TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 19-04-2016

    Ôtô Thái Lan ùn ùn nhập vào Việt Nam

    oto thai lan un un nhap vao viet nam

    Ôtô Thái Lan ùn ùn nhập vào Việt Nam

     Lần đầu tiên lượng ôtô nhập khẩu từ Thái Lan tăng mạnh, vượt Hàn Quốc, Trung Quốc - những thị trường chính cung cấp ôtô cho Việt Nam trong suốt hàng chục năm qua. 

    Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý 1-2016, Thái Lan trở thành thị trường dẫn đầu cung cấp ôtô cho Việt Nam với hơn 7.800 chiếc, tăng tới 64,5% so với cùng kỳ năm trước.

    Trái lại, lượng xe nhập từ Hàn Quốc là 3.560 chiếc, Trung Quốc là 2.260 chiếc, giảm mạnh lần lượt 41% và 58% so với quý 1-2015.

    Một trong những lý do khiến lượng ôtô từ Thái Lan được nhập về Việt Nam tăng mạnh, theo Bộ Tài chính, là do chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Mặt khác, giá cả xe nhập từ Thái cũng cạnh tranh nên mới vượt qua Hàn Quốc, Trung Quốc.  

    Cũng theo Bộ Tài chính, từ năm 2016, thuế nhập khẩu ôtô trong nội khối ASEAN giảm từ 50% xuống còn 40%, và đến năm 2017 còn 30%, từ năm 2018 còn 0%. Do vậy, lượng xe nhập từ khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia… tăng mạnh nhằm hưởng ưu đãi thuế.

    Cũng theo Tổng cục Hải quan, cả nước nhập khẩu hơn 19.700 ôtô, giảm 16,8% so với quý 1 năm ngoái. Hầu hết các loại xe nhập khẩu đều giảm, trừ ôtô tải.

    Cụ thể, lượng xe tải nhập khẩu là 9.860 chiếc, tăng 16%; ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống là gần 6.900 chiếc, giảm 37,6%; ôtô loại khác là hơn 3.000 chiếc, giảm 45,6%.


    Đại lý thép thua lỗ tiền tỷ vì đầu cơ

    Sau khi một số nhà sản xuất thép lớn cam kết không tăng giá, thép xây dựng trên thị trường đã dần hạ nhiệt. 

    Sau khi Bộ Công Thương quyết định áp thuế tự vệ thương mại tạm thời với phôi thép và thép xây dựng, giá thép đã bị đẩy lên cao do tình trạng đầu cơ ở khâu trung gian. Tuy nhiên, sau khi một số nhà sản xuất thép lớn cam kết sẽ không tăng giá, các đại lý đã buộc phải giảm giá bán.Hiện tại, giá thép bán lẻ trên thị trường đã về mức 11.000-11.500 đồng một kg tùy loại và thương hiệu, thấp hơn 15% so với thời điểm cuối tháng 3. Diễn biến này khiến nhiều nơi "ôm" hàng với mục tiêu đầu cơ chờ giá lên bị thua lỗ nặng. Mức phổ biến từ khoảng trăm triệu đồng với các đại lý cấp ba tới hàng tỷ đồng với các đại lý cấp một.

    nhieu dai ly thep thua lo tu hang tram trieu den tien ty do "om" thep thoi diem gia cao. anh: dau tu

    Nhiều đại lý thép thua lỗ từ hàng trăm triệu đến tiền tỷ do "ôm" thép thời điểm giá cao. Ảnh: Đầu tư

    Phổ biến nhất là các đại lý cấp hai, "ôm" hàng khi giá thép tăng cao, với kỳ vọng giá thép sẽ tiếp tục tăng nữa. Một cửa hàng tại thị trấn Phùng, Hà Nội đã gom một khối lượng hàng khá lớn lúc giá thép là 12,5 triệu đồng một tấn, nhưng giờ bán ra chỉ 11-11,3 triệu đồng.

    Theo chủ đại lý thép Yến Vinh (Hưng Yên) cho biết giá bán đã giảm khoảng một triệu đồng mỗi tấn so với hồi cuối tháng 3, nên cơ sở này bị lỗ khoảng 100 triệu đồng với lô hàng xấp xỉ 100 tấn nhập từ trước. Chủ cửa hàng này cho biết, sức mua của dân rất ít, hầu hết các cửa hàng, đại lý thép dọc đường từ Phố Nối đến Khoái Châu đều ít nhiều bị thua lỗ, do giá bán thép giảm nhiều so với khi lấy hàng cách đây 15-20 ngày.

    Tại Hải Dương, chủ cửa hàng bán lẻ thép và xi măng Chiến Nhung cũng chia sẻ, lượng hàng tồn trong cửa hàng lúc nào cũng từ vài chục đến hàng trăm tấn, mà giá giảm 10-15% so với cách đây chỉ nửa tháng, khiến cửa hàng tính sơ cũng lỗ gần trăm triệu đồng.

    Các cửa hàng cấp dưới cũng trở thành nạn nhân khi các đại lý cấp một đầu cơ găm hàng để kiếm lợi. Trước Tết, nhiều nơi phân phối cấp hai của các nhà sản xuất thép đã nhận đặt hàng của dân ở mức giá trên dưới 10.000 đồng mỗi kg, với khối lượng khoảng 100-200 tấn, hoặc 300-400 tấn với cơ sở lớn hơn. Tuy nhiên, sau Tết, khi các đại lý cấp một của các nhà sản xuất thép biết thông tin về việc Bộ Công thương áp thuế tự vệ tạm thời, nên họ đã đầu cơ, không cấp hàng cho hệ thống, cộng thêm năng lực cung ứng kém của một số nhà sản xuất, khiến thị trường xảy ra cơn sốt tăng cầu ảo.

