TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh tối 25-01-2016

    Văn phòng hạng A có thể tăng giá thuê 14%

    Các tòa tháp nằm ở trung tâm TP HCM chỉ còn 5% diện tích trống đang rục rịch nâng mức thuê mới có thể khiến giá văn phòng chất lượng cao tăng 7-14% trong năm 2016 do khan hiếm nguồn cung, theo CBRE Việt Nam.

    Báo cáo của đơn vị tư vấn này, thị trường văn phòng tại khu trung tâm Sài Gòn lần đầu tiên xuất hiện giao dịch mặt bằng trên 2.000 m2 tại một cao ốc mới tọa lạc tại quận 1. Cuối quý IV/2015 đã xuất hiện xu hướng các chủ tòa nhà hiện hữu tăng giá thuê và để dành các diện tích còn trống cho khách thuê có ngân sách tốt hơn, khả năng chi trả nhiều hơn.Các dấu hiệu tích cực như dòng vốn FDI mạnh, tốc độ tăng GDP ổn định, hiệp định TPP được thông qua và sự hình thành của công đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã kích cầu tốt cho thị trường văn phòng, khiến cho các chủ tòa nhà có động thái nâng giá thuê. Hiện ngân hàng, kho vận, bảo hiểm là 3 ngành nghề có mức thuê mặt bằng văn phòng rất cao tại TP HCM.

    cac cao oc hang a tai tp hcm con vai phan tram dien tich trong dang len ke hoach tang gia thue. anh: vu le

    Các cao ốc hạng A tại TP HCM còn vài phần trăm diện tích trống đang lên kế hoạch tăng giá thuê. Ảnh: Vũ Lê

    Cuối năm 2016 thị trường có thể đón thêm nguồn cung từ một cao ốc hạng A, vị trí đắc địa tại quận 1 có diện tích một sàn lớn, nhiều loại từ 1.500 m2 đến 2.500 m2 đi vào hoạt động. Từ năm 2017 trở đi nguồn cung chất lượng mới có thể ghi nhận thêm 70.000 m2 sàn. 

    Trong khi đó báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam ghi nhận thị trường văn phòng cho thuê TP HCM đang hoạt động tốt nhất trong 4 năm trở lại đây. 3 tháng cuối cùng của năm 2015 công suất bình quân của các cao ốc vươn lên 94%, giá thuê bình quân tăng 3%.

    Tổng lượng tiêu thụ văn phòng trên toàn thành phố đạt 60.000 m2 sàn, tăng 264% so với 12 tháng qua. Đơn vị này cũng dự báo nhu cầu văn phòng sẽ tăng theo sự tăng trưởng GDP và FDI, đặc biệt với Luật Bất động sản sửa đổi và các hiệp định thương mại.


    Đại biểu WEF lạc quan về kinh tế thế giới

    Kinh tế toàn cầu đang đối mặt với hàng loạt rủi ro, nhưng điều đó không có nghĩa đã hết hy vọng, các lãnh đạo tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Thụy Sĩ nhận định.

    Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, Mỹ nâng lãi suất, giá dầu thô lao dốc và các thị trường mới nổi biến động liên tục có thể đẩy cả thế giới vào một giai đoạn hỗn độn đầy đau đớn. Tuy vậy, các lãnh đạo tại WEF cho rằng nếu được kiểm soát tốt, những sự kiện đáng sợ này vẫn có thể đưa cả thế giới quay về tình trạng bình thường.  
    Kinh tế toàn cầu hiện tốt hơn nhiều so với thời điểm tiền khủng hoảng 2008. Rất nhiều nước mới nổi - động cơ hiện tại của tăng trưởng toàn cầu, đã giảm nợ nước ngoài. Vì thế, họ sẽ ít bị ảnh hưởng vì lãi suất Mỹ tăng hơn trước đây.

    Hệ thống tài chính cũng mạnh hơn. "Chúng ta từng trải qua thời kỳ bảng cân đối kế toán phình ra quá lớn, vay nợ quá nhiều, tâm lý bầy đàn mạnh. Giờ chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua những thách thức này",  Tidjane Thiam - CEO Credit Suisse cho biết tại Davos (Thụy Sĩ).

    the gioi dang phai doi mat voi rat nhieu thach thuc kinh te. anh: european sting

    Thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức kinh tế. Ảnh: European Sting

    Bên cạnh đó, dù khiến nhiều nước lao đao, giá dầu và các hàng hóa khác giảm lại đang hỗ trợ tăng trưởng cho Ấn Độ, Trung Quốc và châu Âu. Người tiêu dùng hào hứng vì giá thấp, khiến nhu cầu tăng lên. Điều này cũng có nghĩa tầng lớp trung lưu toàn cầu cũng nhiều lên. Mà đây chính là tín hiệu tốt cho nền kinh tế.

    Trung Quốc tăng trưởng chậm lại cũng sẽ giúp nước này bền vững hơn. "Trung Quốc chậm lại có kiểm soát. Và đó là điều tích cực", Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - bà  International Monetary Fund cho biết tại Davos.

    Lo ngại về tình hình tại Trung Quốc đã khiến chứng khoán thế giới lao đao suốt từ đầu năm. Tuy nhiên, bà Lagarde cho rằng Trung Quốc chỉ cần minh bạch hơn một chút là có thể giải quyết được vấn đề này. Nhà đầu tư lo lắng chẳng qua là vì họ không biết Trung Quốc đang làm gì và không dám tin vào các số liệu chính thức. 

    Trung Quốc nên học tập Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Cơ quan này đã thông báo về việc tăng lãi suất từ cả năm trước. Vì vậy, khi nâng lãi suất thực sự vào cuối năm ngoái, các thị trường không ngạc nhiên và biến động nhiều.

    Tuy động thái của FED trái ngược với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), khi ECB tuyên bố sẵn sàng tăng kích thích kinh tế, chúng đều là điều tốt cho kinh tế toàn cầu.

    "Nếu cả FED, Ngân hàng Trung ương Anh, ECB và Nhật Bản đều ngừng nới lỏng cùng một thời điểm, đó mới là điều tồi tệ", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - Haruhiko Kuroda nhận xét.  

    Tình hình địa chính trị là điều khiến các đại biểu tại Davos lo ngại nhất. Căng thẳng tại Trung Đông đang tăng. Mối lo khủng bố cũng một lần nữa dấy lên, sau các vụ tấn công tại Paris, Lebanon, Ai Cập và nhiều nước khác.

    Thông điệp từ Davos năm nay là hãy cứ lạc quan, nhưng phải thận trọng. Rủi ro vẫn còn lớn và không có chỗ cho sai lầm. Châu Âu đang ở thời điểm bước ngoặt, khi phải giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất 70 năm và khả năng Anh rời EU.

    Bên cạnh đó, lãi suất tại hầu hết nước phát triển rất thấp hoặc thậm chí âm, thế giới vẫn dựa nhiều vào nguồn vốn giá rẻ và các chính trị gia cần tăng tốc cải tổ cấu trúc. Họ không còn nhiều thời gian để xử lý những nguy cơ này nữa.


    Giá gạo tăng lại nhờ hợp đồng xuất khẩu sang Indonesia

    Sáng 24-1, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) với nhiều nhóm hàng biến động mạnh vào tháng tết. Do xuất khẩu gạo tăng và nhu cầu tích trữ, mua sắm tăng nên nhiều mặt hàng tăng giá.

    Tuy nhiên, giá dầu giảm mạnh khiến CPI không tăng.

    Cụ thể, chỉ số giá nhóm lương thực đã tăng 0,48% một phần do tác động tích cực từ việc Việt Nam giành được các hợp đồng xuất khẩu gạo cho Indonesia trong những tháng cuối năm 2015 và việc giao hàng được thực hiện từ tháng 10-2015 đến hết quý 1-2016.

    Bên cạnh đó, chính phủ Indonesia có kế hoạch mua thêm 350.000 tấn gạo ngay trong quý 1-2016, cơ quan Lương thực quốc gia Philippines cũng cho biết đã có kế hoạch mua thêm gạo từ Việt Nam và Thái Lan trong năm 2016 để đảm bảo nguồn cung lương thực.

    Hiện các thương lái đã tiến hành thu gom khiến thị trường lúa, gạo của Việt Nam sôi động, làm giá gạo nhích lên, đẩy chỉ số giá lương thực đã tăng nhẹ.

    Theo Tổng cục Thống kê, do là tháng tết nên một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt gia cầm tươi sống tăng 0,53%, thịt chế biến tăng 0,25%, thủy sản tươi sống tăng 0,65%. Giá quần áo, giày dép cũng tăng làm chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,37%...

    Đặc biệt, thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015 nên một số tỉnh đã tăng học phí các cấp làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,89%.

    Tuy nhiên, giá xăng dầu giảm mạnh đã trung hòa hoàn toàn việc tăng giá. Cụ thể, các doanh nghiệp gas đã giảm giá từ ngày 1-1-2016, giảm 31.000 đồng/bình 12kg do giá gas thế giới giảm.

    Đặc biệt, giá xăng giảm 760 đồng/lít, dầu diezen giảm 2.120 đồng/lít dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm tới 6,44% so với tháng trước góp phần giảm CPI chung khoảng 0,27%.

    Giá sắt thép xây dựng giảm do nguồn cung tăng và nhu cầu thấp, giá dịch vụ giao thông công cộng cũng giảm 0,35% do một số doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá cước xe khách và taxi… khiến CPI cả nước tháng 1-2016 không tăng, đứng mức 0%.


    Hàng lậu ngập vùng biên (*): Chặn bắt không xuể

    Muốn ngăn chặn triệt để hàng lậu vận chuyển qua vô số đường mòn, lối mở ở vùng biên giới, lực lượng chức năng chỉ có cách… giăng hàng ngang, tạo thành “hàng rào người” canh giữ. Song, đường biên giới rất dài, rừng núi thì mênh mông, người đâu cho xuể!

    Sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng đã giúp tình hình buôn lậu tại một số vùng biên giới có giảm so với dịp Tết 2015. Tuy nhiên, với siêu lợi nhuận từ buôn bán hàng lậu, các đầu nậu cũng như cánh cửu vạn vẫn tìm đủ mọi thủ đoạn lọt qua phòng tuyến ngăn chặn để tuồn hàng về Việt Nam tiêu thụ.

    “Bạn đồng hành” của dân buôn lậu

    Địa hình rừng núi hiểm trở với hàng loạt đường mòn, lối mở ở vùng biên giới lâu nay được xem như “bạn đồng hành” của dân buôn lậu. Ông Nguyễn Công Tuân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn - cho biết tại các khu vực như đường mòn 05, 06, 386, Gốc Nhãn, Gốc Bưởi, Hang Dơi, hai bên cánh gà cửa khẩu…, tình trạng buôn lậu chưa khi nào yên ắng.

    cuu van xach hang thue qua cua khau mong cai, tinh quang ninh anh: trong duc

    Cửu vạn xách hàng thuê qua cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh Ảnh: TRỌNG ĐỨC

    Cách cửa khẩu Cốc Nam không xa, tại các đường mòn, lối mở trên núi Khơ Đa, lực lượng biên phòng Lạng Sơn đã dựng 18 lán, cuối năm 2015 dựng thêm 12 lán nữa để chặn bắt hàng lậu từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam. Tuy nhiên, khi đường này bị ngăn chặn thì ngay lập tức, các đối tượng buôn lậu liền tìm đường mới để chuyển hàng.

    Để tránh chốt kiểm soát của lực lượng biên phòng khu vực Gốc Bưởi, dân vận chuyển hàng lậu đã mở đường vượt qua sườn núi hiểm trở lên cột mốc 1099, vòng về Lũng Khơ Đa, đường mòn 474 rồi ra ngã ba Ma Mèo. Khi bộ đội biên phòng tổ chức lực lượng chặn bắt hàng lậu, cánh cửu vạn lại mở đường qua khu vực cột mốc 1097/2 đi xuống mỏ đá Tà Lài. Khi bị chặn bắt ở khu Tà Lài, chúng lại chuyển hướng vận chuyển hàng qua các cột mốc 1097/1, 1096 vào xóm Lũng Cáu, thôn Háng Mới để ra Quốc lộ 4A...

    “Muốn ngăn chặn triệt để tình trạng vận chuyển hàng lậu qua các đường mòn, lối mở ở vùng biên giới, lực lượng chức năng chỉ có cách... nắm tay nhau giăng hàng ngang, tạo thành “hàng rào người” canh giữ. Thế nhưng, đường biên rất dài, rừng núi thì mênh mông, người đâu cho xuể!” - nhiều cán bộ Cục Hải quan Lạng Sơn bày tỏ.

    Ông Trần Văn Anh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn - cho biết với những nơi mà lực lượng hải quan, biên phòng lập chốt để ngăn chặn thì tình trạng vận chuyển hàng lậu được kiểm soát. “Tuy nhiên, hàng lậu giảm ở chỗ này thì lại “phình ra” ở nơi khác vì lực lượng chức năng không thể đủ người để chặn bắt” - ông băn khoăn.

    Việc người dân địa phương đổ xô đi làm cửu vạn cũng gây khó khăn không ít cho lực lượng chức năng. Theo ông Trần Văn Hùng, Chánh Văn phòng Cục Hải quan Lạng Sơn, đầu nậu thường thuê cửu vạn chuyển hàng với giá 10.000-20.000 đồng/kg. Trừ tiền ăn uống, bảo kê…, mỗi ngày một người kiếm được trên dưới 1 triệu đồng.

    “Thu nhập như vậy là cao hơn rất nhiều so với việc ruộng nương nên nhiều người dân vùng biên rủ nhau đi làm cửu vạn, ngày đêm tuồn hàng từ bên kia biên giới về” - ông Hùng lo ngại.

    Lập lờ đánh lận người tiêu dùng

    Tại vùng biên giới Quảng Ninh, TP Móng Cái luôn được giới đầu nậu hàng lậu xem là địa bàn trọng điểm, thuận lợi để hoạt động, nhất là những ngày cận Tết. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó  Chủ tịch UBND TP Móng Cái, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng chức năng đã giúp hạn chế phần nào tình trạng buôn lậu nhưng nó luôn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, diễn biến phức tạp và khó lường.

    “Do lợi nhuận cao nên các đối tượng buôn lậu bất chấp quyền lợi của người tiêu dùng, sử dụng mọi phương thức, thủ đoạn để luồn lách, trốn tránh lực lượng chức năng. Mặt khác, do cơ chế còn nhiều bất cập, đời sống người dân khu vực biên giới còn nhiều khó khăn nên bị các đầu nậu dụ dỗ, lôi kéo tiếp tay cho chúng. Các đầu nậu gần đây còn theo dõi cả lịch họp của cơ quan chức năng phòng chống buôn lậu để tìm cơ hội đưa hàng lậu, hàng cấm qua biên giới” - ông Dũng lo ngại.

    Ngoài TP Móng Cái, theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả còn nóng bỏng ở nhiều địa bàn khác như: Đông Triều, Hoành Bồ, Uông Bí, Quảng Yên, Cẩm Phả, Hải Hà... Điều đáng lo ngại là gần đây, xuất hiện tình trạng một số đối tượng người Trung Quốc câu kết với các doanh nghiệp, cá nhân người Việt Nam để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm kém chất lượng.

    “Có trường hợp hàng lậu được vận chuyển trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam nhưng lại được đóng gói bao bì tại Móng Cái, sau đó đưa vào sâu trong nội địa tiêu thụ. Một số mặt hàng mà người tiêu dùng trong nước ưa chuộng như quần áo, đồ điện dân dụng... được các đối tượng đặt hàng những cơ sở trái phép ở khu vực Quảng Châu - Trung Quốc sản xuất. Các sản phẩm này có mẫu mã, bao bì, cách hướng dẫn sử dụng giống hệt hàng thật do Việt Nam sản xuất nhưng giá thấp hơn nhiều, sau đó được thẩm lậu qua biên giới khu vực Móng Cái” -  đại diện Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh dẫn chứng.

    Những ngày giáp Tết năm nay, theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Ninh, một số mặt hàng từ Trung Quốc được nhập lậu nhiều qua địa bàn mà lực lượng chức năng chặn bắt không xuể gồm: thuốc lá, rượu ngoại, pháo, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng, đồ tiêu dùng... Những mặt hàng này được vận chuyển về khắp nơi để tiêu thụ, thậm chí trà trộn với hàng thật để đánh lừa người tiêu dùng.


    Hoàn trả hơn 104.000 cây sâm Ngọc Linh cho doanh nghiệp

    Ngày 23.1, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết sau khi họp bàn phương án hoàn trả sâm Ngọc Linh cho Công ty CP thương mại dược sâm Ngọc Linh Quảng Nam (gọi tắt là Công ty dược sâm Ngọc Linh), địa phương quyết định hoàn trả 104.063 cây sâm kể từ năm 2016.
    Đây là đoạn kết của vụ kiện được Công ty dược sâm Ngọc Linh “khởi động” từ năm 2014. Như Thanh Niên đã thông tin, năm 2001 tỉnh Quảng Nam sáp nhập Trạm dược liệu Trà Linh (tại H.Nam Trà My) vào Công ty dược vật tư y tế Quảng Nam; năm 2005, công ty này chuyển sang công ty cổ phần (đến năm 2013 đổi tên thành Công ty CP thương mại dược sâm Ngọc Linh Quảng Nam) và tiếp tục quản lý trạm dược liệu.
    Tháng 10.2013, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định bàn giao trạm dược liệu cho Trung tâm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam quản lý, và nảy sinh khiếu kiện. TAND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức 5 lượt đối thoại, 5 lần mở phiên tòa, 2 lần tạm đình chỉ, 1 lần xem xét định giá tài sản tại trạm dược liệu... trước khi chính thức đình chỉ giải quyết vụ án hồi tháng 10.2015.
    Theo phương án hoàn trả, có 7.476 cây sâm giống 1 năm tuổi và 21.287 cây sâm củ được trả ngay trong năm 2016; 29.400 cây sâm giống 1 năm tuổi trả trong 2 năm 2016 - 2017; 45.900 cây sâm giống 1 năm tuổi trả trong vòng 5 năm, bắt đầu từ năm 2018.

    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn