Tin kinh tế đọc nhanh sáng 10-02-2018
Người Việt mua hơn 26.000 ôtô trong tháng đầu năm
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường trong tháng 1 đạt 26.037 xe, giảm 7% so với tháng 12/2017 và tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó bao gồm 18.371 xe du lịch; 7.363 xe thương mại và 303 xe chuyên dụng.
Doanh số xe du lịch tăng 25%; xe thương mại giảm 38% và xe chuyên dụng giảm 78% so với tháng trước. Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 20.586 xe, tăng 3% và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 5.451 xe, giảm 30% so với tháng cuối năm 2017.
Người Việt mua hơn 26.000 ôtô trong tháng đầu năm. Ảnh minh họa
Một trong những nguyên nhân chính khiến lượng ôtô nhập khẩu giảm mạnh là tác động từ Nghị định 116 ban hành tháng 10 năm ngoái. Do ảnh hưởng của nghị định này, mới đây một số hãng xe như Toyota và Honda đã tuyên bố tạm ngưng xuất khẩu xe tới thị trường Việt Nam.
So với tháng 1/2017, hầu hết các thương hiệu thuộc VAMA đều tăng trưởng về sản lượng tiêu thụ, trong đó mạnh nhất là Thaco (33,2%) và Toyota (27,1%). Thaco cũng là hãng bán được nhiều xe nhất tháng với doanh số 11.275 xe, chiếm 44,4% thị phần. Toyota Việt Nam đứng thứ 2 với 5.131 xe, chiếm 20,2% thị phần. Tiếp theo là Ford Việt Nam với 9,6% thị phần.(NDH)
------------------------
Bộ Công Thương xin thêm “ưu đãi” cho ô tô nội
Bộ Công Thương vừa tiếp tục có công văn gửi Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Đáng lưu ý, tại công văn này, Bộ Công Thương cho rằng, để tiếp tục có các giải pháp phát triển ngành ô tô trong nước trong tới, giảm bớt tình trạng nhập siêu ô tô thì cần có thêm các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp cắt giảm giá thành sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm như việc điều chỉnh lại các chính sách thuế phí, phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung như đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công.
Cụ thể như miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô. Đồng thời đề xuất miễn thuế nhập nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam cùng với cam kết của doanh nghiệp về đầu tư dài hạn, sản lượng và sử dụng nhân lực, chuyển giao công nghệ. Bộ cũng kiến nghị việc áp dụng bảo lãnh thanh toán thuế thời hạn 8 tháng thay vì 30 ngày như hiện hành.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết ngành công thương diễn ra hôm 15/1, ông Lê Ngọc Đức – TGĐ Hyundai Thành Công cũng đề xuất Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính xem xét một số kiến nghị như nêu ở trên.
Theo ông Đức nhằm đạt mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Chính phủ đã ban hành các nghị định như Nghị định 116 về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô hay Nghị định 125 quy định lộ trình miễn thuế nhập khẩu linh kiện đối với các nhà sản xuất đáp ứng đủ các điều kiện về sản lượng, các tiêu chuẩn khí thải, dung tích xi lanh đối các dòng xe du lịch dưới 9 chỗ, xe khách, xe tải.
Tuy nhiên, theo ông Đức, các ưu đãi đưa ra, cụ thể theo Nghị định 125, vẫn chưa đủ mạnh để tạo ưu thế đáng kể cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước so với các sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN.
Về phía Bộ Tài chính, tại buổi làm việc với một doanh nghiệp sản xuất ô tô sau đó, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định, mục tiêu của Chính phủ Việt Nam là phát triển công nghiệp ô tô trở thành ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe tải, xe khách thông dụng và một số loại xe chuyên dùng;
Đồng thời, phấn đấu trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng và một số cụm chi tiết có giá trị cao trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới, góp phần tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam hoan nghênh Kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ô tô thứ hai của Mitsubishi Motors tại Việt Nam.
Tuy nhiên, về chính sách thuế, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, việc miễn thuế linh kiện ô tô nhập khẩu, Chính phủ Việt Nam đã có Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó có quy định miễn thuế nhập khẩu cho mặt hàng này từ 1/1/2018 đến năm 2022.
Thứ trưởng cũng khẳng định, để được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp phải đáp ứng một số điều kiện ràng buộc về quy mô sản xuất, sản lượng tối thiểu...
Còn về kiến nghị thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt đảm bảo tuân thủ các cam kết, đặc biệt là trong WTO để có thể đưa ra chính sách phù hợp mà không vi phạm.(Bizlive)
---------------------------
Vụ trưởng Bộ Công Thương về làm chủ tịch Vinachem
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký quyết định điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Phú Cường về giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Tân chủ tịch Vinachem đảm nhận chức vụ khi hoạt động của Tập đoàn này gặp khó khăn do phải xử lý hậu quả từ các dự án thua lỗ - Ảnh: MOIT
Theo quyết định vừa được Thủ tướng ký ngày 8-2, sẽ điều động và bổ nhiệm có thời hạn ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) giữ chức Chủ tịch Vinachem.
Như vậy, ông Cường về đảm nhiệm ghế nóng tại Tập đoàn Hóa chất thay cho ông Nguyễn Anh Dũng, người đã bị Ban Bí thư cách hết mọi chức vụ trong Đảng vì những sai phạm trong quản lý liên quan đến công tác cán bộ, quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của tập đoàn.
Trước khi được bầu làm Chủ tịch Vinachem, ông Nguyễn Phú Cường đảm nhận vị trí Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ từ tháng 11-2014.
Ông Cường tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội và tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Ghent (Vương Quốc Bỉ).
Năm 2002, ông chuyển về Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) sau 14 năm công tác tại Viện nghiên cứu ứng dụng công nghệ.
Năm 2005 ông hoàn thành luận án tiến sĩ trong nước chuyên ngành vi sinh vật học kỹ thuật, nhận chức vụ Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ.
Tân chủ tịch Vinachem đảm nhận chức vụ trong bối cảnh Tập đoàn này đang gặp nhiều khó khăn trong xử lý các dự án thua lỗ trong nhóm 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỉ của Bộ Công Thương.
Bên cạnh 4 dự án đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng, mới đây Bộ này bổ sung thêm dự án mỏ muối Kali ở Lào cũng do Vinachem làm chủ đầu tư.
Các dự án thua lỗ của Vinachem khiến cho tình hình sản xuất kinh doanh tập đoàn này gặp nhiều khó khăn.
Doanh thu của toàn tập đoàn đạt 44,971 tỉ đồng, tăng 5% so với năm 2016. Mặc dù có 20 đơn vị thành viên ghi nhận lãi trên 2.162 tỉ đồng nhưng do lỗ phát sinh từ các dự án yếu kém lên tới 2.115 tỉ đồng, nên tổng số lãi năm 2017 vỏn vẹn chỉ đạt 47 tỉ đồng.
Bộ Công Thương cho biết đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà máy thua lỗ như giãn, giảm lãi và nợ vay, hỗ trợ thuế…
Hiện các dự án đã duy trì sản xuất, tiêu thụ tăng và số lỗ giảm đi song vẫn còn rất nhiều khó khăn để hoạt động hiệu quả.(Tuoitre)
-----------------------------------
Nhật Bản có thể đánh thuế 55% lợi nhuận từ tiền điện tử
Cơ quan Thuế Quốc gia Nhật Bản bắt đầu chú ý đến những rủi ro của bong bóng tiền điện tử và nhà đầu tư nước này có thể phải đóng thuế khi giao dịch các đồng coin.
Năm ngoái giới chức Nhật Bản quy định lợi nhuận thu từ các giao dịch tiền điện tử được coi là "thu nhập khác". Hiện tại, chính phủ nước này yêu cầu nhà đầu tư phải kê khai lợi nhuận mà họ kiếm được từ tiền điện tử trong bản kê khai thuế hàng năm được nộp từ ngày 16/2-15/3.
Không giống như mức thuế thu nhập từ thị trường chứng khoán chỉ khoảng 20%, mức thuế mà nhà đầu tư tiền điện tử phải đóng năm nay dao động từ 15% lên 55%. Mức thuế cao nhất áp dụng với nhà đầu tư thu lãi từ 40 triệu yên trở lên (tương đương 365.000 USD).
Ông Kengo Maekawa, Giám đốc điều hành công ty Shiodome Partners Tax Corp cho biết một số nước trong đó có Singapore vẫn chưa đánh thuế thu nhập từ tiền điện tử nên một số nhà đầu tư lớn đã rời Nhật Bản chuyển sang thị trường Singapore. Maekawa cũng cho hay công ty ông cũng có một lượng lớn khách hàng trong độ tuổi từ 30-40 đến tư vấn về thuế thu nhập từ tiền điện tử.
Nhật Bản không phải là nước duy nhất đánh thuế tiền điện tử. Tại Mỹ, năm 2014, Sở Thuế Vụ tuyên bố tiền điện tử cũng được coi là một loại tài sản giống như vàng và bất động sản vì vậy chúng cũng cần phải được đánh thuế. Mặc dù vậy, mức thuế ở Mỹ vẫn thấp hơn với Nhật Bản.
Bằng việc đánh thuế cao vào lợi nhuận từ tiền ảo, chính phủ Nhật Bản sẽ thu được một khoản lớn vào ngân sách nhà nước. Trong những tháng gần đây có khoảng 40% giao dịch bitcoin được thực hiện bằng đồng yên Nhật.
Một số nơi ở Nhật Bản, tiến trình thực hiện đánh thuế vẫn chưa rõ ràng.
Hiroyuki Komiya, giám đốc một công ty tư vấn công nghệ blockchain tại Tokyo, cho biết doanh nghiệp ông đã cắt giảm vài triệu yên tiền thuế bằng việc sử dụng phương pháp tính trung bình tổng (overall average) thay vì trung bình động (moving average).
"Chính phủ không đưa ra chi tiết cụ thể cách tính biểu thuế mới nên bạn không thể chắc chắn cách tính của mình đúng hay sai", ông Hiroyuki Komiya cho hay.
Hiện tại, cơ quan thuế Nhật Bản đang xây dựng cơ sở dữ liệu về các nhà đầu tư tiền điện tử cũng như các công ty liên quan đến thị trường này có trụ sở ở Tokyo và Osaka.(NDH)