TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 19-04-2016

    Vốn ngoại đổ vào thực phẩm sạch

    13 doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn Canada vừa sang Việt Nam để tìm hiểu sâu hơn các cơ hội giao thương. 

    Trong bối cảnh người tiêu dùng Việt Nam quan ngại với các loại thực phẩm kém an toàn, nhiều doanh nghiệp nước ngoài lại coi đây là cơ hội đầu tư, kinh doanh đầy tiềm năng. Vừa qua, 13 doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn Canada đã sang Việt Nam để tìm hiểu sâu hơn các cơ hội giao thương. “Xuất khẩu thịt lợn Canada sang Việt Nam năm 2015 đã tăng 230%, đầy ấn tượng. Điều đó cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường đối với các sản phẩm thịt lợn của Canada và cũng minh chứng cho việc người tiêu dùng Việt Nam đặt niềm tin vào chất lượng và sự an toàn của sản phẩm này”, Đại sứ Canada tại Việt Nam - David Devine phát biểu.

    ngay cang co nhieu doanh nghiep den viet nam de tim hieu ve co hoi giao thuong voi cac doi tac trong linh vuc thuc pham. anh: dau tu

    Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đến Việt Nam để tìm hiểu về cơ hội giao thương với các đối tác trong lĩnh vực thực phẩm. Ảnh: Đầu tư

    Ông David Lennarz, Phó chủ tịch Tập đoàn Registrar Corp (Mỹ, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp tuân thủ các quy định của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ - USFDA) cho biết, rất nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư vào ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam thông qua các dự án sản xuất thực phẩm sạch.

    “Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang có xu hướng chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc - nơi chi phí sản xuất và lao động đang tăng mạnh - sang các thị trường phía Nam, trong đó có Việt Nam - nơi có rất nhiều tiềm năng trong việc sản xuất thực phẩm”, ông Lennarz nói.

    Trên thực tế, Registrar Corp đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 2005. Hiện đơn vị này đã hợp tác với khoảng 400 doanh nghiệp Việt. Các doanh nghiệp cũng đang hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ để sản xuất các loại sản phẩm thực phẩm chất lượng cao tại Việt Nam, được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Mỹ.

    Trong một diễn biến tương tự, theo một số nguồn tin, dù thất bại trong việc mua lại 14% cổ phần chiến lược tại Công ty Vissan, nhưng Công ty CJ Cheil Jedang (Hàn Quốc) cho biết dự kiến sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Việt Nam thông qua đầu tư trực tiếp, hoặc mua lại một số công ty thực phẩm.

    Việc đầu tư thêm sẽ nâng tổng số vốn đầu tư của công ty này lên 900 triệu USD, với mục tiêu biến Việt Nam là trung tâm sản xuất lớn thứ 2 (sau Trung Quốc) tại nước ngoài của CJ Cheil Jedang. Hiện nay, CJ Cheil Jedang đã có một trang trại, 4 nhà máy chế biến và một điểm bán lẻ tại Việt Nam.

    Ngoài ra, Tập đoàn Techna (Pháp) - chuyên sản xuất và cung cấp các loại chất dinh dưỡng cho vật nuôi và cây trồng - cũng đang coi Việt Nam là thị trường chiến lược để mở rộng kinh doanh tại ASEAN. Tập đoàn này đã thành lập Công ty Techna Nutrition Việt Nam vào năm 2012 và dự kiến sẽ xây nhà máy tại đây vào năm 2018. Hiện nay, tất cả các sản phẩm của Techna tại Việt Nam đều được nhập khẩu trực tiếp từ Pháp.

    Trong chiến lược kinh doanh của mình, Techna cho rằng, việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi đang làm giảm sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi gia cầm và lợn của Việt Nam. Do vậy, Tập đoàn này cũng đang đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm an toàn, giúp nông dân cải thiện chất lượng chăn nuôi và bớt phụ thuộc vào các chất kháng sinh.

    Trao đổi về làn sóng các doanh nghiệp ngoại đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm sạch tại Việt Nam, ông Nguyễn Vũ Lộc - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (Cần Thơ) cho rằng, trong khi Việt Nam tràn ngập thực phẩm chất lượng kém, thì nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài đã và đang chớp cơ hội này để đầu tư các dự án chuỗi thực phẩm sạch tại Việt Nam.

    Theo ông Lộc, Việt Nam có dân số hơn 93 triệu người, với nhu cầu về thực phẩm an toàn ngày càng tăng, cũng như thu nhập ngày càng được cải thiện. “Điều này giúp các doanh nghiệp nước ngoài củng cố niềm tin rằng, họ sẽ rất thành công tại thị trường Việt Nam”, ông Lộc nói.


    Lo ngại bẫy giá cá tra ảo từ thương lái Trung Quốc

    Giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ... có xu hướng tăng mạnh do thương lái Trung Quốc tập trung thu mua, song theo các chuyên gia đây có thể chỉ là bẫy giá ảo.

    Hiện giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ được ghi nhận đã tăng mạnh từ khoảng 19.000 đồng/kg lên 22.500 đồng/kg nhưng vẫn không đủ cung cấp. Nguyên nhân được xác định là do thương lái Trung Quốc tập trung thu mua mạnh. Điều này đang khiến các nhà máy tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.

    Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ - Nguyễn Minh Toại cho rằng, việc giá cá tra tăng mạnh là tín hiệu vui và là cơ hội tốt cho người nuôi trồng thủy sản. Hình thức mua cá tra của thương lái Trung Quốc là xẻ cá ra cắt khúc hoặc để nguyên con để bán. Nếu trường hợp nào bán đạt được yêu cầu tiêu thụ hàng hóa cho bà con nông dân, người dân đảm bảo có hiệu quả thì Sở ủng hộ. Tuy nhiên, đơn vị sẽ tập trung giám sát việc mua bán có yếu tố nước ngoài.

    Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá cá tra tăng mạnh là tín hiệu tích cực. Song hiệp hội cũng khuyến cáo người nuôi cá và các công ty chế biến xuất khẩu cẩn thận để tránh bẫy “giá ảo” khi thương lái Trung Quốc thu mua với giá cao.


    Eximbank lao đao vì “thông tin không tốt”

    Cán bộ nhân viên ngân hàng hoang mang trong khi các kết quả hoạt động kinh doanh chủ yếu của ngân hàng như huy động, cho vay và phát triển khách hàng đều bị ảnh hưởng lớn. 
    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    Ngày 29/4 tới đây, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016.
    Theo tài liệu họp mới được ngân hàng công bố, năm 2015, tổng tài sản của ngân hàng đạt 124.850 tỷ đồng, giảm 22% so với cuối năm 2014. Huy động vốn cũng giảm 3% xuống 98.431 tỷ đồng, tổng dư nợ cấp tín dụng giảm 1,8% xuống 96.188 tỷ đồng, trong đó, tổng dư nợ cho vay đạt 84.760 tỷ đồng, giảm 2,7% so với 2014.
    Nợ xấu đến cuối 2015 của Eximbank là 1.575 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,86% trên tổng dư nợ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất sau khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 61 tỷ đồng, giảm 83% so với năm trước, đạt 6% kế hoạch năm.
    Cũng theo báo cáo, trong năm 2015, tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn của ngân hàng là 48,79%, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi đạt 78,65%, hệ số an toàn vốn CAR đạt 16,52%.
    Ngân hàng cho biết, do khoản lỗ lũy kế được hạch toán hồi tố cho năm 2014 liên quan đến điều chỉnh lợi nhuận từ năm 2010-2013, Eximbank cần giữ lại lợi nhuận còn lại cho đến khi hết lỗ lũy kế và sẽ không chia cổ tức năm 2015.
    Cũng theo Eximbank, trong năm qua, có khá nhiều thông tin không tốt tạo nên những làn sóng dư luận bất lợi cho hình ảnh ngân hàng và cũng gây nên một số hoang mang cho cán bộ nhân viên Eximbank. Do vậy, các kết quả hoạt động kinh doanh chủ yếu của ngân hàng như huy động, cho vay và phát triển khách hàng đều bị ảnh hưởng lớn. 
    Đồng thời, nợ xấu của Eximbank gia tăng nên đã bán nợ 2.000 tỷ đồng cho VAMC và trích lập dự phòng rủi ro cao.
    Ngoài ra, Eximbank cho biết HĐQT mới cũng phải tập trung xử lý những tồn đọng cũ như điều chỉnh lợi nhuận từ những năm 2010-2013 mà chưa ghi nhận cho đến thời điểm 31/12/2015, dẫn đến điều chỉnh hồi tố lợi nhuận chưa phân phối lũy kế tại cuối năm 2014 và khoản lỗ lũy kế đến cuối 2015 là 817,5 tỷ đồng. Những việc tồn đọng này vẫn cần tiếp tục xử lý sang năm 2016.
    Trong năm 2015, đã có 4 đợt kiểm toán ngân hàng theo yêu cầu của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng NHNN Việt Nam về việc kiểm toán tình hình cho vay các dự án giao thông (BOT); thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức tín dụng là CTCP; triển khai khuyến nghị kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ báo cáo cho Cơ quan thanh tra các vi phạm nghiêm trọng và rủi ro cao xảy ra tại các TCTD; thực hiện một số nội dung theo kết quả kiểm toán chất lượng tín dụng của Công ty kiểm toán độc lập E&Y.
    Kết quả các đợt kiểm toán cho thấy, số tồn tại, sai sót đến nay chưa khắc phục từ năm 2014 trở về trước còn khoảng 17% và của năm 2015 là 52% trong tổng số sai sót được phát hiện. 
    Trong đó, các sai sót tồn đọng từ năm 2014 trở về trước liên quan đến khách hàng quá hạn, đang trong giai đoạn khởi kiện, thi hành án, hoặc đã xử lý tài sản cấn trừ, bán nợ cho VAMC, những sai sót này theo Eximbank là khó hoặc cần thời gian dài để khắc phục. Còn các sai sót chưa khắc phục của năm 2015 đang được các chi nhánh khắc phục chỉnh sửa.
    Bên cạnh đó, Eximbank cũng còn một số chỉ tiêu chưa tuân thủ quy định tại Thông tư 36 gồm đầu tư 9,16% vốn vào Sacombank (quy định tối đa 5%) và tỷ lệ dư nợ cho vay chứng khoán trên tổng dư nợ 6,86% (quy định tối đa 5%).
    Kế hoạch kinh doanh năm 2016 của Eximbank  
    Về kế hoạch kinh doanh năm 2016, Eximbank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 142.500 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2015. Các chỉ tiêu huy động vốn và tổng dư nợ cấp tín dụng lần lượt tăng 15% và 10% lên 113.500 tỷ và 105.805 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng dự kiến đạt 720 tỷ đồng.

    Trung Quốc tăng giá nhân dân tệ mạnh nhất tháng Tư

    Trung Quốc ấn định tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ ở mức 6.4787 CNY/USD, tương ứng mức tăng 0,18% giá trị của Nhân dân tệ.
    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    Ngày 18/4, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ấn định tỷ giá tham chiếu của đồngnhân dân tệ ở mức 6.4787CNY/USD, tương ứng mức tăng 0,18% của Nhân dân tệ so với phiên trước. Đây là mức tăng mạnh nhất một ngày kể từ đầu tháng Tư.

    Số liệu của PBoC cho thấy tài chính tổng hợp, một thước đo tăng trưởng tín dụng trong ngành ngân hàng, đạt tổng cộng là 2.340 tỷ nhân dân tệ, tương đương 361 tỷ USD, trong tháng Ba. Đây được xem làm mức tăng các khoản vay tài chính đột ngột.  


    Các ngân hàng “tranh” bán USD cho NHNN

    Trong tuần qua, giá mua USD của các ngân hàng (NH) giảm về mức 22.240 đồng/USD vào những ngày đầu tuần, tăng trở lại lên mức 22.270 đồng/USD vào giữa tuần, sau đó giảm nhẹ về mức 22.260 đồng/USD vào cuối tuần.
    anh minh hoa.

    Ảnh minh họa.

    Theo trưởng phòng kinh doanh ngoại tệ của một NH cổ phần, giá USD gần đây phản ánh sự tranh bán USD cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) của phía NH thương mại. Nhưng giá USD khó có thể giảm sâu quá mức giá mua của Sở Giao dịch NHNN là 22.300 đồng/USD bởi khi đó, các NH sẽ có tình trạng tranh mua USD trên thị trường bán lại cho phía NHNN dẫn đến giá mua USD của NH tăng lại. Những ngày gần đây, trung bình NH bán lại cho phía NHNN khoảng 100 triệu USD/ngày. Nguồn USD mà các NH mua trên thị trường đến từ các doanh nghiệp xuất khẩu và từ khách hàng cá nhân.
    Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết theo thống kê mới nhất, lượng khách hàng gửi USD trước đây bán lại USD cho NH để chuyển sang gửi tiết kiệm tiền đồng tăng từ mức 66% của tháng trước lên 72% hiện nay. Cả huy động và cho vay USD hiện nay đều giảm nhanh, trong đó cho vay USD giảm nhanh hơn so với huy động.

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn