TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 19-04-2016

    Đại gia Singapore, Nhật Bản “lùng mua” dự án bất động sản Việt

    "Trong quý I/2016, chúng tôi tiếp tục nhận thấy sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore đối với bất động sản Việt Nam", Tổng giám đốc JLL Việt Nam tiết lộ.
    ong stephen wyatt, tong giam doc jones lang lasalle viet nam.

    Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Jones Lang LaSalle Việt Nam.

    Đánh giá về hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) bất động sản trong quý I/2016, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cho biết: "Trong quý I/2016, chúng tôi tiếp tục nhận thấy sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore đối với bất động sản Việt Nam". 
    Ghi nhận của JLL Việt Nam cho thấy, thị trường bất động sản đã chứng kiến một sự khởi đầu mạnh mẽ với những kết quả khá lạc quan trong hầu hết các phân khúc trong quý đầu năm 2016, đặc biệt là số lượng nhà ở bán được tại các thành phố lớn và thành phố du lịch của Việt Nam.
    Hoạt động M&A tiếp tục duy trì xu hướng từ năm 2015 với số lượng thương vụ giao dịch tăng lên trong ba tháng đầu năm và có nhiều thương vụ đã giao dịch thành công trong thời gian này.
    Giao dịch M&A nổi trội trong quý I/2016 là thương vụ giữa Keppel Land và chủ đầu tư dự án Empire City tại Q.2, TP.HCM trong đó Keppel Land đã nhận chuyển nhượng 40% tương đương với 93,9 triệu USD. 
    Cũng trong 3 tháng đầu năm 2016, nhiều giao dịch tài sản đầu tư (các bất động sản chủ chốt đang hoạt động) như thương vụ A&B Tower (TP.HCM), Khu resort The Nam Hai (Quảng Nam), TNT Tower (Hà Nội), khu resort Six Sense Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu)..

    Thị trường bất động sản chững lại

    Theo các chuyên gia bất động sản, từ đầu năm 2016 đến nay thị trường BĐS TP.HCM có nhiều yếu tố tiềm ẩn bất ổn như giao dịch chững lại, mất cân đối về cung cầu, dự án ngưng thi công còn nhiều...
    dang xuat hien nhieu yeu to bat loi lam thi truong bds chung lai - anh: dinh son.

    Đang xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi làm thị trường BĐS chững lại - Ảnh: Đình Sơn.

    Cụ thể, theo nhận định của Hiệp hội BĐS TP.HCM, trong 3 tháng đầu năm 2016 thị trường đã có dấu hiệu chững lại về lượng giao dịch khi chỉ có 9.000 căn đã bán trong tổng số 57.000 căn dự kiến chào bán ra thị trường, thấp hơn so với quý IV/2015.
    Trong khi đó, phân khúc nhà ở thương mại có giá bán trên dưới 1 tỉ đồng/căn trong nhiều năm qua vẫn là phân khúc phát triển bền vững, trụ cột của thị trường, đáp ứng nhu cầu thật của phần lớn người tiêu dùng nhưng hiện nay nguồn cung nhỏ giọt, không đủ cầu. Ngược lại, phân khúc BĐS cao cấp tập trung ở khu trung tâm, khu Đông và Nam TP lại đang “nở rộ”, áp đảo về nguồn cung BĐS trên thị trường hiện nay.
    Ngoài ra, hiện trên toàn TP.HCM có khoảng 1.219 dự án với quy mô 315.500 căn. Trong đó có 549 dự án đã hoàn thành (chiếm 45%), 584 dự án đang triển khai đầu tư (chiếm 48%), gồm 353 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư; 231 dự án đã khởi công xây dựng, trong đó có 51 dự án đang ngưng thi công và có đến 86 dự án hết hạn công nhận chủ đầu tư. Như vậy, có đến 137 dự án tạm ngưng thi công hoặc hết hạn công nhận chủ đầu tư.
    Bên cạnh đó, còn có 52 dự án chưa thể triển khai được do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Đây cũng là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường BĐS cần phải có giải pháp hợp lý, nên rất cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sớm triển khai dự án và vừa đảm bảo lợi ích của người có đất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội.
    Việc Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 36 theo hướng “siết” tín dụng đã tác động mạnh đến tâm lý khách hàng cũng như doanh nghiệp. Gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đến nay đã hết, không còn giải ngân cũng đã làm giảm nguồn cung và cầu đối với phân khúc nhà ở xã hội, nhà thương mại khoảng trên dưới 1 tỉ đồng/căn. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giao dịch nhà đất chững lại.
    Lãnh đạo một công ty BĐS nói rằng, hiện nay nguồn cung BĐS đưa ra khá nhiều, toàn dự án "khủng" khiến các doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt với nhau trong việc thu hút khách hàng, triển khai dự án.
    “Mặc dù Thông tư 36 chưa sửa đổi nhưng các ngân hàng đã bắt đầu thận trọng với các hồ sơ vay vốn, điều kiện xét duyệt cũng khó khăn hơn. Điều này đã làm cho những người có nhu cầu mua nhà phải vay tiền ngân hàng từ bỏ ý định mua nhà. Nếu không có giải pháp tháo gỡ, chắc chắn thị trường BĐS sẽ gặp thêm nhiều khó khăn trong thời gian tới. Bởi hiện doanh nghiệp đang phải chắt móp bán từng sản phẩm, ký được hợp đồng nào là mừng hợp đồng đó, rất khó khăn”, vị này cho hay.

    Đừng phí tiền quảng cáo “thiên thần hương” trên tivi nữa, người Việt không quan tâm đâu

    Theo báo cáo mới nhất của Nielsen về xu hướng sử dụng các sản phẩm chăm sóc nhà cửa/giặt giũ thì tính hiệu quả và yếu tố giá là những yếu tố được người tiêu dùng Việt Nam quan tâm hàng đầu chứ không phải hương thơm khi quyết định mua sản phẩm đối với ngành hàng này.
    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    Gần 9 trong 10 người tiêu dùng nói rằng yếu tố giá (87%) và tính hiệu quả (sạch vết bẩn – 85%) là rất quan trọng đối với họ. Tiếp theo đó là các yếu tố: sản phẩm quen thuộc (đã từng sử dụng) và niềm tin đối với nhãn hàng đó.

    Khoảng 3/4 người Việt cho hay nhãn hiệu tin cậy là yếu tố quan trọng (81%), trong khi đó gần 3/4 (73%) nói rằng sản phẩm quen thuộc là một trong những yếu tố quan trọng họ đang tìm kiếm khi quyết định mua dòng sản phẩm này.

    Báo cáo này cũng chỉ ra rằng người Việt cũng quan tâm đến vấn đề sản phẩm thân thiện với môi trường. 7 trong 10 người Việt (70%) nói rằng họ yêu thích các sản phẩm có thành phần cấu tạo từ các chất hữu cơ/tự nhiên; và hơn 6 trong 10 người (62%) cho biết họ ưu tiên các sản phẩm có bao bì thân thiện với môi trường.

    Yếu tố tiện lợi không nên bị bỏ qua đối với dòng sản phẩm này. Khoảng 3 trong 5 người tiêu dùng nói rằng họ muốn có sản phẩm mà bao bì thuận tiện để cầm/nắm/sử dụng/lưu trữ (61%) và họ cũng đang tìm kiếm các sản phẩm có bao bì phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình họ (58%).

    “Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi về cấu trúc dân số cũng như lối sống của cư dân khu vực Đông Nam Á, mà nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ đô thị hóa ở khắp khu vực.

    “Gần một nửa dân số khu vực đang sống ở các trung tâm đô thị và người tiêu dùng ở đây ngày càng có cuộc sống bận rộn hơn bao giờ hết, nhưng họ vẫn không thể tránh được việc dọn dẹp nhà cửa và giặt giũ quần áo. Và họ đang tìm kiếm những sản phẩm mà có thể giúp họ tiết kiệm thời gian cho những công việc vốn rất mất thời gian này.”, ông Regan Leggett, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Thought Leadership & Foresight, Nielsen khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương nhận định.

    Khảo sát của Nielsen cho thấy tại Việt Nam, 74% người tiêu dùng mua dòng sản phẩm này tại các siêu thị/đại siêu thị trong 12 tháng qua (so với 75% người tiêu dùng ở khu vực lựa chọn kênh mua sắm này) trong khi đó hơn một nửa người tiêu dùng (58%) ở Việt Nam mua các sản phẩm này ở cửa hàng tạp hóa truyền thống trong năm qua. (Bizlive)


    Các sàn thương mại điện tử bắt đầu siết hoạt động bán hàng

    cho dien tu tuyen bo se chuyen tu "mo" sang "quan ly" - anh: h.d

    Chợ Điện Tử tuyên bố sẽ chuyển từ "mở" sang "quản lý" - Ảnh: H.Đ

    Chợ Điện Tử (chodientu.vn) hôm đầu tuần này tổ chức họp báo cho biết hợp tác với đối tác Hàn Quốc để đưa những dòng mỹ phẩm chính hãng từ nước này về bán trên trang của họ.

    Ông Tiêu Võ Đình Phi, Giám đốc Chợ Điện Tử, cho biết định hướng trong năm 2016 sàn này sẽ chuyển từ “mở” sang “quản lý”. Trả lời P.V, ông Phi nói sẽ theo dõi hoạt động bán hàng trên Chợ Điện Tử, đối với các gian hàng bị báo kinh doanh hàng không chất lượng sẽ bị cảnh cáo và có thể bị ngưng không cho bán hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) này.

    Ông Phi cũng cho biết sẽ có hình thức tiền kiểm, nhằm kiểm tra trước các nội dung tin đăng, hình ảnh, chất lượng hàng hóa của các cửa hàng. Ngoài ra, sẽ có các điều kiện ràng buộc nhằm khép người bán vào các quy định để hàng hóa bán chất lượng, đúng nội dung tin đăng. Trường hợp khách hàng mua phải hàng không đúng chất lượng, người bán có thể bị phạt và Chợ Điện Tử sẽ cân nhắc phương án đền bù cho khách hàng.

    Trong sự kiện hôm 12/4, Chợ Điện Tử hợp tác với Saeronnet và CJ Korea Express để đưa mỹ phẩm chính hãng từ Hàn Quốc sang bán trên Chợ Điện Tử. Với tình hình mỹ phẩm bán trên thị trường không rõ nguồn gốc, Chợ Điện Tử hy vọng kênh bán hàng chính hãng của họ sẽ tạo niềm tin cho người dùng mua hàng online. Ngoài việc bán hàng mỹ phẩm, thời gian tới Chợ Điện Tử cho biết họ có thể sẽ nhập các nguồn hàng chất lượng khác từ Hàn Quốc.

    Các loại mỹ phẩm Hàn Quốc bán trong giai đoạn đầu của Chợ Điện Tử sẽ là các thương hiệu The Face Shop, Missha, Snp, Mediheal, Elizaveveca, Guerisson, Too Cool For School, Phyto Tree, Holika…

    Đại diện Saeronet cam kết giá cả bán tại Việt Nam và Hàn Quốc sẽ gần tương đương nhau. Chợ Điện Tử cho biết chỉ bán những hàng hóa bán chạy tại Hàn Quốc.

    Trong các thương hiệu mỹ phẩm Chợ Điện Tử bán, có The Face Shop là thương hiệu đang được bán rộng rãi tại các thành phố lớn. Trả lời câu hỏi vì sao người dùng không mua hàng ở các cửa hàng này mà phải lên Chợ Điện Tử, ông Phi cho biết các cửa hàng này chỉ tiếp cận được đối tượng khách hàng thành phố, trong khi kênh của công ty ông có thể bán cho mọi khách hàng trên toàn quốc, kể cả vùng sâu vùng xa.

    Nói về niềm tin của khách hàng khi mua hàng online, đại diện Saeronnet cho biết thị trường TMĐT Việt Nam chưa phát triển như Hàn Quốc nhưng chắc chắn sẽ phát triển ngày càng tốt, nếu các công ty kinh doanh bán hàng chất lượng thì từ từ sẽ gầy được niềm tin từ người dùng khi mua bán trên mạng.

    Không riêng gì Chợ Điện Tử bắt đầu siết chặt hoạt động bán hàng, đồng thời tự nhập hàng chính hãng để bán cho khách – một cách để kiểm soát chất lượng bán ra. Trước đó, Lazada cho biết bắt đầu ký hợp đồng mới từ đầu tháng này với các gian hàng, thêm các điều khoản ràng buộc để bên bán hàng cung cấp hóa đơn chứng từ rõ ràng về nguồn hàng bán cho khách trên lazada.vn. Lazada cho biết sẵn sàng chấm dứt hợp tác với bất kỳ đối tác nào bán hàng kém chất lượng trên trang của họ. Ngoài ra, công ty cũng cung cấp email trực tiếp của CEO lên trang nhằm nhận các phản hồi trực tiếp từ khách hàng.

    CEO Lazada Alexandre Dardy từng nói đến việc cho phép người dùng đặt mua các nguồn hàng từ các nhà bán hàng uy tín từ Trung Quốc thông qua trang Lazada.vn. Điều này trùng khớp với thông tin mới đây trang thương mại điện tử Alibaba (Trung Quốc) tuyên bố mua lại cổ phần kiểm soát của Lazada toàn khu vực Đông Nam Á. Có thể nguồn hàng từ các nhãn hàng Trung Quốc mà ông Alexandre Dardy nói có được từ sự liên kết này.

    Vấn đề niềm tin người dùng và chất lượng hàng hóa bán online đã được nói đến nhiều. Việc các ông lớn như Lazada hay Chợ Điện Tử bắt đầu thực hiện siết chặt hoạt động bán hàng là cần thiết, nhằm tạo môi trường mua bán lành mạnh trên mạng, giúp nền thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển.


    Thị trường tài chính Nhật sụt giảm mạnh sau tin động đất

    Đồng Yên tăng giá mạnh trở lại khi tâm lý lo lắng của nhà đầu tư tăng cao...
    chi so nikkei 225 dau phien giam 2% nhung sau khi giao dich duoc 2 tieng da giam sau den hon 3% - anh: washington post.

    Chỉ số Nikkei 225 đầu phiên giảm 2% nhưng sau khi giao dịch được 2 tiếng đã giảm sâu đến hơn 3% - Ảnh: Washington Post.

    Thị trường tài chính Nhật trong ngày giao dịch đầu tiên sau 2 trận động đất liên tiếp sụt giảm mạnh nhất trong nhiều tháng, theo những cập nhật mới nhất từ Bloomberg.
    Trong chỉ 3 ngày từ thứ Năm cho đến thứ Bảy tuần vừa qua, Nhật đã hứng chịu hai trận động đất có cường độ và sức phá hủy mạnh nhất tính từ tháng 3/2011.
    Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ tính riêng tại tỉnh Kumamoto đã có 42 người chết, 202 người bị thương nặng, 838 người bị thương tích nhẹ và hơn 110 nghìn người đã phải đi sơ tán. Số liệu về thiệt hại của các tỉnh xung quanh chưa được công bố đầy đủ.
    Phiên giao dịch sáng ngày hôm nay trên thị trường chứng khoán Nhật, chỉ số Topix mở phiên lập tức giảm đến 3,5%, cổ phiếu Toyota giảm 6,8%. Tập đoàn sản xuất ôtô hàng đầu nước Nhật này có nhiều nhà máy ở khu vực miền Nam.
    Chỉ số Nikkei 225 đầu phiên giảm 2% nhưng sau khi giao dịch được 2 tiếng đã giảm sâu đến hơn 3%.
    Trong khi đó, đồng Yên tăng 0,9% và hiện đang giao dịch với đồng USD ở mức 10,7,87 Yên/USD. Đồng Yên cũng tăng giá so với đồng Euro và đồng bảng Anh. Giới đầu tư dự báo chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật sẽ sớm phải đưa ra biện pháp kích thích kinh tế trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại.
    Cuối tuần qua, phát biểu trên kênh truyền hình NHK, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết ông đã yêu cầu tất cả các cơ quan liên quan phải đảm bảo đảm bảo cung cấp đủ nước, thức ăn và thuốc men cho những nạn nhân của động đất Kyushu.
    Tại tỉnh Kumamoto trên đảo Kyushu, hàng trăm người hiện đang tạm trú ẩn trong văn phòng làm việc của thành phố. Nhiều người cho biết họ đã không ngủ được trong suốt những ngày qua.
    Tính toán của một số chuyên gia cho thấy lợi nhuận hoạt động của Toyota trong quý 2/2016 có thể giảm khoảng 30 tỷ Yên tương đương 277 triệu USD bởi hoạt động tại nhà máy sản xuất phụ tùng ở khu vực miền Nam bị tàn phá bởi động đất.
    Hoạt động sản xuất của các nhà máy Toyota trên đảo Kyushu đã bị ngưng lại hoàn toàn từ sau trận động đất vào ngày thứ Năm tuần trước (ngày 14/4).
    Cho đến nay, chưa có thông tin nào cho thấy các nhà máy điện hạt nhân trên đảo Kyushu bị động đất phá hủy. Nhà máy hiện đang vẫn tiếp tục hoạt động.
    Sau trận động đất, sân bay Kumamoto đã đóng cửa, tất cả các chuyến bay nội địa và quốc tế bị hủy. Hiện vẫn còn hàng chục nghìn người Kumamoto đang phải sống trong cảnh không có điện, nước.
    Một số hãng xe khác bao gồm Honda và Nissan cũng đã phải ngừng hoạt động sản xuất tại các nhà máy trên đảo Kyushu.
    Ngoài ra, tập đoàn Fujifilm và Nippon Steel & Sumitomo Metal Corp cũng đã tạm thời dừng sản xuất tại nhà máy trên tỉnh Oita trên đảo Kyushu để kiểm tra an ninh.

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn