Tin kinh tế đọc nhanh tối 16-01-2018
Trung Quốc lập loạt kỷ lục mới trong tiêu thụ hàng hóa
Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập khẩu lượng lớn các mặt hàng của thế giới, lập kỷ lục mới về tiêu thụ tất cả mọi thứ từ dầu thô cho đến đậu nành.
Kinh tế thế giới đã trải qua năm 2017 đầy biến chuyển khi năng lực công nghiệp bị cắt giảm, không ít mặt hàng bị hạn chế tiêu thụ do các vấn đề liên quan đến môi trường, nhưng nhu cầu về nguyên liệu thô của thị trường đông dân nhất thế giới vẫn không có dấu hiệu suy giảm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng hằng năm của hàng hóa toàn cầu.
“Việc mở rộng kinh tế của Trung Quốc đã vượt qua kỳ vọng tăng trưởng từ nửa cuối năm ngoái. Chúng tôi hy vọng kinh tế đất nước sẽ tiếp tục đà tăng mạnh mẽ trong năm 2018, và điều này cũng sẽ làm tăng lượng hàng nhập khẩu được tiêu thụ trong nước”, Guo Chaohui, nhà phân tích của China International Capital Corp (CICC), ngân hàng đầu tư hàng đầu Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với Bloomberg.
Dầu
Danh hiệu nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới giờ đây đã thuộc về Trung Quốc sau khi các lô hàng dầu nhập khẩu hằng năm của nước này đã vượt qua Mỹ lần đầu tiên trong năm qua. Hơn nữa, Trung Quốc cũng là một trong những nước mua dầu thô của Mỹ nhiều nhất.
Bloomberg trích dữ liệu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm 12/1 cho thấy, các lô hàng dầu được Đại lục nhập về từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là từ Nga, Ả Rập Xê Út và Venezuela, đã tăng khoảng 10% lên 8,43 triệu thùng/ngày vào năm 2017. Sức mua khổng lồ này dự kiến sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong năm nay, nếu chính phủ Trung Quốc mở rộng hạn ngạch nhập khẩu dầu cho các nhà máy tinh chế độc lập trong nước.
Quặng sắt
Trung Quốc dường như đã nhận ra rằng chìa khóa để chiến thắng trong cuộc chiến chống lại ô nhiễm môi trường nằm ở nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Số lượng các loại quặng sắt ít gây ô nhiễm, vốn thường không có ở Đại lục, đang được nhập về nước ngày càng nhiều để “nuôi” ngành công nghiệp thép khổng lồ của nước này, với lượng hàng nhập khẩu tăng 5% lên 1,07 tỷ tấn trong năm 2017.
Khí đốt tự nhiên
Việc mua quặng sắt ít gây ô nhiễm chỉ là một trong rất nhiều bước đi trong nỗ lực làm sạch các thành phố bị ô nhiễm của Trung Quốc. Ngoài ra, còn một số động thái khác như hạn chế sử dụng than và khuyến khích dùng khí tự nhiên sạch hơn để thay thế. Nhập khẩu khí đốt qua đường biển và đường ống của quốc gia tỉ dân đã tăng gần 27% lên 68,57 triệu tấn vào năm ngoái. Song, mặc dù đã hạn chế nhưng số liệu chính thức cho thấy các lô hàng than được vận chuyển từ nước ngoài về Đại lục vào năm qua vẫn tăng 6,1% lên 270,9 triệu tấn.
Cơn khát khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đã gây ra sự thiếu hụt nguồn cung trong mùa đông này, và đây là dấu hiệu cho thấy nước này vẫn còn có thể tiếp tục tăng sức mua trong thời gian tới. CICC và JLC Network Technology dự đoán mức tiêu thụ khí tự nhiên của Trung Quốc có khả năng tăng 10% trong năm nay, trong khi đó hãng quản lý tài sản Sanford C. Bernstein cho rằng nhu cầu có thể tăng lên 15%.
Thức ăn cho trang trại
Và trong khi quốc gia châu Á đang cố gắng làm sạch không khí, họ cũng không quên tìm kiến thức ăn cho gia súc tại các trang trại quy mô lớn đang được mở rộng. Tăng trưởng kinh tế đất nước bùng nổ trong vài thập niên qua đã khiến đời sống của người dân Trung Quốc trở nên đầy đủ, phong phú hơn, thúc đẩy tiêu thụ thịt.
Hiện Trung Quốc đang rất cần đậu nành để nghiền nát ra làm thức ăn cho lợn tại các trang trại lớn. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, lượng hàng nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc dự báo sẽ tăng từ 95,54 triệu tấn ghi nhận trong năm 2017 lên 97 triệu tấn tính đến cuối tháng 9/2018.
Đồng
Khi nền kinh tế phát triển thúc đẩy việc xây dựng các tòa nhà và nhà máy thì cũng là lúc Trung Quốc sẽ cần nhiều đồng hơn cho dây điện và ống dẫn tại các cơ sở hạ tầng. Các mỏ đồng ở trong nước thường nhỏ và không thể theo kịp với tốc độ công suất tinh chế kim loại đang mở rộng, và do đó buộc phải mua tập trung ở nước ngoài.
Năm 2017, quặng đồng và hàng nhập khẩu tập trung của Trung Quốc tăng 2,3% lên mức kỷ lục 17,35 triệu tấn. Theo Jia Zheng, doanh nhân của công ty quản lý đầu tư Shanghai Minghong Investment Management, nhu cầu này sẽ tiếp tục được duy trì trong năm nay.(Thanhnien)
----------------------------
Bộ Công thương và Mitsubishi Motors bắt tay nghiên cứu ô tô điện
Chiều nay (15/01), Bộ Công thương và Mitsubishi Motors ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và phát triển ô tô điện.
Theo đó, hai bên sẽ phối hợp nghiên cứu loại xe điện phù hợp với điều kiện đường sá, giao thông và hệ thống sạc điện cho xe tại nước ta hiện nay.
Việt Nam kỳ vọng phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, trong khi đó công ty của Nhật Bản cũng mong muốn mở rộng thị trường đối với dòng sản phẩm xe hơi thân thiện với môi trường - sản phẩm được dự đoán sẽ tăng trưởng trong tương lai.
Trước khi nghiên cứu, Mitsubishi sẽ cung cấp cho Việt Nam mẫu xe hybrid sạc điện (Mitsubishi Outlander PHEV). Số lượng các phương tiện sử dụng điện và được trang bị động cơ hybrid (xăng – điện) còn rất ít. Tuy nhiên, việc sạc điện cho ô tô tại nhà ở Việt Nam khá dễ dàng nhờ hệ thống lưới điện trên 200 vôn. Ngoài ra, do đường sá ở Việt Nam tương đối nhỏ nên các mẫu xe gọn nhẹ như i-MiEV của Mitsubishi là một sự lựa chọn tốt.
Trạm sạc điện cho ô tô đầu tiên đã được khánh thành năm ngoái tại Đà Nẵng. Ngoài ra, Vingroup cũng đang phát triển các dòng xe điện.
Nhu cầu đối với xe hơi của Việt Nam ngày càng cao khi tầng lớp trung lưu tăng lên trong xã hội. Tầng lớp thượng lưu và trung lưu đang mua nhiều ô tô hơn. Bộ Công thương ước tính doanh số ô tô mới bán ra sẽ tăng gấp đôi lên mức 600.000 chiếc vào năm 2025.
Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 với công nghiệp ô tô là một trong những trụ cột chính. Doanh số ô tô mới bán ra giảm xuống 10% xuống mức 272.750 chiếc trong năm 2017, thấp hơn so với mức kỷ lục 300.000 chiếc vào năm 2016. Sự sụt giảm này là do thuế nhập khẩu giảm về 0% vào tháng 1/2018.
Vấn đề khí thải từ ô tô và các nhà máy sản xuất nhiệt điện buộc Chính phủ phải vào cuộc, tìm ra những công nghệ thân thiện hơn với môi trường như ô tô điện.
Bên cạnh đó, các phương tiện khác như 40 triệu xe máy tại Việt Nam cũng đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong tương lai năng lượng cũng là một vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt, vì vậy Chính phủ đang gấp rút xây dựng các nhà máy nhiệt điện, kết quả là chất lượng không khí lại ngày càng tồi tệ.(CafeF)
----------------------------
Giá thép giảm gần 1% kéo theo giá quặng sắt cũng giảm mạnh
Giá thép thanh Trung Quốc giao sau giảm 1% vào hôm thứ hai do nhu cầu thép giảm trong mùa đông kéo theo giá các mặt hàng nguyên liệu thô như quặng sắt cũng giảm theo.
Các nhà sản xuất thép cho biết nguồn cung ở Trung Quốc vẫn bị dư thừa mặc dù nước này đã thực hiện cắt giảm sản lượng theo sắc lệnh từ phía chính phủ. Thông tin này khiến giá thép tiếp tục chịu áp lực.
"Tình trạng thừa nguồn cung vẫn đang diễn ra. Hiện vẫn còn dư địa để sản lượng thép tiếp tục tăng và sẽ không có chuyện thiếu thép", Jin Wei- chủ tịch tập đoàn thép Trung Quốc Shougang Group cho hay.
Bên cạnh đó, thời tiết mùa đông khắc nghiệt khiến hoạt động xây dựng bị cản trở kéo theo nhu cầu thép cũng giảm.
Sau khi thông tin này được công bố giá thép thanh tại sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải giảm 0,8% xuống còn 3.777 nhân dân tệ (tương đương 587 USD)/tấn.
Tại sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên giá quặng sắt giảm 2,3% xuống còn 535 nhân dân tệ/tấn.
Ông Jin cũng cho biết đợt tăng giá quặng sắt gần đây không bền vững do một số thương lái mua vào để tích trữ trong thời gian ngắn trước khi lệnh cắt giảm sản lượng của Trung Quốc hết hạng vào tháng 3. Trong khi đó, nguồn cung quặng sắt và thép phế liệu vẫn tiếp tục tăng vì vậy không có cơ sở nào để giá mặt hàng nguyên liệu thô này có thể tăng bền vững.
Giá quặng sắt Đại Liên giao sau đạt ngưỡng cao nhất trong vòng 4 tháng vào hôm 10/1 đạt 565 nhân dân tệ/tấn một phần là do giá thép tăng. Giá quặng sắt giao ngay ngay 11/1 cũng đạt mức 79,08 USD/tấn- ngưỡng cao nhất kể từ 22/8/2017.
Trữ lượng quặng sắt nhập khẩu tại các cảng Trung Quốc đạt 152,83 triệu tấn tính đến 12/1, tăng 2 triệu tấn so với tuần trước đó. Đây là ngưỡng cao nhất kể từ ít nhất năm 2014, theo dữ liệu từ SteelHome.
Tuy nhiên, dữ liệu của Trung Quốc công bố hôm thứ sáu cho thấy lượng quặng sắt nhập khẩu trong tháng 12 giảm 11% so vơi tháng 11 nhưng tính chung cả năm lại tăng lên ngưỡng 1,075 triệu tấn.
Các chuyên gia phân tích đến từ ngân hàng Barclays nhận định: "Do trữ lượng quặng sắt tăng lên ngưỡng 150 triệu tấn vào tuần trước nên chúng tôi dự đoán nhập khẩu quặng sắt sẽ giảm trong quý 1/2018".
Giá than mỡ luyện cốc giảm 2,2% xuống còn 1.324 nhân dân tệ/tấn. Giá than cốc cũng giảm 1,9% xuống còn 1.977 nhân dân tệ/tấn.(NDH)
_---------------------------------------
Nguồn cung phân bón thế giới sẽ thiếu hụt trong quý 1/2018
Chiến dịch sưởi ấm của Trung Quốc đã làm ngành phân bón tại đây lâm vào tình trạng khủng hoảng, các nhà sản xuất phân bón thế giới bị thiệt hại về nguồn cung và lợi nhuận.
Đối với Việt Nam, Trung Quốc thị trường nhập chủ lực và quý 1/2018 lượng phân bón nhập từ đây dự kiến cũng sẽ giảm theo bởi quốc gia này hạn chế xuất khẩu để đáp ứng thị trường nội địa.
Số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ cho thấy, kết thúc năm 2017 Việt Nam đã nhập khẩu 4,6 triệu tấn, kim ngạch 1,2 tỷ USD, tăng 10,8% về lượng và tăng 9,3% về kim ngạch so với năm 2016. Giá nhập bình quân giảm 1,31%, xuống còn 264,85 USD/tấn. Trong khi đó xuất khẩu chỉ đạt 930,4 nghìn tấn, kim ngạch 2,6 tỷ USD, tăng 24,7% về lượng và tăng 25,8% về kim ngạch. Giá xuất bình quân đạt 278,7 USD/tấn, tăng 4,4%.
Như vậy, Việt Nam đã nhập siêu 3,7 triệu tấn phân bón các loại, kim ngạch 965,9 triệu USD, tăng 7,7% về lượng và tăng 5,5% về kim ngạch so với năm trước.
Về thị trường nhập khẩu, từ lâu Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu phân bón chủ lực của Việt Nam, năm 2017 lượng phân bón xuất xứ từ thị trường Trung Quốc chiếm tới 42% thị phần, đạt 1,8 triệu tấn kim ngạch 457,1 triệu USD, nhưng so với năm 2016 mức độ nhập từ thị trường này giảm nhẹ cả lượng và kim ngạch, giảm lần lượt 4,7% và 2,38%.
Thị trường nhập nhiều đứng thứ hai là Nga đạt 536,7 nghìn tấn, kim ngạch 161,4 triệu USD, tăng 49,29% về lượng và 35,08% về kim ngạch, kế đến là các thị trường như Nhật Bản, Belarus, Indonesia, Lào….
Nhìn chung, năm 2017 lượng phân bón nhập từ các thị trường đều có mức độ tăng trưởng dương chiếm 68,42% và ngược lại chỉ chiếm 31,5%.
Điểm nổi bật của ngành phân bón năm 2017 là mức độ nhập từ thị trường truyền thống đã hoán đổi, thay vào đó tăng nhập khẩu từ các thị trường khác như Philippines, Đức với lượng nhập tăng gấp hơn 2 lần mỗi thị trường, giá nhập bình quân giảm tương ứng 2,675 (380,71 USD/tấn) và 11,86% (430,06 USD/tấn).
Đặc biệt, nhập khẩu từ thị trường Mỹ có giá nhập bình quân cao nhất 1.351,13 USD/tấn, nhưng cũng là thị trường có giá giảm mạnh nhất 37,28%.
Cơ cấu thị trường nhập khẩu phân bón năm qua có thêm thị trường Saudi Arabia tuy lượng nhập chỉ đạt 2,9 nghìn tấn, kim ngạch 765,7 nghìn USD.
Cơ cấu thị trường nhập khẩu phân bón năm 2017
Dự báo năm 2018, nguồn cung phân bón trên thế giới sẽ bị thiệt hại bởi ngành phân bón Trung Quốc – một trong những quốc gia sản xuất phân bón hàng đầu trên thế giới đang lâm vào tình trạng khủng hoảng, do chiến dịch sưởi ấm bằng khí đốt (khí đốt là một trong những nguyên liệu dùng sản xuất phân bón) cho hàng triệu gia đình trong mùa đông năm 2018 tại quốc gia này. Các nhà máy sản xuất phân Ure và Ammonia đang phải cắt giảm hoạt động so với cùng kỳ năm 2016.
Giảm nguồn cung nguyên liệu đồng nghĩa với việc làm giảm nguồn cung phân bón và đẩy giá phân bón tăng tại Trung Quốc (vốn là một nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới). Chỉ mới những ngày đầu tháng 1/2018, giá phân Ure trên thị trường Trung Quốc đã chạm mức 2.044 NDT/tấn, tương đương với 314,11 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng 4 năm. Giá Ammonia tổng hợp tăng mạnh 8% lên 3.242 NDT/tấn trong 30 ngày qua.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội ngành phân bón Nitrogen Trung Quốc (CNFIA), công suất vận hành của các nhà máy sản xuất phân bón Nitrogen từ khí đốt đã giảm mạnh xuống chỉ còn 15% so với mức 31% cùng kỳ năm 2017.
Các hiệp hội ngành phân bón và hóa chất Trung Quốc đang cân nhắc có nên kiến nghị Chính phủ giảm giá khí đốt khi mùa đông kết thúc, nhằm giảm bớt tác động của thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu.
Các nhà máy sản xuất Ure và Ammonia từ khí đốt thường hạn chế hoạt động vào mùa đông và tăng tốc sản xuất trở lại khi nguồn khí đốt dồi dào, nhưng mùa đông năm nay, tình trạng thiếu hụt khí đốt tồi tệ hơn dự báo.
Thâm hụt nguồn cung khí đốt đang tác động mạnh tới các nhà sản xuất phân Ure từ khí gas trong năm 2018. Nhiều nhà máy không thể mở cửa trở lại một khi cắt giảm sản xuất và tình hình này có thể làm giảm mạnh nguồn cung phân bón cho trồng trọt vụ xuân tại Trung Quốc. CNFIA cho biết các nhà sản xuất dầu mỏ lớn như Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Trung Quốc và Sinopec nên bán khí gas với giá rẻ hơn trong quý 2 và quý 3 năm 2018 để giúp các nhà sản xuất phân bón.
Đối với thị trường Việt Nam, quý 1/2018 lượng phân bón nhập từ thị trường Trung Quốc dự kiến cũng giảm, bởi khi nguồn cung nguyên liệu thiếu hụt sẽ làm sản lượng phân bón tại đây giảm, không đáp ứng đủ cầu giá tăng và Trung Quốc sẽ hạn chế xuất khẩu để đáp ứng thị trường nội địa.(CafeF)