    Dù giá cao, nhưng các đại lý cấp dưới vẫn phải chấp nhận lỗ, nhập hàng về để trả cho các đơn hàng đặt từ trước, tính ra lỗ tới 2 triệu đồng một tấn thép. 

    Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty SMC chuyên phân phối thép tại TP HCM cho rằng, giá thép bị đẩy lên cao một phần do hệ thống phân phối có vấn đề, từ đó ảnh hưởng đến người tiêu dùng, nhất là trên thị trường bán lẻ.

    Theo ông Nguyễn Văn Sưa - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tháng 3 là thời điểm nhu cầu thép tăng cao theo thông lệ hàng năm, các dự án khởi động lại sau thời gian nghỉ Tết dài, nhưng tâm lý muốn gom hàng sau quyết định áp thuế tự vệ tạm thời của Bộ Công Thương (ngày 7/3) cũng góp phần đẩy giá thép tăng cao trong quý I.

    Dù giá thép tăng mạnh trong quý I, nhưng tính đến cuối tháng 3, theo VSA, lượng thép tồn kho vẫn còn khoảng 325.000 tấn. Thị trường sẽ có thêm nguồn cung khoảng một triệu tấn thép từ một loạt dự án mới được đưa vào vận hành trong năm nay.

    “Điều này cho thấy, các doanh nghiệp hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, nên các đại lý, nhà phân phối không việc gì phải lo ôm hàng tích trữ thép”, ông Sưa nhấn mạnh.


    Thủ tướng nêu bốn nhiệm vụ lớn để phát triển Quảng Trị

    Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Quảng Trị ngày 17-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bốn nhiệm vụ lớn về định hướng phát triển trong thời gian tới của Quảng Trị.

    Thứ nhất, tỉnh cần quan tâm phát triển liên kết vùng. Thứ hai, tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thứ ba, Quảng Trị cần có nguồn nhân lực tốt, nâng cao năng suất lao động. Thứ tư, tỉnh cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường.

    Cho rằng Quảng Trị vẫn là một trong bốn tỉnh chậm phát triển hơn các địa phương khác, Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục nghiên cứu danh mục các dự án trọng điểm của Quảng Trị để xem xét, lựa chọn đầu tư. Thủ tướng cũng đã chỉ ra một số định hướng phát triển du lịch tại Quảng Trị. Đó là phải phát triển thương hiệu du lịch; phải có cơ chế, chính sách tốt và huy động cộng đồng cùng làm du lịch.

    Tại hội nghị, tỉnh Quảng Trị đã giới thiệu với các nhà đầu tư 17 dự án trọng điểm. Trong đó, chú trọng đến một số dự án mang tính động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh như dự án nhà máy nhiệt điện công suất 1.200 MW với tổng mức đầu tư 1,5 tỉ USD. UBND tỉnh cũng đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 15 dự án với tổng vốn đăng ký là hơn 4.600 tỉ đồng.


    Hơn 8.000ha tôm thiệt hại do độ mặn cao

     Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, tình hình nắng hạn tiếp tục kéo dài, nước bốc hơi nhanh làm độ mặn tăng cao ở các khu vực ven biển khiến từ đầu năm đến nay đã có hơn 8.000ha tôm bị thiệt hại.

    Kết quả quan trắc mới đây của Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho thấy các khu vực ven biển vùng U Minh Thượng (giáp ranh tỉnh Cà Mau) và vùng tứ giác Long Xuyên độ mặn có nơi lên đến 30%, ảnh hưởng xấu đến tôm nuôi.

    Do đó, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang khuyến cáo người dân ngưng thả giống nuôi mới tại các khu vực có độ mặn cao vượt mức 25‰, nhất là các vùng ven biển thuộc hai huyện An Minh, An Biên, để chờ thời điểm thuận lợi hơn.

    Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết đến nay toàn tỉnh đã thả nuôi tôm giống trên diện tích 100.933ha, trong đó có gần 800ha tôm công nghiệp. Sản lượng thu hoạch trong tháng ước đạt 8.500 tấn, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2015.


    Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm theo giá dầu

    Cuộc họp giữa các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới diễn ra tại Doha vào ngày 17-4 thất bại đã phủ bóng đen lên chứng khoán châu Á ngày đầu tuần.

    Việc không thể đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng giữa các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới đã kéo giá cổ phiếu các công ty ngành năng lượng khổng lồ rớt mạnh và ảnh hưởng lên biến động thị trường chứng khoán khu vực.

    Trong sáng thứ 2, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản dẫn đầu mức giảm toàn thị trường châu Á khi giảm lên đến 3%.

    Thị trường chứng khoán nước này còn bị tác động bởi cuộc động đất mạnh thứ hai cuối tuần qua, trong khi đồng Yên Nhật tăng giá mạnh trước tâm lý tìm kiếm tài sản an toàn của nhà đầu tư.

    Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,47%, tại Úc, ASX 200 cũng giảm 0,22% và Hang Seng của Hong Kong giảm 1,01%. Thị trường chứng khoán Trung Quốc có mức giảm sâu hơn với Shanghai composite giảm đến 1,28% và Shenzhen composite giảm 1,34%.

    Các nhà phân tích cũng đã bắt đầu nghĩ về một sự khởi đầu tuần mới không mấy lạc quan của thị trường chứng khoán châu Á tuần này. Giá dầu giảm cũng ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh tế của những quốc gia đang phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ ở châu Á như Malaysia, Indonesia…  

    Chứng khoán VN vẫn đang trong kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, VN-Index tăng 0,37 điểm (0,06%), lên 579,86 điểm, sau khi có lúc lên tận 586,36 điểm, trong khi đó, HNX Index giảm 0,02 điểm xuống 80,26 điểm.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn