TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 14-05-2016

    Nhật Bản rót vốn đầu tư phát triển cảng biển Việt Nam

    Nhật Bản đang lên kế hoạch "rót" hơn 85 tỷ yen (tương đương 781 triệu USD) để phát triển hạ tầng đường xá, cảng biển tại Việt Nam.

    Khoản vay này tập trung chủ yếu vào các dự án cảng biển tại Việt Nam, trong đó có cảng Lạch Huyện ở Hải Phòng, và một số dự án liên quan đến hạ tầng giao thông.

    Theo kế hoạch, dự án cảng Lạch Huyện sẽ được thực hiện vào tháng 5/2018, muộn 5 tháng so với dự kiến ban đầu.

    Cơ quan Phát triển Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa ký thỏa thuận với đại diện chính phủ Việt Nam hồi tháng trước về việc hợp tác trong lĩnh vực hạ tầng tại Việt Nam theo hình thức hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

    JICA cho hay, việc hợp tác với Việt Nam trong các dự án cảng biển sẽ giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa của các tàu trọng tải lớn tại các cảng nước sâu.

    Hiện JICA đang hỗ trợ vốn cho Việt Nam tại nhiều dự án, trong đó có tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, đoạn từ Đà Nẵng tới Quảng Ngãi, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6/2018.

    Ngoài ra, JICA có 114 dự án đang được thực hiện tại hơn 20 tỉnh và thành phố của Việt Nam.


    Sẽ có dự án casino 4 tỷ USD tại Thủ Thiêm?

    Nhóm nhà đầu tư muốn thực hiện một dự án tích hợp như vui chơi giải trí, văn phòng, trung tâm thương mại… tại Thủ Thiêm với 4 tỷ USD.

    Một nhóm các nhà đầu tư Mỹ, do ông William Weidner, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Global Gaming Asset Management, Giám đốc Tập đoàn Weidner Holdings làm trưởng đoàn mới đây đã có chuyến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại TPHCM.

    Theo tìm hiểu, nhóm nhà đầu tư này bao gồm Steelman Partners, Cantor Fitzgerald và Weidner Resorts. Trong đó, đại diện Weidner Resorts là ông Bill Weidner, từng là cựu chủ tịch Las Vegas Sands.

    Nhóm nhà đầu tư này muốn đầu tư một dự án bất động sản tích hợp nhiều chức năng như: vui chơi giải trí, cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại… tại khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD.

    Trang tin InterGame bình luận, trong khi dự án này chưa được định danh là một dự án casino, thì 4 tỷ USD là số vốn thường được đề xuất cho một dự án casino.

    Các nhà đầu tư trong nhóm này cũng vốn nổi tiếng trên thế giới trong lĩnh vực kinh doanh sòng bài.

    Steelman Partners trước đây từng là đơn vị thiết kế dự án casino ở Hồ Tràm Strip, vốn là sòng bài lớn nhất Việt Nam hiện tại. Đến tháng 4/2016, Steelman Partners đã hoàn thành khoảng 4.000 dự án vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng ở nhiều nước như Singapore, Thái Lan, Nga, Thụy Sĩ, Úc, Ý... Công ty này cũng có văn phòng tại Việt Nam, Trung Quốc và Hà Lan, ngoài trụ sở chính ở "thánh địa" casino Las Vegas.

    Còn Weidner Global Gaming Asset Management là nhà quản lý trước đây của casino Solaire Manila tại Philippines, nay thuộc quyền quản lý của Bloomberry. Weidner hiện cũng đang đề xuất xây dựng một casino tại Đài Loan.

    Với tổng vốn đầu tư dự kiến là 2 tỷ USD, Weidner dự kiến sẽ xây dựng một casino nghỉ dưỡng trên đảo Matsu với 2.000 phòng khách sạn, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế, công viên chủ đề và các hạ tầng giải trí. Dự án có thể tạo ra 3.500 - 5.000 việc làm.

    Trước đó, Weidner cũng từng rất thành công với các casino tại Macau và Singapore. Ông cũng từng là giám đốc điều hành của Las Vegas Sands.

    Cantor Fitzgerald là tổ chức tài chính, đầu tư, cung cấp các dịch vụ tài chính, hiện diện tại hơn 30 thị trường lớn trên thế giới, được thành lập năm 1945.

    Global Gaming Asset Management là công ty liên doanh giữa Cantor Fitzgerald và các cựu thành viên của nhóm quản lý Las Vegas Sands, đã tham gia tư vấn, đầu tư, quản lý nhiều dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng, casino ở Macau, Las Vegas, Singapore, Manila.


    Đua nhập bò Úc giá bèo 3USD/kg về vỗ béo bán thu siêu lợi nhuận

    Giá thịt bò hơi tại Việt Nam đắt nhất Đông Nam Á, do đó các doanh nghiệp đua nhập bò Úc giá bèo chỉ 3 USD/kg về vỗ béo, mổ thịt bán.

    Chỉ mấy tháng đầu năm đã có 71.000 con bò được nhập về vỗ béo và bán thịt.

    Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết, Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu bò Úc nhiều nhất, đứng sau Indonesia và Trung Quốc.

    Năm 2015, tổng đàn bò Úc nhập khẩu về Việt Nam trên 300.000 con. Trong 4 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập 71.000 con bò về vỗ béo, giết thịt.

    Mục tiêu đến năm 2020, tỉ lệ thịt bò trong khẩu phần ăn của người dân Việt Nam chiếm khoảng 20% nên nhu cầu và tiềm năng phát triển bò thịt ở Việt Nam là rất lớn.

    Ông Chinh cho biết, do nhập bò loại thải, trọng lượng lớn về để giết thịt thường rủi ro về dịch bệnh và môi trường nên Việt Nam chủ yếu là nhập bò tơ về vỗ béo 100 ngày. Đây cũng là xu hướng của các nước trên thế giới. Việc nhập khẩu bò sống về để vỗ béo là nhu cầu cấp thiết vì nhu cầu tiêu dùng của người Việt ngày càng cao. Mặc dù nhập khẩu bao giờ cũng gắn liền với nhiều rủi ro nhưng chăn nuôi bò ở Việt Nam không có nhiều điều kiện thuận lợi như Úc.

    Ông Vũ Chí Cương, Phó Viện trưởng Viện chăn nuôi cũng cho rằng, việc nhập khẩu bò Úc là điều tất yếu vì hiện nay chúng ta chỉ có hơn 5 triệu con bò, không thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

    Tuy nhiên doanh nghiệp hiện nay mới chỉ lo đến thương mại, nhập về để vỗ béo bán mà chưa tính chuyện lâu dài.

    Tại sao doanh nghiệp chỉ chăm nhập bò về vỗ béo? Ông Cương tự đặt câu hỏi và trả lời: “Vì đây là khâu lợi nhuận nhất. Một doanh nghiệp ở Long An mà tôi biết, họ nhập 3 tàu bò từ ÚC về Việt Nam, nuôi 3 tháng là bán. Trung bình mỗi con bò có giá từ 15- 16 triệu đồng”.

    Ông Cương cho rằng doanh nghiệp phải chủ động nguồn nhập khẩu, chọn giống vì hiện nay Trung Quốc chưa thỏa thuận được với Úc về tiêu chuẩn giết mổ bò của Úc, nếu đạt được thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ tăng lượng nhập khẩu và lúc đó Việt Nam sẽ hết nguồn.

    “Nếu phụ thuộc vào nhập khẩu thì khi giá lên buộc phải tăng giá. Mà hiện nay giá thịt bò hơi ở Việt Nam cũng đang đắt nhất Đông Nam Á rồi, rẻ nhất ở Indonesia, Thái Lan, Lào”, ông Cương lo ngại.

    Ông Vương Xuân Hiển, công ty Sao Đỏ cho biết công ty ông vừa nhập khẩu bò thịt về vỗ béo và vừa nuôi sinh sản và vỗ béo. Tổng cộng 2 đợt nhập về hơn 3.000 con. Trung bình mỗi kg bò hơi khoảng 3USD.

    Tuy nhiên hiện nay thị trường có nhiều biến động, nguồn bò từ Myanmal, Campuchia, Lào qua đường tiểu ngạch vào Việt Nam khá nhiều đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu.

    Theo Phó cục trưởng Cục chăn nuôi, về lâu dài các doanh nghiệp phải chủ động nhập giống tốt từ Úc, Mỹ, Cannada…từng bước chủ động tạo nhân giống để giảm dần phụ thuộc. Điều này cần phụ thuộc vào nhưng doanh nghiệp lớn như Bình An, An Phú, Hoàng Anh Gia Lai…

    “Hiện nay chúng ta mới chủ yếu nhập giống từ Úc về, còn nguồn từ Thái Lan, Myanmal, Ấn Độ, Lào tương đối cạn kiệt, việc kiểm soát dịch bệnh cũng khó. Bộ NN&PTNT cũng đang tìm hiểu thêm những thị trường tiềm năng khác như Brazil, Ác-hen-ti-na…với tổng đàn bò trên 220 triệu con mà chúng ta có thể nhập về để vỗ béo. Phải có nhiều nguồn nhập khẩu để cạnh tranh hơn, giá thành tốt hơn. Tuy nhiên doanh nghiệp phải có bài toán kinh tế rõ ràng, với những khoảng cách xa hơn Úc thì chi phí ra sao”, ông Chinh khuyến cáo.


    Thịt, tôm, cá… hữu cơ Việt hút nhà đầu tư ngoại

    Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ rất lớn nhưng nguồn cấp còn hạn chế.

    Nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng của thế giới và đem lại nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp (DN) lẫn trang trại Việt. Đó là nhận định của các đại biểu tại hội thảo “Nhận diện sản phẩm nông nghiệp organic Việt Nam - Xu hướng phát triển và xúc tiến liên kết sản xuất tiêu thụ”, do Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức tại TP.HCM ngày 12-5.

    Dồn dập đặt hàng hữu cơ

    Ngay tại hội thảo trên, nhiều đối tác đến từ Nhật, Đức, Liên minh châu Âu (EU)… đã ký kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ (không sử dụng chất hóa học, chất kháng sinh…) với các công ty Việt. Chẳng hạn một đối tác Nhật Bản đã đặt hàng tám container rau ngò gai hữu cơ với giá cao. Nhiều khách hàng từ EU cũng đặt hàng thịt, cá, cà rốt, củ cải, cà chua… của các DN Việt.

    Đề cập về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Organik Đà Lạt, nhận định: “Nhu cầu thực phẩm hữu cơ của nhiều nước đang rất lớn và đây là cơ hội xuất khẩu tốt cho các công ty trong nước. Ví dụ, nếu đối tác Việt Nam đáp ứng đủ số lượng của khách hàng ngoại thì 1 ha rau có thể thu về 500.000-1 triệu USD”.

    Theo ông Hùng, đơn hàng xuất khẩu nhiều nhưng sản lượng khó đáp ứng vì diện tích nuôi trồng đạt tiêu chuẩn hữu cơ hiện nay chưa nhiều. “Hiện nay chúng tôi mới có hơn 150 sản phẩm hữu cơ như các loại rau quả, gạo, tôm, cá... Tuy nhiên, khách hàng các nước rất khó tính, họ thích nhiều sản phẩm nên phải đa dạng hóa sản phẩm” - ông Hùng lưu ý.

    Công ty TNHH Hưng Thịnh (Tây Ninh) cho hay đã hợp tác với một công ty của Đức để nuôi cá và tôm hữu cơ xuất sang nước này. Công ty cũng đã xây dựng nông trại với diện tích hơn 1.500 ha phục vụ cho việc sản xuất sản phẩm hữu cơ. “Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cũng đề nghị được hợp tác với các công ty Việt trong lĩnh vực sản xuất hữu cơ” - đại diện công ty cho biết thêm.

    Công ty Viễn Phú đã bắt tay với một công ty của Nhật sản xuất gạo, tôm, cá… hữu cơ để xuất khẩu sang Nhật. Ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc công ty này, cho biết thêm: “Tới đây sẽ có khoảng bảy đối tác đến từ Nhật làm việc với chúng tôi để cùng bàn việc hợp tác phát triển sản phẩm hữu cơ. Không chỉ vậy, họ cũng đã lên kế hoạch triển khai quảng bá, marketing sản phẩm hữu cơ Việt tại Nhật”.

    Đáng chú ý, đại diện một tập đoàn của Thái Lan cho hay nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hữu cơ ở nước này tăng mạnh trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng hơn 8%/năm. Thế nhưng nguồn cung sản xuất không đủ đáp ứng nên DN Thái đang có kế hoạch nhập khẩu sản phẩm hữu cơ từ Việt Nam.

    “Để đảm bảo đúng tiêu chuẩn hữu cơ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, chúng tôi sẽ nhờ một đơn vị kiểm định độc lập để giám sát và chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ đối với các sản phẩm nông nghiệp sản xuất ở các trang trại tại Việt Nam” - đại diện tập đoàn Thái Lan cho biết.

    Bắt tay nhau để xuất khẩu

    Ông Lê Thành, chuyên gia về thực phẩm hữu cơ, nhận định dù nhu cầu trong nước lẫn xuất khẩu rất lớn nhưng khó khăn mà sản xuất hữu cơ đang gặp phải là chính sách về đất đai chưa hợp lý, thiếu vốn và thiếu kỹ thuật. Đặc biệt, lâu nay chưa có sự kết nối giữa các đơn vị sản xuất với hiệp hội và chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm hữu cơ Việt Nam.

    “Để khắc phục hạn chế trên, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ và các công ty, đã xây dựng mô hình “Ngôi nhà Organic - thực phẩm hữu cơ”. Mô hình này sẽ thực hiện các nhiệm vụ chính như liên kết, sản xuất và tiêu thụ, ký kết với các thị trường quốc tế, đặt hàng xuất khẩu” - ông Thành chia sẻ.

    Các đơn vị sản xuất sản phẩm hữu cơ cũng đang đẩy mạnh liên kết với các hệ thống bán lẻ. Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc SaigonCo.op, cho biết trước nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ trong nước ngày càng cao, SaigonCo.op đã quyết định dành riêng một khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm loại này.

    Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thông tin, tới đây bộ này sẽ cùng Bộ KH&CN thành lập một tổ công tác chuyên hỗ trợ, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tổ công tác sẽ đến từng công ty, trang trại để tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc để từ đó có các giải pháp tháo gỡ phù hợp.

    “Ngoài ra, sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện chuyến công tác qua các nước châu Âu, Nhật Bản… để tìm kiếm đối tác, qua đó nhằm hỗ trợ các DN, địa phương có sản xuất nông nghiệp hữu cơ” - Thứ trưởng Nam cho hay.

     


    FedEx chính thức được mua lại TNT Express

    Ngày 12/5, FedEx (Mỹ) và TNT Express (Hà Lan) cùng công bố nhận được phê chuẩn vô điều kiện của Bộ Thương mại Trung Quốc đối với đề nghị mua lại TNT của FedEx. Sự phê chuẩn pháp lý cuối cùng này chính thức đưa hai tập đoàn trên về cùng một nhà.

    Theo WSJ, thương vụ này trị giá tới 4,8 tỷ USD.

    Được biết, Tập đoàn FedEx cung cấp dịch vụ vận chuyển, thương mại điện tử và kinh doanh trên khắp thế giới. Tập đoàn này có doanh thu hằng năm vào khoảng 49 tỷ USD với số lượng nhân viên khoảng 340 nghìn người.

    thi phan tai chau au, my va chau a thai binh duong cua cac tap doan dich vu van chuyen tren the gioi. anh: wsj

    Thị phần tại châu Âu, Mỹ và châu Á Thái Bình Dương của các tập đoàn dịch vụ vận chuyển trên thế giới. Ảnh: WSJ

    Theo công bố của FedEx, TNT Express là một trong những công ty chuyển phát lớn nhất thế giới. Hàng ngày, TNT Express chuyển phát gần một triệu lô hàng từ giấy tờ, bưu kiện cho đến các kiện hàng. Các tuyến vận chuyển đường bộ và đường không chính của công ty nằm ở châu Âu, Trung Đông và Châu Phi, Châu Á Thái Bình Dương và châu Mỹ. Trong năm 2015, TNT Express đã đạt được doanh thu ở mức 6,9 tỷ euro (khoảng 7,8 tỷ USD).


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn