Tin kinh tế đọc nhanh 08-01-2018
Doanh nghiệp địa ốc nhỏ ồ ạt bung hàng cuối năm
Mùa cao điểm cuối năm nay, địa ốc Sài Gòn vắng bóng những đại gia mở bán dự án khiến nguồn cung sụt giảm mạnh.
Nguồn cung dự án căn hộ chào bán tại TP HCM đột ngột giảm bất thường trong mùa cao điểm cuối năm
Thống kê của CBRE Việt Nam cho thấy, các dự án chào bán cuối năm cũng có quy mô từ nhỏ đến trung bình và hiếm có dự án vượt quy mô 1.000 căn. Tổng nguồn cung quý IV sụt giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, tức so với quý cuối cùng của năm 2016.
Khảo sát của VnExpress, so với cùng kỳ năm 2015-2016, nguồn cung bất động sản 3 tháng cuối năm 2017 tại Sài Gòn không bằng cả về quy mô và số lượng sản phẩm. Thị trường gần như mở ra cuộc đua bung hàng ở quy mô khiêm tốn (không quá 1.000 căn) giữa các doanh nghiệp nhỏ hay các tay chơi còn non trẻ. Trong khi đó, hàng loạt đại gia nắm trong tay những dự án khủng vài nghìn sản phẩm hiện không có động thái xả hàng mà chỉ quan sát thị trường.
3 tháng gần đây, Him Lam, Phú Mỹ Hưng khá lặng tiếng sau những đợt bung hàng thành công hồi đầu và giữa năm. Novaland thậm chí còn “nghỉ ngơi” dài hơi hơn, 6 tháng qua doanh nghiệp gần như không tung sản phẩm mới. Trong quý IV, Kiến Á chỉ bán vét dự án CitiEsto (Cát Lái, quận 2) đã tung ra hồi giữa năm. Hưng Thịnh để dành bung hàng đầu quý I/2018.
Như vậy, ngoại trừ Nam Long có hoạt động chào bán dự án ở khu Nam TP HCM, những tên tuổi lớn còn lại trên thị trường căn hộ Sài Gòn đang nhường hẳn sân chơi cho các tiểu gia mới nổi.
Giữa tháng 12/2017, một doanh nghiệp mới thành lập ba năm trở lại đây, Công ty Tiến Phát, đã công bố và nhận giữ chỗ dự án Ascent Lakeside toạ lạc mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, cách Phú Mỹ Hưng 1,5km.
Dự án căn hộ này được doanh nghiệp phát triển theo tiêu chuẩn Nhật cùng tập đoàn Sanyo Homes, quy mô khá nhỏ, chỉ có 217 sản phẩm, giá trung bình 38 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Đây chỉ mới là dự án thứ hai của doanh nghiệp non trẻ này, sau dòng sản phẩm đầu tiên The Ascent Thảo Điền (quận 2) hiện đã giao nhà.
Cũng thuộc nhóm công ty mới gia nhập thị trường TP HCM vài năm, có quy mô vừa và nhỏ, Nhà Mơ kết hợp cùng DKRS ra mắt dự án Dream Home Riverside. Đây là khu căn hộ ven sông nằm chếch về phía Tây Nam Sài Gòn, quy mô chỉ ở mức trung bình, hơn 700 căn có giá 19 triệu đồng/m2.
Đây chỉ mới là dự án thứ 4 của đơn vị này tại thị trường TP HCM, sau Dream Home Luxury (trên 500 căn) đã được bàn giao nhà cuối năm 2015, Dream Home Residence (450 căn) đang hoàn thiện và Dream Home Palace (952 căn) đã được bán hết.
Trong khi đó, một tay chơi mới xuất hiện tại thị trường bất động sản TP HCM 5 năm trở lại đây, Công ty Bất động sản Hưng Lộc Phát đang giới thiệu, giữ chỗ cho nhà đầu tư nội bộ dự án The Green Star (đường Phạm Hữu Lầu, quận 7). Tuy nhiên, thời điểm chào bán chính thức dự án này lại trôi sang đầu năm 2018. Rổ hàng cũng thuộc nhóm khiêm tốn: 100 căn biệt thự nhà phố và 1.000 căn hộ chung cư.
DRH Holdings, công ty địa ốc quy mô vừa và nhỏ có trụ sở tại quận 1 TP HCM, cũng chào hàng sản phẩm mới Aurora Residences (quận 8) vào cuối tháng 12/2017. Doanh nghiệp chỉ dừng lại ở hoạt động công bố thông tin chứ chưa mở bán chính thức ngay lập tức. Rổ hàng của dự án này chỉ có 445 căn, thuộc nhóm quy mô nhỏ, tổng mức đầu tư là 780 tỷ đồng.
Ngoài ra, phải kể đến khá nhiều dự án căn hộ tại TP HCM đã rò rỉ thông tin nội bộ ra thị trường nhưng chưa chính thức công bố hoặc dự kiến sẽ tung ra vào giữa năm tới.
Tổng giám đốc DKRA, Phạm Lâm đánh giá, nguồn cung căn hộ trong quý IV/2017 đúng là đang ở mức cực kỳ khiêm tốn so với cùng kỳ năm 2015-2016. Đây là hiện tượng lạ nhưng không quá khó hiểu.
Theo ông Lâm, có 2 nguyên nhân khiến các ông lớn không mặn mà với mùa cao điểm bán hàng lớn nhất năm 2017. Thứ nhất là sự thận trọng về nguồn cung và thứ hai là thận trọng về pháp lý. Các doanh nghiệp đã nhìn trước diễn biến nguồn cung trên thị trường đang khá lớn, cần thời gian để hấp thụ dần. Mặt khác, các chủ đầu tư cần thêm thời gian chuẩn bị chín muồi các cơ sở pháp lý của dự án, sau đó mới bung hàng.
Sự thận trọng này là cần thiết vì nó giúp cho thị trường có một vài nhịp điều chỉnh để tự cân bằng. Một trong những khả năng cân bằng rất tốt của thị trường là chuyển hướng về chất hơn là về lượng đồng thời các chủ đầu tư có sự cơ cấu, chau chuốt sản phẩm tốt hơn.
Nguyên nhân khác dẫn đến hiện tượng hàng loạt ông lớn trì hoãn xả hàng là lượng hàng tồn kho tại thị trường TP HCM đang rất cao, ước tính 30.000 căn (một số dữ liệu từ các hiệp hội dự báo tồn kho căn hộ tại TP HCM vào khoảng 25.000 tỷ đồng). Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, Dương Thùy Dung cũng cho rằng, thời điểm này, tung dự án ra nếu bán dưới 50-60% thì xem như thất bại.
“Nguồn cung lớn và tồn kho cao dẫn đến tỷ suất lợi nhuận cho thuê căn hộ giảm, nhà đầu tư thận trọng gom hàng và đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến các chủ đầu tư cân nhắc trì hoãn bung hàng cuối năm 2017”, bà Dung cho hay.
Lãnh đạo CBRE Việt Nam đánh giá, sự trì hoãn bung hàng của các ông lớn sẽ khiến cho nguồn cung 2018 tăng lên vì chắc chắn rổ hàng sẽ được chào bán trong 6-12 tháng tới. Nguồn lực đất đai và nhân lực cho dự án đã sẵn sàng, nếu tiếp tục trì hoãn các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn do phải trả lãi cho dòng vốn đã vay.(Vnexpress)
---------------------------
Chuyên gia MBS: “VnIndex có thể đạt mốc 1.280 điểm, các nhịp điều chỉnh sẽ là cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu”
Theo chuyên gia MBS, cơ hội đầu tư trong năm 2018 sẽ hướng đến (1) Nhóm cổ phiếu mới chuẩn bị niêm yết; (2) Nhóm cổ phiếu DNNN cổ phần hóa; (3) Nhóm cổ phiếu thoái vốn Nhà nước; (4) Các cổ phiếu vốn hóa lớn, đầu ngành có tốc độ tăng lợi nhuận cao.
“VnIndex có thể đạt mốc 1.280 điểm trong năm 2018, các nhịp điều chỉnh của thị trường sẽ là cơ hội gia tăng tỷ trọng cổ phiếu” là nhận định của ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc chiến lược thị trường CTCK MBS tại buổi hội thảo MBS’s Talk 12 với chủ đề “TTCK 2018 gọi tên Việt Nam”.
Theo ông Sơn, TTCK Việt Nam hiện đang ở giữa chu kỳ tăng trưởng với các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng GDP, tỷ giá, lạm phát, lãi suất…đều ở mức ổn định. Bên cạnh đó, các chính sách phát triển thị trường thúc đẩy quy mô vốn hóa (nới room, đẩy mạnh IPO, niêm yết mới…) đã tạo động lực thu hút dòng vốn ngoại.
Ngoài ra, Việt Nam đang nổi lên như một trong những ứng cử viên được nâng hạng thị trường lên Emerging Markets. Hiện tại, Việt Nam đã cơ bản thỏa mãn các tiêu chí định lượng của MSCI về vốn hóa, vốn hóa tự do lưu hành, thanh khoản. Về tiêu chính định tính, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được một số tiêu chí như mức độ sở hữu nước ngoài, mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, hiệu quả của hệ thống vận hành (mở tài khoản, luồng thông tin). Dù vậy, nếu nhìn sang trường hợp Pakistan thì quốc gia này đã thu hút được dòng vốn nước ngoài mạnh mẽ trước khi được nâng hạng và chỉ bị “chốt lời” khi chính thức ra tin. Do đó, hoàn toàn có thể kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ lặp lại điều tương tự khi Việt Nam đang nỗ lực để được nâng hạng thị trường.
Trong thời gian gần đây, các quỹ nước ngoài đã ồ ạt rót vốn vào Việt Nam đón đầu cơ hội, tiêu biểu là trường hợp Pyn Elite Fund khi quỹ này rút toàn bộ vốn đầu tư khỏi Thái Lan để tập trung vào thị trường Việt Nam. Trong năm 2017, giá trị mua ròng của khối ngoại kỷ lục hơn 27.000 tỷ đồng cho thấy niềm tin của họ vào sự tăng trưởng của TTCK Việt Nam.
Ngoài ra, sự phục hồi của giá hàng hóa nguyên liệu thế giới, tiêu biểu là giá dầu đã hỗ trợ tích cực tới diễn biến các cổ phiếu liên quan. Có thể thấy, mặc dù KQKD ngành dầu khí chưa được cải thiện nhưng thị trường đã phản ứng trước và trong năm 2018, khi giá dầu thực sự hồi phục ổn định sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm việc làm, từ đó dẫn tới sự khởi sắc về KQKD. Những yếu tố trên đã giúp TTCK Việt Nam bùng nổ trong năm 2017 và trở thành một trong ba thị trường tăng trưởng tốt nhất Thế giới.
Về triển vọng TTCK năm 2018, ông Sơn cho rằng kinh tế Thế giới tiếp tục trong xu hướng tăng trưởng sẽ hỗ trợ cho các thị trường tài sản, đặc biệt là dòng vốn vào TTCK. Kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt trong năm 2018 sẽ là yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường. Mặc dù định giá thị trường không còn quá rẻ nhưng khả năng tăng trưởng vẫn sẽ tiếp diễn nhờ động lực về nguồn vốn dồi dào.
Theo chuyên gia MBS, cơ hội đầu tư trong năm 2018 sẽ hướng đến (1) Nhóm cổ phiếu mới chuẩn bị niêm yết; (2) Nhóm cổ phiếu DNNN cổ phần hóa; (3) Nhóm cổ phiếu thoái vốn Nhà nước; (4) Các cổ phiếu vốn hóa lớn, đầu ngành có tốc độ tăng lợi nhuận cao.
Về diễn biến thị trường, căn cứ vào tốc độ tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2018 được dự báo là 30%, ông Sơn cho rằng VnIndex có thể đạt mốc 1.280 điểm và đây là kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra. Các nhịp điều chỉnh diễn ra trong năm sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. (CafeF)
-----------------------
Các ngân hàng lớn lần lượt báo lãi khủng
8.800 tỷ đồng là con số lãi khủng của năm 2017 vừa được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố.
Khách hàng làm thủ tục tại một phòng giao dịch của BIDV. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Theo đại diện BIDV, năm nay ngân hàng đã hoàn thành vượt nhiệm vụ kế hoạch kinh doanh, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch.
Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2017, tổng tài sản của BIDV đạt 1.176 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 16,7% so với năm 2016, tiếp tục là một trong những ngân hàng TMCP có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Tổng nguồn vốn huy động đạt trên 1106 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 17,9% so với 2016; trong đó tiền gửi tổ chức kinh tế và dân cư đạt trên 934 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 17,4%, chiếm 12,5% huy động vốn toàn ngành ngân hàng.
Điểm đáng chú ý trong công bố này là chênh lệch thu chi năm 2017 của BIDV đạt kết quả tốt nhất từ trước đến nay là 24.032 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với 2016. Sau trích lập dự phòng và các khoản khác, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đạt 8.800 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu của Đại hội đồng cổ đông đề ra và là con số lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã công bố mức lợi nhuận kỷ lục lên tới 10.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016, vượt 8,7% so với kế hoạch năm đề ra (9.200 tỷ đồng). Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong số các ngân hàng đưa ra con số dự kiến trong năm vừa qua.
Năm 2017, Vietcombank được đánh giá đạt mức tăng trưởng quy mô, hiệu quả kinh doanh cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Vietcombank cũng là ngân hàng đầu tiên xử lý sạch nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước thời hạn 3 năm, hoàn thành giai đoạn tái cơ cấu về xử lý nợ xấu, minh bạch đưa nợ xấu về một sổ và chính thức kiểm soát, quản trị được chất lượng tín dụng một cách thực chất.
Không chỉ riêng Vietcombank hay BIDV, theo đánh giá độc lập của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2017 khá khả quan với lợi nhuận sau thuế của hệ thống ước tăng 44,5% so với năm trước.
Sở dĩ đạt được mức lợi nhuận này, nhiều chuyên gia cho rằng có sự hỗ trợ rất lớn từ tín dụng bởi đây vốn là nguồn sinh lời lớn nhất của ngân hàng. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, tăng trưởng tín dụng trong năm 2017 rất khả quan, ở mức khoảng 18%, nên lợi nhuận của nhà băng cũng tăng trưởng theo là điều đương nhiên.
Bên cạnh đó, một vài tín hiệu về quá trình tái cơ cấu và quản trị rủi ro trong thời gian vừa qua cũng báo hiệu một năm khấm khá cho ngành ngân hàng.(TTXVN)
-------------------------
Bạc Liêu thu hồi 11 dự án chậm tiến độ
Ngày 6.1, Sở KH-ĐT Bạc Liêu cho biết UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi 11 dự án do nhà đầu tư không đảm bảo năng lực, không triển khai hoặc chậm tiến độ trong thời gian dài.
Điển hình là dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề tư thục Lê Hoa, do Công ty TNHH đầu tư giáo dục Lê Hoa làm chủ đầu tư; khu du lịch Nhà Mát (khu 1) do Công ty TNHH đầu tư công nghiệp Bắc Trung Nam làm chủ đầu tư; dự án khu nhà ở Kênh Ba Túc do Công ty TNHH Thiên Phúc làm chủ đầu tư; dự án sản xuất, mua bán đồ gỗ, trang trí nội thất do Công ty TNHH sản xuất - dịch vụ - thương mại Hiệp Nguyên làm chủ đầu tư...
Theo sở này, nguyên nhân các dự án trên bị thu hồi do nguồn lực tài chính của nhà đầu tư còn hạn chế, việc thẩm định năng lực nhà đầu tư còn nhiều bất cập, vị trí, địa lý môi trường đầu tư chưa thuận lợi, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ nên việc thu hút, mời gọi đầu tư gặp rất nhiều khó khăn...(Thanhnien)