, tạo ra nhiều sản phẩm-dịch vụ hiện đại phục vụ cho các hoạt động xuất-nhập khẩu, đầu tư, ngân hàng bán lẻ; nâng cao khả năng hội nhập, mở rộng màng lưới và tăng cường kết nối với hệ thống định chế tài chính trong khu vực và trên thế giới; nghiên cứu sâu các FTAs nhằm tư vấn cho doanh nghiệp về mô hình hoạt động, chiến lược kinh doanh, xúc tiến đầu tư-thương mại, quản lý rủi ro.


    Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng nhấn mạnh rằng, để tận dụng được cơ hội lợi thế khi tham gia TPP, các doanh nghiệp trong nước phải tạo lập được mối liên kết với nhau và giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài trong một chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải quan tâm phát triển công nghệ thông tin, không chỉ là công cụ trong quản lý và hoạt động kinh doanh mà phải coi công nghệ thông tin là một nền tảng của phương thức phát triển mới.


    "Doanh nghiệp cần hiểu rằng kinh doanh là một nghề phải chấp nhận mạo hiểm trên cơ sở thu thập và xử lý đầy đủ thông tin, khả năng tư duy để có quyết định chính xác. Nhưng dù có thu thập và xử lý tốt thông tin đến đâu và dù khả năng tư duy có mạnh đến đâu cũng không thể dự báo hết mọi sự biến động do phát triển của thế giới ngày nay là phi tuyến và tính bất định của thị trường. Vì vậy cần có cơ chế phòng ngừa rủi ro," ông Tuyển cũng lưu ý các doanh nghiệp.


    BIDV được xem là định chế tài chính tiên phong và duy nhất tổ chức hội thảo quốc tế về TPP nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng khách hàng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam coi doanh nghiệp là động lực phát triển.


    Hiện BIDV có quan hệ với gần 1.700 định chế tài chính tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, có các liên doanh với các định chế tài chính của Lào, Nga, Hoa Kỳ, với các hiện diện thương mại hoạt động tại Lào, Campuchia, Myanmar (sắp tới sẽ mở chi nhánh tại Myanmar), Séc, Nga, Đài Loan.
    Bên cạnh đó, BIDV cũng giữ vai trò đặc biệt là Chủ tịch Hiệp hội cácnhà đầu tư Việt Nam vào Lào, Campuchia và Myanmar./.


    Đạm Ninh Bình: Nhà máy 12.000 tỷ, 4 năm lỗ 2.000 tỷ đồng

    Nhà máy Đạm Ninh Bình (Cty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem) được đầu tư lên đến 12.000 tỷ đồng vừa đi vào hoạt động đã hỏng hóc, gây ô nhiễm môi trường. Tới nay, đã có 400/1.000 công nhân phải nghỉ việc. Nhà máy càng sản xuất càng lỗ và hiện đã lỗ luỹ kế lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.

    Xả thải gây ô nhiễm

    Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình do Vinachem làm chủ đầu tư có quy mô công suất 560.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 667 triệu USD, khởi công xây dựng từ năm 2008 và hoàn thiện đi vào hoạt động từ năm 2012 đặt tại khu công nghiệp Khánh Phú, Ninh Bình. Năm 2012, khi nhà máy đi vào hoạt động sản xuất đã để xảy ra tình trạng tràn nước và xả thải trộm ra sông Đáy. Thời điểm này, cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra. Kết quả, chiều 17/10/2012, PC49 Công an tỉnh Ninh Bình bắt quả tang Nhà máy Đạm Ninh Bình dùng 5 vòi bơm nước thải ra sông Đáy, công suất mỗi vòi lên tới 1.000m3/giờ.

    Xét nghiệm mẫu nước tại khu vực cá chết, bò chết cạnh Nhà máy Đạm Ninh Bình và xung quanh KCN Khánh Phú, có nhiều chất độc hại vượt giới hạn cho phép nhiều lần. Đặc biệt chất amoni có lúc vượt từ 26 đến 1.030 lần mức cho phép. Tới ngày 6/5/2016, khi PV trở lại Nhà máy Đạm Ninh Bình, tình trạng, bùn, than nhơ nhớp, ngập nước vẫn tiếp tục xảy ra tại một số khu vực cùng với mùi hắc ngộp thở.

    Trao đổi với PV về tình trạng trên, ông Vũ Văn Nhẫn – Tổng giám đốc Nhà máy đạm Ninh Bình cho rằng: “KCN hạ xuống 1,8m nên bị trũng, cứ mưa là nước tràn vào. Sự cố này từ ngày xưa của nhà thầu, lúc đó chúng tôi không phụ trách, khi chạy máy mới xảy ra hiện tượng này. Hiện toàn bộ nước của nhà máy đạm được bơm sang nhà máy xử lý nước Thành Nam để xử lý. Có tháng chúng tôi phải trả 1,8 tỷ đồng. Khi kiểm tra tốt hệ thống nước thải rồi chúng tôi chỉ phải trả 600-700 triệu đồng/tháng”.

    Càng sản xuất càng… lỗ

    Ông Nhẫn cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nhà máy Đạm Ninh Bình rơi vào tình trạng lỗ thâm niên. Năm 2012, lỗ 75 tỷ đồng; năm 2013 lỗ trên 759 tỷ đồng; năm 2014 ước lỗ trên 500 tỷ đồng, năm 2015 lỗ trên 370 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tới nay lên tới trên 2.000 tỷ đồng.

    Một cán bộ tỉnh Ninh Bình tiết lộ, dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình rất lớn nhưng đóng góp cho các công trình phúc lợi xã hội của tỉnh không đáng kể, thậm chí vẫn còn nợ thuế đất. Vị cán bộ này nhận định, với tình trạng hoạt động như hiện nay, sớm, muộn nhà máy đạm cũng đóng cửa. Vị cán bộ chia sẻ, kể từ sự kiện bò chết quanh Nhà máy Đạm Ninh Bình vì ăn phải hóa chất độc hại, mỗi dịp doanh nhân đến làm việc hoặc điện thoại, họ cứ hỏi nửa đùa, nửa thật “tỉnh còn thịt bò bán không?” - vị cán bộ nói.

    Trao đổi với PV, ông Nguyễn Gia Thế (Phó tổng giám đốc phụ trách sản xuất) cho biết: Chi phí sản xuất quá cao, giá u- rê trên thị trường liên tục giảm nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Cty rất khó khăn. “Hiện hàng tồn kho khoảng 50.000 tấn cùng với đường ống cửa vào máy nén kích lạnh bị hỏng hóc nên tạm dừng hoạt động từ 20/3/2016. Những ống thủng nhập ngoại nhưng đều có đặc tính là bị mài mòn nên có cả lý do ăn mòn rồi trong khí có nhiều hợp chất” ông Thế nói.

    Về việc này, ông Nhẫn cho rằng, nhiều chi tiết của Nhà máy Đạm Ninh Bình được nhập từ Trung Quốc, khi lắp đặt không đồng bộ gây ra tình trạng trục trặc khi hoạt động. Đặc biệt là hệ thống lò hơi, kể từ khi khởi động nhà máy tới nay liên tục hỏng hóc và thường xuyên phải sửa chữa. Dự kiến cuối tháng 5 này, khi đại tu thay thế một số thiết bị và vệ sinh sẽ đưa nhà máy hoạt động trở lại.

    Theo ông Nhẫn, ngoài lượng sản phẩm tồn kho lớn, nhà máy còn gặp khó khăn trước các tác động từ thị trường tiêu thụ, kết hợp với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nên càng sản xuất càng thua lỗ. Mỗi lần khởi động lại nhà máy sẽ tốn khoảng 2 đến 5 tỷ đồng tùy thuộc vào từng trạng thái. Nếu dừng lâu như hiện nay, khi khởi động lại sẽ tốn trên 10 tỷ đồng. Ông Nguyễn Gia Thế chia sẻ thêm, tính toán ban đầu nhà máy lỗ trong 3 năm đầu, bây giờ là năm thứ tư, lỗ vượt quá so với tính toán.

    “Trước khi cho công nhân nghỉ, Ban lãnh đạo đã làm việc với người lao động, trên tinh thần chia sẻ, đã có 400 công nhân tự nguyện ký vào đơn nghỉ việc tạm thời hưởng mức lương tối thiểu vùng 3,1 triệu đồng/người/tháng. Nhà máy đạm cam kết sẽ nhận công nhân quay trở lại làm việc ở vị trí trước khi nghỉ tạm và bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của người lao động” - ông Nhẫn giải thích về việc cho hàng loạt công nhân nghỉ việc.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn