TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 23-01-2018

    Cảnh báo sốt ảo đất nền Hà Nội

    Được nhận định là tăng giá tốt trong năm 2017, song chuyên gia cho rằng thị trường 2018 cần cảnh giác với những cơn sốt đất nền. 

    cac chuyen gia canh bao ve tinh trang sot gia o phan khuc dat nen, lien ke, biet thu trong nam 2018. anh: anh tu

    Các chuyên gia cảnh báo về tình trạng sốt giá ở phân khúc đất nền, liền kề, biệt thự trong năm 2018. Ảnh: Anh Tú

    Sau một tháng tìm hiểu các dự án, anh Chiến (Đống Đa, Hà Nội) dự định xuống tiền để mua một lô đất nền tại dự án ở quận Hoàng Mai. Liên hệ với môi giới một sàn bất động sảnđã làm việc trước đó, anh Chiến được báo giá tiền chênh của lô đất tăng hơn 200 triệu đồng. Với mức giá mới, mỗi lô đất anh mua phải trả gần một tỷ đồng, tăng hơn nửa tỷ so với giá thời điểm mở bán cách đây nửa năm. Mức giá mỗi m2 đất vì thế cũng giao dịch ở mức 120-130 triệu đồng mỗi m2, tăng khoảng 10 triệu đồng.  

    Năm 2017, tại thị trường Hà Nội chứng kiến nhiều dự án đất nền, biệt thự, liền kề có mức giá chênh "khủng". Một dự án nhà phố, giá chênh lên tới hơn 30 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần giá gốc trong hợp đồng. Hàng loạt dự án đất nền tại quận Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ... vừa mở bán,

    mức giá chênh cũng được đẩy lên vài trăm triệu đến 2,5 tỷ đồng. Một số dự án vùng ven đô tại Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức... giá cũng tăng 2-5 triệu đồng mỗi m2 trong năm 2017.Nghiên cứu của các đơn vị tư vấn cho thấy, trong năm 2017, đất nền, liền kề, biệt thự có mức độ tăng giá được đánh giá khả quan. Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), năm 2017, đất nền dự án hầu hết giá trị đất trong dự án tại các vùng đều biến động tăng khoảng 10%. Giá hiện tại ở khu vực quận Cầu Giấy trong khoảng 180-200 triệu đồng mỗi m2, quận Từ Liêm, Tây Hồ: giá trung bình 120-150 triệu đồng, quận Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì trung bình 25 – 50 triệu đồng, Long Biên, Gia Lâm 30-50 triệu đồng, huyện Đông Anh trung bình 30 triệu đồng. 

    Còn theo Savills Việt Nam, phân khúc biệt thự và liền kề hoạt động tốt trong năm 2017. Tổng nguồn cung phân khúc này trên thị trường đạt hơn 40.400 căn, tăng hơn 15% so với 2016. Riêng trong quý IV vừa qua, tổng lượng giao dịch tăng 23% so với quý trước đó và 83% so với cùng kỳ.

    Tuy nhiên, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội cho rằng, năm 2017 đất nền, biệt thự, liền kề ở một số khu vực có dấu hiệu sốt ảo, xuất hiện tình trạng chênh giá bị đẩy lên cao. Bà cho rằng, với những dự án này có thể mang về lãi lớn cho những nhà đầu tư sóng ngắn, tuy nhiên cũng chứa đựng rất nhiều rủi ro. Theo bà, nếu nhà đầu tư đánh giá chưa chính xác ở góc độ thị trường cũng như sản phẩm và mua với mức giá vượt ngưỡng thì dễ dẫn đến tình trạng cắt lỗ. 

    "Chúng ta cũng phải nhìn nhận một thực tế là ở các khu vực nói là sốt thì trước đây vẫn còn lượng hàng không nhỏ còn đang nằm đó. Vì thế, thực chất không không phải thị trường khan hiếm mà vẫn còn nhiều nên hiện tượng sốt hàm chứa mức độ rủi ro không nhỏ", bà Hằng nhận định. 

    Nhận định về thị trường 2018 trong bối cảnh nhiều dự án của các chủ đầu tư rục rịch với kế hoạch ra hàng, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản EZ Việt Nam cũng cho rằng cần thận trọng ở một số vùng ven như Đông Anh, Mê Linh, Thanh Trì, Hoài Đức... 

    "Những khu vực này tôi chưa thấy động lực tăng giá trong ngắn hạn. Với những nhà đầu tư dài hạn thì có thể cân nhắc", ông Toản nói. 

