Tin kinh tế đọc nhanh 27-02-2018
Năm 2020 có thêm sân bay Vân Đồn và Phan Thiết
Từ nay đến năm 2020, có hai cảng hàng không sẽ được đưa vào khai thác là sân bay Vân Đồn ở Quảng Ninh và sân bay Phan Thiết ở Bình Thuận.
Theo quy hoạch, số lượng máy bay khai thác của Việt Nam đến năm 2020 đạt 220 máy bay các loại và 23 cảng hàng không - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Hai cảng hàng không này sắp ra đời theo quyết định 236/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ban hành.
Theo đó, đến năm 2020 cả nước sẽ khai thác tổng cộng 23 cảng hàng không (giảm 3 cảng so với quy hoạch trước đó) và đến 2030 sẽ khai thác 28 cảng.
Theo quy hoạch, trong 2 năm nữa Việt Nam có tổng cộng 13 cảng hàng không quốc nội và 10 cảng hàng không quốc tế, trong đó 4 cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh là cửa ngõ quốc tế.
Đến năm 2030, hệ thống hàng không sẽ được khai thác là 28, gồm 15 cảng hàng không quốc nội và 13 cảng hàng không quốc tế, trong đó sân bay Long Thành được bổ sung trong vai trò cửa ngõ quốc tế.
Quy hoạch đưa ra mục tiêu đến năm 2030, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển cùng với đội tàu bay hiện đại.
Số lượng máy bay khai thác đến năm 2020 đạt 220 chiếc (quy hoạch trước đây là 140-150 chiếc), đến năm 2030 đạt 400 chiếc (quy hoạch trước đó là 230-250 chiếc).
Đến năm 2020 sẽ đạt mức vận chuyển khoảng 64 triệu hành khách, 570.000 tấn hàng hóa qua đường hàng không và đến năm 2030 đạt khoảng 131 triệu hành khách và 1,7 triệu tấn hàng hóa, theo quy hoạch mới.(Tuoitre)
------------------------------
TP.HCM đề xuất tăng cao phí đậu ô tô
UBND TP.HCM vừa hoàn thành dự thảo đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tạm dừng đỗ ô tô trên lòng đường, hè phố ở TP để lấy ý kiến phản biện của các cơ quan chức năng và người dân.
Bãi đậu xe có thu phí ở công viên 23.9 (Q.1) luôn kín ô tô
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Đề án này nằm trong chương trình thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP, sẽ được đưa ra lấy ý kiến của Ủy ban MTTQ TP, các cơ quan chức năng và người dân trước khi thông qua.
Thấp nhất 20.000 đồng/giờ
Theo đề án, mức phí dừng, đỗ xe ô tô trên lòng đường, vỉa hè tại các khu vực được phép sẽ tính theo giờ thay vì theo lượt ngày và đêm như trước đây. Cụ thể, phí giữ xe đến 9 chỗ và xe tải từ 1,5 tấn trở xuống: ở khu vực quận 1, 3, 5 trong 2 giờ đầu tiên là 25.000 đồng/giờ, 2 giờ tiếp theo 30.000 đồng/giờ, từ giờ thứ 5 trở đi là 35.000 đồng/giờ, đậu xe qua đêm (từ 0 - 6 giờ) 150.000 đồng; ở khu vực quận 10, 11 trong mọi khung giờ rẻ hơn 5.000 đồng/giờ, phí đậu qua đêm 120.000 đồng. Xe từ 10 - 16 chỗ và xe tải trên 1,5 - 2,5 tấn: dừng, đậu tại khu vực quận 1, 3, 5 chịu phí 30.000 đồng/giờ cho 2 giờ đầu, 35.000 đồng/giờ cho 2 giờ tiếp theo, từ giờ thứ 5 trở đi là 40.000 đồng/giờ, đậu qua đêm 180.000 đồng; khu vực quận 10, 11 cũng có mức phí rẻ hơn 5.000 đồng/giờ, đậu qua đêm 150.000 đồng.
Cơ sở để đưa ra mức phí trên, theo UBND TP, là hiện mức thu phí 5.000 đồng/xe/lượt rất thấp, trong khi ở các trung tâm thương mại, cao ốc thu bình quân từ 10.000 - 25.000 đồng/giờ đầu tiên và lũy tiến cho các giờ tiếp theo, dẫn đến các trường hợp lợi dụng mức phí này để biến lòng đường thành bãi tạm giữ đỗ xe, đỗ xe kéo dài cả ngày. Mức phí quá thấp cũng không đủ trang trải chi phí trông giữ xe của các quận huyện. Vì vậy, TP đề xuất mức phí mới thu cao hơn 10 - 20% so với mức thu ở cao ốc, trung tâm thương mại. TP hiện có 35 tuyến đường được phép đậu xe dưới lòng đường của quận 1, 3, 5, 10, 11, với mức thu trên nếu quản lý tốt sẽ thu bình quân 31 tỉ đồng/tháng. Trường hợp phát sinh các tuyến đường được phép đậu xe không thuộc các địa phương trên thì mức phí đậu xe được áp dụng như đối với quận 10, 11.
Cũng theo UBND TP.HCM, việc tăng phí cao hơn nhiều lần so với mức hiện nay sẽ góp phần hạn chế người dân sử dụng ô tô cá nhân vào nội đô, cân nhắc lựa chọn các phương tiện đi lại khác nhằm giảm ùn tắc; đồng thời giảm bớt tình trạng tạm dừng đỗ xe trên lòng đường, tăng sự hấp dẫn và tính khả thi đối với các dự án đầu tư xây dựng các bãi xe tập trung (ngầm, nổi).
Cần làm rõ nguồn thu - chi
TS Phạm Sanh, chuyên gia lĩnh vực giao thông, cho rằng cần làm rõ cơ sở nào đưa ra giá thu từng quận, rồi phí thu cao hơn 10 - 20% so với giá dịch vụ của cao ốc, trung tâm thương mại bởi giá ở các trung tâm thương mại hiện đã cao. “Một vấn đề nữa cần làm rõ là kiểm soát số phí thu, vì nếu làm không chặt chẽ dễ sinh ra tiêu cực, tham nhũng. Sau khi thu xong sẽ kiểm soát chi ra sao (nâng cấp đường nào, mở rộng hạ tầng chỗ nào, phát triển hệ thống giao thông công cộng nơi đâu) cũng cần làm rõ, minh bạch chứ không nêu chung chung là để xây dựng hệ thống giao thông”.
Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích: giải pháp thu phí dừng đỗ chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể giải pháp giao thông của TP. Để giải quyết căn cơ tình trạng kẹt xe thì cần giải pháp đồng bộ trong đó phí dừng đỗ thu được phải đưa vào phát triển giao thông công cộng, thậm chí giao thông công cộng miễn phí vào khu trung tâm để người dân sử dụng hạn chế dùng xe cá nhân. Đây là cách mà nhiều TP trên thế giới đã làm, tiêu biểu nhất là Los Angeles (Mỹ). “Khu vực trung tâm hiện rất thiếu chỗ đậu xe nên nhà nước phải tính toán thêm bãi đậu xe”, KTS Sơn nói.
35 tuyến đường dự kiến tăng mức thu phí tạm dừng đỗ ô tô
- Q.1: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Trương Định, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Du, Nguyễn Cư Trinh, Thủ Khoa Huân, Ngô Đức Kế, Đông Du, Cao Bá Quát, Hồ Huấn Nghiệp, Lê Lai, Hai Bà Trưng, Nguyễn Văn Cừ.
- Q.3: Bà Huyện Thanh Quan, Trương Định, Trần Quốc Thảo, Hồ Xuân Hương, Võ Văn Tần, Pasteur, Lê Ngô Cát.
- Q.5: An Dương Vương, Nguyễn Thị Nhỏ, Phan Văn Trị, Tản Đà, Lê Hồng Phong, Trần Bình Trọng, Phạm Hữu Chí.
- Q.10: Lê Hồng Phong, Cao Thắng, Nguyễn Giản Thanh, tuyến hẻm hai bên công viên Vườn Lài, hẻm 51 Thành Thái, tuyến hẻm xung quanh công viên Z756 (hẻm 283 và 285 Cách Mạng Tháng Tám).
- Q.11: đường số 2 cư xá Lữ Gia.
--------------------------------
Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu gạo từ 3 doanh nghiệp lớn Việt Nam
Cuối tháng 1 vừa qua, phía Trung Quốc đã tạm ngưng việc nhập khẩu gạo từ ba doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo Việt Nam. Sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết, do doanh nghiệp thiếu hoàn toàn các thông tin chính thức.
Thông tin từ ông Nguyễn Xuân Hồng – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An tại Hội nghị Tham tán Thương mại 2018 do Bộ Công thương tổ chức sáng nay ở TP.HCM. Trong số các doanh nghiệp Việt Nam được phía Trung Quốc cấp phép xuất khẩu gạo vào thị trường này, đã có 3 doanh nghiệp bị tạm dừng việc kinh doanh tại thị trường này.
Ông Hồng cho biết, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường lớn của xuất khẩu nông sản Việt Nam nói chung và mặt hàng lúa gạo nói riêng, tuy nhiên, quốc gia này cũng đang thay đổi nhiều chính sách về xuất nhập khẩu, siết chặt các vấn đề về quản lý chất lượng, bảo hộ sản xuất trong nước cũng như hạn chế mậu dịch biên giới… Việc này đã ảnh hưởng nhiều tới hoạt động thương mại giữa hai bên, đặc biệt là các mặt hàng nông sản.
Vấn đề lớn hơn nữa là do thiếu thông tin, doanh nghiệp không thể tận dụng các cơ hội phát triển kinh doanh hoặc phải vướng vào các vấn đề kiện tụng, tranh chấp hoặc bị trả hàng về, gây tổn thất lớn cho cả doanh nghiệp và quốc gia.
Thiếu thông tin nên doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, năm 2017, người chăn nuôi Việt Nam phải trải qua một cuộc khủng hoảng lớn, giá lợn giảm sâu khiến nông dân lao đao, đến mức cả xã hội phải chung tay “giải cứu”.
Trong khi đó, nhu cầu thịt heo tại các tỉnh biên giới Trung Quốc vẫn tăng cao, tuy nhiên, việc xuất khẩu qua biên giới bị siết chặt, thương lái hai bên cũng ngày càng khó khăn hơn trong các giao dịch tiểu ngạch. Trong khi đó, Việt Nam và Trung Quốc chưa hề có một thỏa thuận chính thức nào về xuất nhập khẩu thịt. Và đây là vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới.
“Nhu cầu tiêu thụ thịt heo ở Trung Quốc rất lớn, nếu có thể giao dịch chính ngạch giữa hai nước sẽ hỗ trợ nhiều trong việc tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi Việt Nam. Tuy nhiên, để có được thỏa thuận này, hoạt động tiêu thụ thịt heo trong nước cũng phải được cải thiện sang hình thức hiện đại hơn”, ông Hòa nói.
Theo đó, TP.HCM đang từng bước kiểm soát các hoạt động giết mổ, tiêu thụ sản phẩm thịt heo, tổ chức truy xuất nguồn gốc từ nơi giết mổ đến người tiêu dùng… Ngoài ra TP.HCM cũng đang lập đề án xây dựng sàn giao dịch thịt heo theo hướng hiện đại. Hiện tại, mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 – 11.000 con heo. Với giá thành từ 30.000 – 32.000 đồng/kg, giá trị sản phẩm thịt heo tiêu thụ tại TP.HCM ước tính khoảng 500 triệu USD.
Dù dư địa thị trường tại các đối tác lớn của Việt Nam, đặc biệt là các nước đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA), tuy nhiên, tại hội nghị sáng nay, nhiều doanh nghiệp “phàn nàn” việc thiếu thông tin, hoặc không thể liên lạc được với các tham tán thương mại Việt Nam.
Lúc xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp gỗ nhiều lần "gõ cửa" văn phòng Thương vụ Việt Nam nhưng không nhận được phản hồi. Ảnh minh họa: Nguyên Vỹ.
Ông Bùi Hữu Thêm, Chánh văn phòng Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) kể, mới đây, một doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội này là Công ty TNHH Gia Hân có xảy ra tranh chấp với Công ty Global Home S.R.O do ông Otto De Jager làm đại diện, có trụ sở tại Cộng hòa Czech. Theo đó, phía Gia Hân ký hợp đồng bán sản phẩm nhưng phía Global Home không thanh toán.
Lúc này, HAWA có liên lạc với Tham tán Thương mại Việt Nam tại Cộng hòa Czech để nhờ tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp Global Home cũng như người đại diện là ông Otto De Jager. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên lạc, HAWA không nhận được phản hồi từ phía Tham tán thương mại. Hiệp hội này tiếp tục nhờ đến sự can thiệp của Bộ Công thương nhưng vẫn không thành công vì vướng nhiều thủ tục hành chính, pháp lý.
Ông Thêm cho rằng, doanh nghiệp không đòi hỏi gì cao lớn ở các Tham tán Thương mại trong việc tìm kiếm thị trường, đối tác… nhưng mong muốn có được những thông tin chính xác về các thay đổi trong chính sách kinh tế, xuất nhập khẩu của các nước. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần những thông tin về xu hướng thị trường tiêu dùng, hướng phát triển cho doanh nghiệp ở từng quốc gia có Thương vụ Việt Nam.
Tuy nhiên, về vụ việc này, Tham tán thương mại Việt Nam tại Cộng hòa Czech cho rằng, đơn vị này đã tìm hiểu và xác định ông Otto có đăng ký là thành viên HĐQT hoặc là giám đốc điều hành của 20 doanh nghiệp trong ngành gỗ. Tuy nhiên, do các vấn đề pháp lý, việc tìm hiểu doanh nhân này có “làm ăn đàng hoàng” hay đã từng lừa đảo gì chưa… thì không thể thực hiện được.
Ông Lâm Văn Bi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đề xuất, năm 2018, các Tham tán thương mại Việt Nam cần tăng cường dự báo nhu cầu hàng hóa tại các nước sở tại, đồng thời, giúp doanh nghiệp xác minh được năng lực của nhà nhập khẩu trước khi thực hiện các giao dịch mua bán, tránh xảy ra các tranh chấp thương mại.(Danviet)
---------------------------
Ôtô nhập khẩu Thái Lan rộng cửa quay lại Việt Nam từ tháng 3
Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã chấp nhận mẫu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô do Chính phủ Thái Lan cung cấp cho xe xuất khẩu từ nước này vào Việt Nam. Đây là loại giấy tờ quan trọng nhất, chìa khóa để mở cánh cửa vốn gần như khép lại với xe nhập khẩu từ Thái Lan.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng ban kế hoạch chiến lược Toyota Việt Nam cho biết, các hãng đã trình loại giấy này cho Bộ Giao thông một thời gian và mới đây Bộ đã đồng ý. Các hãng đang ráo riết lên kế hoạch đưa hoạt động nhập khẩu liền mạch trở lại sau nhiều tháng gián đoạn.
Nghị định 116 ban hành từ tháng 10/2017, hai tháng cuối năm ngoái các hãng bán nốt số xe còn lại trong kho và về những đợt hàng cuối đã đặt từ trước. Hai tháng đầu 2018, hãng không còn xe để bán, lượng xe trôi nổi trên thị trường ở các đại lý cũng rất hiếm.
Giải quyết được giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, xe nhập khẩu như CR-V sẽ rộng cửa về Việt Nam.
Honda Việt Nam cho biết lô xe CR-V mới sẽ về trong đầu tháng 3, nhưng thời gian nằm cảng có thể tới gần hai tháng bởi phải chờ kiểm định theo lô, vì vậy cuối tháng 4-đầu tháng 5 xe mới ra thị trường. Quy định của Hải quan trong tờ khai một lô hàng, giá trị nộp thuế không được quá 12 con số. Do vậy với những xe giá trị cao, nhập cả nghìn xe thì cùng một chuyến hàng nhưng có thể phải tách thành nhiều lô, mỗi lô như vậy phải kiểm định một xe riêng, thời gian nằm chờ ở cảng sẽ tăng lên. Honda hiện có 5 mẫu xe nhập khẩu, trong đó 4 mẫu từ Thái Lan là CR-V, Civic, Accord, sắp tới thêm Jazz, chỉ có Odyssey nhập từ Nhật Bản.
Trong khi đó Toyota chưa thể đưa các mẫu xe nhập khẩu về sớm như Honda bởi phải đặt hàng nhà máy lại từ đầu. Những lô hàng đã đặt trước đó nhưng không thể về nước đã được sửa đổi để xuất sang thị trường khác. Từ khi đặt hàng tới lúc có thể rời nhà máy, lên tàu về Việt Nam sẽ tốn khoảng 3 tháng hoặc nhiều hơn. Như vậy ít nhất tháng 6 mới có xe nhập khẩu của Toyota từ Thái Lan. Ford cũng ở hoàn cảnh tương tự như Toyota. Hãng xe còn đang chờ đợi những phản hồi chính thức từ Ford Thái Lan, hiện chưa đặt hàng lô mới.
Mẫu xe nhập khẩu bán chạy nhất của Toyota là Fortuner lại chưa có cửa sáng bởi xuất xứ Indonesia. Chính phủ nước này vẫn chưa đồng ý cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho xe xuất khẩu sang Việt Nam. Thương hiệu xe sang Lexus cũng ở hoàn cảnh tương tự, chính phủ Nhật không cung cấp giấy, Lexus Việt Nam có thể tính chuyện nhập xe từ châu Âu.
Xe nhập khẩu bị gián đoạn là cơ hội tăng doanh số cho các mẫu xe lắp ráp. Fortuner không có hàng, khách có thể chuyển hướng sang Hyundai Santa Fe, thậm chí phân khúc thấp hơn như Tucson, CX-5, Outlander lắp ráp. Lợi thế sẵn hàng cũng có thể là nguyên cớ để tăng giá, tận dụng cơ hội đem lại lợi nhuận cao hơn.
Theo các chuyên gia, vấn đề của Nghị định 116 đến thời điểm này không còn nằm ở việc các hãng có cung cấp được giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại hay không, mà nằm ở thời gian. Quản lý cấp trung một hãng xe châu Âu cho biết, "nếu các hãng xe còn muốn bán ôtô vào Việt Nam, họ sẽ tự biết cách tìm ra giấy chứng nhận". Do vậy, vấn đề chỉ cần nới khoảng thời gian rộng hơn để chuẩn bị thì sẽ không có những tranh cãi như hiện nay.
Trái ngược với các hãng xe nhập từ châu Á, hầu hết các thương hiệu châu Âu như Porsche, Mercedes, Volvo, Volkswagen cho rằng nhà sản xuất sẽ cung cấp được giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại.(Vnexpress)