    Đồng quan điểm này, bà Hằng cho rằng, một số dự án đất nền ở khu vực vùng ven Hà Nội cũng đang dần tịnh tiến đến mức giá cao nhưng ở một số khu vực, việc tính toán lợi nhuận cần được xem xét trong dài hạn.

    "Chúng tôi nhận thấy tiềm năng một số khu vực xa. Tuy nhiên nguồn cung dễ rơi vào trạng thái sốt ảo", bà Hằng cho hay.

    Theo bà, thị trường đất nền thường xuyên xảy ra tình trạng khi nghe có quy hoạch thì nhà đầu tư đổ xô vào. Tuy nhiên, thực tế, từ khi có tin quy hoạch đến khi khu vực đó trở thành đông đúc hoặc chỉ đến mức bắt đầu có sự phát triển tốt hơn thì cũng cần thời gian. "Mà một khi khu vực đó không phát triển được ngay thì dế dẫn đến tình trạng nhiều người nôn nóng, tư tưởng đám đông, dế dẫn đến tình trạng không kiểm soát được", bà Hằng nhận định.(Vnexpress)
    ---------------------------------

    Thời trang Việt Nam cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại

    Hàng may mặc của Việt Nam đang bị cạnh tranh khốc liệt về mẫu mã và chất lượng đối với các hãng thời trang nhanh của nước ngoài.

    Thời trang Việt Nam cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại

    Thời trang Việt đang cạnh tranh rất vất vả với các hãng thời trang nhanh nước ngoài. (Ảnh minh họa: KT)

    Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu được hàng tỷ USD các sản phẩm dệt may. Tuy nhiên, ở thị trường trong nước, hàng may mặc của Việt Nam đang bị cạnh tranh khốc liệt với các hãng thời trang nhanh của nước ngoài khi giới trẻ thường chọn các thương hiệu ngoại ở phân khúc bình dân này.

    Cuối năm 2017 với sự đổ bộ của nhiều hãng thời trang ngoại, Việt Nam được xem là thời kỳ bùng nổ xu hướng thời trang nhanh. Sau “cơn sốt Zara”, thương hiệu H&M của Thụy Sĩ cũng gây sự chú ý của người tiêu dùng khi khai trương hai cửa hàng lớn tại Vincom ở Hà Nội và TP.HCM vào tháng 9 vừa qua với cảnh nhiều người xếp hàng dài để chờ mua sắm.

    Hiện nay, các thương hiệu thời trang nhanh của nước ngoài như Zara, Mango, H&M, Topshop… đang được nhiều người trẻ ở TP.HCM yêu thích và lựa chọn. Quần áo của các thương hiệu này có ưu điểm cập nhật nhanh xu hướng thời trang thế giới, chất liệu nhẹ, mềm, thiết kế đẹp, phụ kiện bắt mắt và giá cả phù hợp. Nhiều mặt hàng giá chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn các thương hiệu trong nước từ 100-200 đồng/sản phẩm.

    Chị Nguyễn Thị Tuyết, ở quận Bình Thạnh đang mua sắm ở cửa hàng H&M tại Vincom, Đồng Khởi, Quận 1 cho biết, chị lựa chọn hàng hiệu giá rẻ của nước ngoài vì giá không chênh lệch nhiều so với hàng trong nước, nhưng chất liệu đẹp, mẫu mã đẹp và được cập nhật liên tục. Trong khi hàng thời trang trong nước tuy cũng được cập nhật nhưng không có độ chất và sang như hàng ngoại.

    Việt Nam có nhiều thương hiệu may mặc đã khẳng định được tên tuổi như An Phước, Việt Tiến, May 10... Đến nay, dòng phẩm cao cấp của các thương hiệu là quần tây,  áo sơ mi, vest, thời trang công sở có chất lượng chuẩn, đứng vững trên thị trường. Nhưng với những dòng sản phẩm khác như áo kiểu, đầm, áo len, áo thun … của các thương hiệu như Hanagiti, Nimomax, PT 2000... một thời được giới trẻ yêu thích thì lại đang cạnh tranh rất vất vả với các hãng thời  trang nhanh nước ngoài. 

    Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp chưa bắt kịp xu thế thời trang thế giới, mẫu mã không phong phú, chất lượng không ổn định, nên trên tuyến đường Hai Bà Trưng, Quận 1, trước đây các cửa hàng của Hanagiti, Nimomax, PT 2000, NEM… rất đông khách mua sắm, nhưng nay ngày càng thưa khách.

    Trong khi đó, các hãng thời trang nhanh với mẫu mã rất phong phú, mỗi năm có hàng trăm mẫu mã mới, thiết kế nhanh kịp thời đưa ra thị trường sớm nên được nhiều người tiêu dùng yêu thích. Mẫu thời trang mới của họ trình diễn trên sàn từ 5-7 ngày và ngay sau đó đã có mặt ở thị trường. Bên cạnh đó, các hãng thời trang nước ngoài thường chọn vị trí trưng bày khá đắc địa và có diện tích rộng, sắp xếp từng ô mua sắm rất hợp lý và trang trí đẹp nên rất  thu hút  khách hàng. 

    Chị Hồ Thị Hòa, người người tiêu dùng nhận xét, người tiêu dùng sẵn sàng ủng hộ hàng Việt Nam, nhưng hàng hóa, nhất là thời trang cần phải thay đổi mẫu mã cho phù hợp với người Việt.

    “Riêng mặt hàng thời trang phải thay đổi, không nên làm theo cách cũ. Quần áo phải thay đổi thường xuyên vì thời trang luôn đi theo xu hướng. Cùng với đó, chất lượng hàng thời trang xuất khẩu rất tốt còn mẫu mã trong nước lại không phù hợp”, chị Hòa cho biết.

    Trước sự cạnh tranh gay gắt của các hãng thời trang nước ngoài, một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng quan tâm đầu tư cho phân khúc này. Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 - doanh nghiệp có 30 năm giữ thế mạnh thương hiệu áo sơ mi và veston ở thị trường TP.HCM và Hà Nội cho biết, doanh nghiệp đang tập trung 80% năng lực sản xuất vào dòng sản phẩm thế mạnh. 20% còn lại đang đầu tư thị trường thời trang nhanh để cạnh tranh và giữ thị phần, trong bối cảnh giới trẻ đang có xu hướng mua sắm thời trang các thương hiệu nước ngoài.

    Theo nhiều chuyên gia dệt may, doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong làm hàng gia công cho nhiều thương hiệu lớn trên thế giới. Hàng dệt may của Việt Nam khéo léo trong từng đường kim, mũi chỉ nên dư sức làm những sản phẩm như các hãng thời trang nhanh.

    Tuy nhiên cái khó và cái yếu của doanh nghiệp Việt Nam là khâu thiết kế, thiếu đội ngũ thiết giỏi để làm nhanh và nhiều mẫu mã mới  như các thương hiệu ngoại. Không những thế, ở khâu tiếp thị, quảng bá, trưng bày sản phẩm doanh nghiệp nội cũng chưa chuyên nghiệp bằng doanh nghiệp ngoại.  

    Để cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam  phải có nội lực mạnh và đầu tư dài hơi. Vì vậy doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của nhà nước trong việc đào tạo đội ngũ thiết kế thời trang và tạo điều kiện quảng bá sản phẩm.

    Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội May thêu đan TP.HCM cho biết, Hội đang đề nghị thành lập thành lập Trung tâm Thiết kế thời trang TP.HCM. Ở đây sẽ tổ chức thiết kế, giao thương về thời trang, tạo ra bước đột phá trong thiết kế thời trang của Việt Nam.

    Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành dệt may nước ngoài. Vì vậy, nếu doanh nghiệp trong nước không thay đổi cách làm như hiện nay, phân khúc thời trang nhanh sẽ nhanh chóng về tay doanh nghiệp ngoại.

    Bởi người tiêu dùng hiện nay không còn suy nghĩ “ăn chắc - mặc bền”  như xưa mà phải “ăn ngon - mặc đẹp”. Xu hướng thời trang và tâm lý người tiêu dùng cũng thay đổi nhanh theo gian, nếu doanh nghiệp không nhanh nhạy, cập nhật và đổi mới sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh này.(VOV News)
    ------------------------

    Vụ kiện Apple: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vào cuộc

    Trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người cho biết trong thời gian vừa qua, các phương tiện truyền thông trong nước và thế giới đã đưa tin về vụ việc Tập đoàn Apple Inc., có trụ sở tại One Infinite Loop, Cupertino, CA 95014, Hoa Kỳ làm chậm tốc độ các sản phẩm điện thoại iPhone thế hệ cũ (từ Iphone 7 Plus trở xuống tới Iphone SE) do Apple Inc cung cấp sau khi người tiêu dùng cập nhật phiên bản hệ điều hành mới.

    Nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng đang sử dụng các sản phẩm liên quan nói trên, như sau:

    1. Chủ động liên hệ với các cửa hàng bán sản phẩm, các đại lý, trạm dịch vụ được ủy quyền của Apple Inc. và các nhà cung cấp sản phẩm điện thoại iPhone tại Việt Nam để yêu cầu hỗ trợ cung cấp thông tin về vụ việc, kiểm tra sản phẩm và thực hiện các biện pháp xử lý cần thiết (nếu có).

    Hiện tại, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đang làm việc với các bên liên quan cũng như giám sát diễn biến vụ việc và tiếp tục có các thông tin tới người tiêu dùng trong thời gian tới.

    2. Trong trường hợp có dấu hiệu của hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, đề nghị người tiêu dùng liên hệ với các Sở Công Thương, Hội Bảo vệ người tiêu dùng các tỉnh, thành phố để được tư vấn về chính sách, pháp luật có liên quan hoặc liên hệ với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương theo các phương thức sau đây:

    i) Tổng đài tư vấn tiêu dùng miễn phí 18006838 (hoạt động từ 8h30 đến 11h30 và 14h00 đến 16h30 các ngày trong tuần, trừ thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ, tết).

    ii) Gửi đơn khiếu nại trực tiếp trên website bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa chỉ (http://bvntd.vca.gov.vn/SitePages/Home.aspx); hoặc

    iii) Gửi đơn khiếu nại tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng theo địa chỉ số 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.(TBKTSG)
    -------------------------------

    Chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được nới lỏng

    Nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vẫn là lạm phát. Lạm phát cơ bản của Việt Nam hiện ở mức khá thấp nhưng việc điều hành CSTT của NHNN những năm gần đây lại căn cứ chủ yếu vào diễn biến của lạm phát toàn phần.

    Năm 2017, tín dụng không xài hết “room”

    Theo NHNN, tính đến ngày 31-12-2017, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 16% so với cuối năm 2016, phần tăng thêm này tương đương 1,13 triệu tỉ đồng. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng có phần vượt trội hơn, đạt 18,17%, tương đương với phần tăng thêm khoảng 1 triệu tỉ đồng.

    Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, chênh lệch giữa phần tăng thêm M2 và phần tăng thêm tín dụng tại thời điểm 31-12-2017 là 131.000 tỉ đồng.

    So với mức chênh lệch âm 13.000 tỉ đồng vào thời điểm cuối quí 2-2017 thì phần chênh này đã tăng thêm khoảng 144.000 tỉ đồng. Phần chênh giữa M2 và tín dụng tăng thêm đã giúp cho thanh khoản hệ thống ngân hàng ở trạng thái khá dồi dào trong nửa cuối năm 2017, thể hiện qua đà sụt giảm mạnh của lãi suất liên ngân hàng, phổ biến chỉ còn khoảng 1,2-1,5%/năm cho các kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần. Hoạt động bơm/hút vốn cũng được NHNN sử dụng khá nhịp nhàng qua hai kênh thị trường mở (OMO) và tín phiếu. Tổng lượng vốn NHNN hút ròng về qua hai kênh này trong năm 2017 đạt 32.690 tỉ đồng.

    Với mức tăng 18% như trên, tín dụng trong năm 2017 vẫn dưới mục tiêu mà Chính phủ điều chỉnh lại hồi giữa năm (khoảng 21-22%).

    Có một số nguyên nhân dẫn đến việc hệ thống ngân hàng không dùng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được nới thêm.

    Thứ nhất, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế là có hạn. Rất có thể điều kiện của nền kinh tế hiện tại chỉ yêu cầu tín dụng tăng ở mức 15-18%/năm là vừa phải mà không gây quá nhiều rủi ro về nợ xấu tiềm tàng.

    Thứ hai, một số ngân hàng muốn tăng trưởng cho vay thêm nhưng ngay trong hai quí đầu năm đã sử dụng gần hết hạn mức.

    Thứ ba là các ngân hàng có quy mô vốn lớn nhất hệ thống như Vietcombank, BIDV, VietinBank đang gặp khó khăn về tăng vốn, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng này cũng đang tiệm cận dần về mức 9%, gây trở ngại cho việc phát triển tín dụng.

    Năm 2018, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được nới lỏng!

    Về định hướng chính sách tiền tệ, nếu không có cú sốc nào lớn từ giá dầu dẫn đến CPI tăng vượt dự đoán thì vẫn còn dư địa để NHNN tiếp tục duy trì định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2018 với liều lượng tương đương 2017 để giữ nhịp tăng trưởng.

    Vậy liều lượng nới lỏng cung tiền bao nhiêu là hợp lý? Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết: Việt Nam hiện là nước có tăng trưởng M2 cao nhất khi so sánh với nhóm nước bao gồm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Trung Quốc, kể cả ở giai đoạn khủng hoảng lẫn giai đoạn ổn định hiện nay. Các nước có trình độ kinh tế đi trước Việt Nam như Thái Lan, Malaysia có tốc độ tăng trưởng M2 ở giai đoạn ổn định trung bình khoảng 6%/năm trong khi các nước có trình độ kinh tế tương đồng hơn như Indonesia, Philippines, Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng M2 khoảng 12-13%/năm. Về mức độ hiệu quả của việc bơm tiền đối với tăng trưởng GDP, Việt Nam cũng đang kém hiệu quả nhất trong mẫu so sánh. Tỷ lệ tăng trưởng M2/tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam trong giai đoạn gần đây là 2,8 lần trong khi các nước trong khu vực dao động từ 1,5-2,5 lần.

    Dựa trên những số liệu đó có thể kỳ vọng trong thời gian tới, nếu trình độ kinh tế Việt Nam phát triển lên mức cao hơn, tăng trưởng GDP dựa vào chất nhiều hơn bằng cách tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động thì tỷ lệ tăng trưởng M2/GDP sẽ được kéo xuống ở mức khoảng 2-2,5 lần. Khi đó nếu đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5-7%/năm thì M2 cần tăng tương ứng khoảng 13-17,5%/năm.

    Còn trong ngắn hạn, khi sự chuyển đổi về chất chưa diễn ra ngay thì mức tăng hợp lý đối với M2 để có thể hỗ trợ cho tăng trưởng GDP mà không tạo ra rủi ro lạm phát có thể sẽ dao động trong khoảng 16-18%.

    Liều lượng tăng trưởng M2 có thể như trên nhưng nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN vẫn là lạm phát. Lạm phát cơ bản của Việt Nam hiện ở mức khá thấp (chỉ 1,3%) nhưng việc điều hành của NHNN những năm gần đây lại căn cứ chủ yếu vào diễn biến của lạm phát toàn phần (chứ không phải lạm phát cơ bản).

    Theo dự báo lạm phát trong năm 2018, nhóm hàng y tế sẽ không ảnh hưởng nhiều đến CPI nữa do lộ trình điều chỉnh giá nhóm hàng này về cơ bản đã hoàn tất trong hai năm 2016 và 2017. Nhóm hàng giáo dục dự kiến sẽ vẫn làm tăng CPI chung thêm khoảng 0,5%. Như vậy, ảnh hưởng của giáo dục và y tế đến CPI trong năm 2018 có thể sẽ chỉ ở mức 0,7-0,8% (giảm mạnh so với mức 2,5% trong năm 2017).

    Tuy vậy, rủi ro tiềm ẩn đối với chỉ số lạm phát chung có thể sẽ đến từ xu hướng tăng giá của các loại hàng hóa cơ bản trên thế giới, điển hình nhất là giá xăng dầu và các nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước. Nếu không có cú sốc hoặc biến cố gì lớn thì giá dầu trung bình trong năm 2018 hiện được các tổ chức lớn dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng (khoảng 10%) so với năm 2017. Với mức tăng này, tác động trực tiếp đến nhóm hàng giao thông có thể sẽ không lớn nhưng tác động vòng hai liên đới đến giá các mặt hàng chung trên thị trường, đặc biệt là giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất, gần 40%) có thể sẽ khó lường hơn.

    Nhưng nhìn chung, có cơ sở để kỳ vọng những rủi ro khó lường của giá hàng hóa cơ bản tăng sẽ được trung hòa bởi mức độ tác động ít hơn của nhóm hàng y tế lên chỉ số CPI chung trong năm 2018.

    Trong kịch bản tích cực, nếu lạm phát trung bình năm 2018 có mức tăng thấp hơn dự báo (chỉ 2-2,5%) thì sẽ có cơ hội để các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Chỉ khi lãi suất huy động giảm xuống, lãi suất cho vay mới có thể giảm theo vì chỉ số NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) của hệ thống ngân hàng Việt Nam rất khó giảm tiếp do hiện đã ở mức tương đối thấp so với các nước trong khu vực.(TBKTSG)

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn