TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 19-04-2016

    Bắt vụ xuất khống vải nguyên liệu trị giá hơn 5 tỷ đồng

    Theo tin từ Chi cục Hải quan Quản lý hàng gia công, qua kiểm tra hàng hóa là nguyên phụ liệu thuộc một đơn hàng do doanh nghiệp xuất trả (tái xuất), Chi cục đã phát hiện doanh nghiệp xuất khống gần 1 triệu yads vải, trị giá hơn 5 tỷ đồng.

    vai nguyen phu lieu nhap lau do cuc hai quan tp.hcm bat giu. anh: t.h

    Vải nguyên phụ liệu nhập lậu do Cục Hải quan TP.HCM bắt giữ. Ảnh: T.H

    Tháng 3-2016, Công ty TNHH O. Vina (Hóc Môn – TP.HCM) mở tờ khai hải quan xuất trả hàng gia công, với 6 loại vải nguyên phụ liệu, trọng lượng trên 16 tấn.

    Sau khi lô hàng được phân luồng Vàng- kiểm tra hồ sơ, Đội Thủ tục hàng gia công – Chi cục Quản lý hàng gia công phát hiện có dấu hiệu nghi vấn nên đã đề xuất lãnh đạo Chi cục chuyển luồng đối với tờ khai này để kiểm tra thực tế. 

    Kết quả, phát hiện chỉ có 2 loại vải thực xuất theo đúng khai báo, còn lại 4 loại vải không xuất khẩu theo như khai báo trên tờ khai hải quan, với số lượng thiếu 99.970 yard vải, trị giá trên 5,1 tỷ đồng.  

    Với số lượng vải nguyên liệu gia công xuất khống nêu trên, theo tính toán sơ bộ của Chi cục Hải quan Quản lý hàng gia công, số số gian lận gần 1,2 tỷ đồng. Trong đó, thuế nhập khẩu trên 613 triệu đồng, số còn lại là thuế GTGT. 


    Khai ra sao khi muốn bổ sung số lượng hàng hóa NK?

    Tổng cục Hải quan vừa có công văn hướng dẫn Công ty TNHH Nhựa đường Petrolimex về khai báo bổ sung đối với trường hợp số lượng hàng hóa NK thực tế thay đổi so với số lượng ghi trên hợp đồng.

    so tien thue xk, thue nk phai nop duoc xac dinh tren co so tri gia thuc te thanh toan cho hang hoa xk, nk. anh: t.trang.

    Số tiền thuế XK, thuế NK phải nộp được xác định trên cơ sở trị giá thực tế thanh toán cho hàng hóa XK, NK. Ảnh: T.Trang.

    Theo Tổng cục Hải quan, căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 38/2015/TT-BTC thì người khai hải quan có trách nhiệm kê khai đầy đủ, chính xác, trung thực các tiêu chí trên tờ khai hải quan và các chứng từ phải nộp, phải xuất trình theo quy định của pháp luật.

    Trị giá hải quan hàng hóa NK là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên, được xác định bằng cách áp dụng tuần tự 6 phương pháp xác định trị giá quy định tại Điều 5 Thông tư 39/2015/TT-BTC.

    Trong trường hợp số lượng hàng hóa XNK thực tế cho chênh lệch so với hóa đơn thương mại do tính chất của hàng hóa, phù hợp với điều kiện giao hàng và điều kiện thanh toán trong hợp đồng mua bán hàng thì số tiền thuế XK, thuế NK phải nộp được xác định trên cơ sở trị giá thực tế thanh toán cho hàng hóa XK, NK và thuế suất từng mặt hàng... theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 37 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

    Thủ tục khai bổ sung thực hiện theo quy định tại Điều 20 Thông tư 38/2015/TT-BTC.


    Chính sách tiền tệ quý I có nhiều chuyển biến tích cực

    Với cơ chế điều hành được cải thiện từ đầu năm, hoạt động của hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ của Việt Nam được đánh giá khá ổn định trong quý I-2016.

    chua the tha noi hoan toan ty gia. anh: st

    Chưa thể thả nổi hoàn toàn tỷ giá. Ảnh: ST

    Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu Viện Ngân hàng – Tài chính, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong quý I-2016, tăng trưởng tín dụng đạt 1,54% so với 1,25% cùng kỳ 2015, huy động vốn của các ngân hàng thương mại cũng tăng 2,26% so với 0,95% của quý I-2015.

    Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại tăng 26% nhưng lãi suất cho vay vẫn được duy trì ổn định. Thanh khoản hệ thống ngân hàng được đánh giá là tốt với tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động (LDR) của toàn hệ thống ở mức 80,9%.

    Thị trường ngoại hối cũng được duy trì ổn định với sự ổn định theo xu hướng giảm nhẹ do nguồn cung cao hơn nhu cầu ngoại tệ, mua ròng ngoại tệ và dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong quý I tăng trên 3 tỷ USD.

    Mặc dù có nhiều cải thiện, nhưng theo PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong quý I, tăng trưởng tín dụng không đồng đều giữa các ngân hàng thương mại ở các địa phương khác nhau, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khác thường và vẫn theo xu hướng lạc quan với lãi suất cho vay ổn định. 

    Bên cạnh đó, mức độ tiếp cận tín dụng của các đối tượng ưu tiên còn hạn chế. Khảo sát của Viện Quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ cho thấy, đầu năm 2016, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng, còn lại phải tiếp tục sử dụng vốn tự có hoặc vay từ các nguồn phi chính thức với chi phí cao.

    Chính vì nguyên nhân trên, PGS.TS Đặng Ngọc Đức nhấn mạnh đến sự phát triển mạnh của tín dụng “đen”, đặc biệt nở rộ tại các vùng nông thôn với nhiều hình thức khác nhau. Nguyên nhân do nhiều người dân có nhu cầu vay vốn nhưng lại có hiểu biết hạn chế về các dịch vụ tài chính của hệ thống ngân hàng.

    Điểm nổi bật nhất của chính sách tiền tệ trong quý I là sự ra đời cách thức điều hành tỷ giá mới theo tỷ giá trung tâm biến động hàng ngày. Ngoài ra, việc NHNN áp dụng lãi suất tiền gửi USD xuống còn 0%/năm được đánh giá là giúp tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ giảm mạnh. Nhờ vậy, NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước.

    Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Bùi Quốc Dũng, sau 3 tháng áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, tỷ giá giao dịch trên thị trường giảm nhanh xuống mặt bằng mới thấp xa so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015. Tuy nhiên, tỷ giá sẽ không thả nổi hoàn toàn do lo ngại những biến động mạnh trong ngắn hạn trước tác động của các yếu tố tâm lý, kỳ vọng hay cú sốc kinh tế - tài chính trong và ngoài nước. 

    “Khi thị trường tài chính của Việt Nam thực sự phát triển sâu và doanh nghiệp có đầy đủ các công cụ để bảo hiểm tỷ giá thì tỷ giá mới có thể thả nổi hoàn toàn cho thị trường quyết định” – ông Dũng khẳng định.

    Bên cạnh những vấn đề trên, thị trường tài chính ngân hàng vẫn còn một vài tồn tại như: phương pháp giải quyết triệt để nợ xấu, 3 tháng đầu năm 2016 vẫn chưa có hoạt động mua bán sáp nhập tổ chức tín dụng dù vẫn còn các tổ chức yếu kém cần cơ cấu lại…

    Từ những tồn tại này, PGS.TS Đặng Ngọc Đức kiến nghị NHNN cần tiếp tục kiên trì với mục tiêu ổn định thị trường tài chính, hạn chế sự mất giá của đồng nội tệ, thúc đẩy công cuộc tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng. Đặc biệt, NHNN cần sớm nghiên cứu áp dụng các biện pháp xử lý triệt để nợ xấu qua thị trường một cách hiệu quả thông qua các công cụ có uy tín, có tính thanh khoản cao để thu hút đầu tư của tư nhân trong và ngoài nước.


    Quý I: Kim ngạch XNK của doanh nghiệp FDI lấn át doanh nghiệp nội

    Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 3 tháng/2016 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 49,77 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 65,3% trong tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

    tong kim ngach xuat nhap khau trong 3 thang/2016 cua cac doanh nghiep co von dau tu truc tiep nuoc ngoai (fdi) la 49,77 ty usd.

    Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 3 tháng/2016 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là 49,77 tỷ USD.

    Cũng theo Tổng cục Hải quan, trị giá nhập khẩu hàng hóa trong quý I-2016 của khối doanh nghiệp FDI và khối doanh nghiệp trong nước đều giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

    Theo đó, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong quý I-2016 là 22,49 tỷ USD, giảm 4,5% tương ứng giảm 1,06 tỷ USD. Riêng nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm tới 1,44 tỷ USD.

    Tuy nhiên, khối doanh nghiệp này cũng tăng nhập khẩu ở một số nhóm hàng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 699 triệu USD; kim loại thường khác tăng 218 triệu USD.

    Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý I của khối các doanh nghiệp trong nước đạt 26,4 tỷ USD, giảm 2,8% và chỉ chiếm 34,7% trong tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

    Trị giá nhập khẩu hàng hóa của khối các doanh nghiệp trong nước trong 3 tháng/2016 là 14,92 tỷ USD, giảm 3,3% (tương ứng giảm 512 triệu USD). Xuất khẩu hàng hóa của khối các doanh nghiệp này cũng suy giảm 2,2% trong quý I-2016.


    Dừng vay ngoại tệ: Kẻ bình chân, người khốn đốn

    Kể từ đầu tháng 4-2016, nhiều DN tỏ ra lo lắng trước quy định chấm dứt cho vay ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với trường hợp vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu trong nước, các DN XK tùy điều kiện vẫn có thể được vay.

    voi mat bang lai suat vay bang vnd da giam manh, nen chenh lech lai suat vay usd va vnd khong qua lon. anh: tran viet.

    Với mặt bằng lãi suất vay bằng VND đã giảm mạnh, nên chênh lệch lãi suất vay USD và VND không quá lớn. Ảnh: Trần Việt.

    Nơi bảo không lo

    Theo Thông tư 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú (Thông tư 24) của NHNN, trong 4 nhóm đối tượng có nhu cầu vay ngoại tệ thì chỉ một nhóm đối tượng thuộc diện bị cấm cho vay ngoại tệ kể từ ngày 31-3-2016. Đó là nhóm đối tượng vay ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa XK qua cửa khẩu biên giới Việt Nam. Theo NHNN, nhóm đối tượng này chỉ muốn vay ngoại tệ sau đó bán đi lấy tiền đồng để hưởng mức chênh lệch lãi suất cao, bởi thực chất bản thân họ chỉ có nhu cầu tiền VND chứ không phải ngoại tệ.

    Theo quy định này, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam cho rằng, khách hàng không được vay ngoại tệ sẽ phải chuyển sang vay vốn bằng VND. Tuy nhiên, với mặt bằng lãi suất vay bằng VND đã giảm mạnh trong vài năm gần đây nên chênh lệch lãi suất vay USD và VND hiện nay không quá lớn. Ngoài ra, các DN XK có thể tham gia bán kỳ hạn doanh thu XK ngoại tệ nếu họ kỳ vọng VND không mất giá nhiều như chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền. Nếu kỳ vọng VND sẽ mất giá nhiều hơn, các DN có thể bán giao ngay khi thu được doanh thu XK.

    Về phía DN, bà Hà Thu Giang, Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống và Xúc tiến thương mại CG (DN chuyên XNK máy móc, thiết bị) tỏ ra lạc quan khi cho rằng, với cơ chế tỷ giá ổn định như hiện nay cùng những ưu đãi từ ngân hàng, vốn vay bằng VND được giảm xuống còn 7-8%/năm nên khi quy đổi ra USD đều nhận được giá trị tương đương. Hơn nữa, khi cần thanh toán với khách hàng bằng USD, DN hoàn toàn có thể sử dụng luôn dịch vụ quy đổi ngoại tệ của ngân hàng với chi phí hợp lý và ưu đãi.

    Lý giải cụ thể hơn về vấn đề này, theo ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), trước đây nền kinh tế còn tăng trưởng thấp, cầu về thị trường thấp nên NHNN hỗ trợ các đối tượng này được vay vốn để hưởng mức lãi suất thấp, sau đó bán lại tiền đồng đáp ứng nhu cầu vốn trong nước. Tuy nhiên, khi kinh tế phục hồi, cầu ngoại tệ tăng lên nên trong lộ trình chống đô la hóa, cần chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán, hơn nữa, việc điều chỉnh tỷ giá đã làm cái lợi hưởng chênh lệch lãi suất không còn nhiều.

    Nơi lại lao đao

    Trên thực tế, Thông tư 24 của NHNN đã được công bố từ cuối năm 2015, có hẳn 3 tháng để DN chủ động với kế hoạch vay vốn của mình. Nhưng nhiều DN lại chờ đến khi Thông tư này có hiệu lực mới cuống cuồng than khó.

    Mới đây, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn tới NHNN kiến nghị xem xét sửa đổi điều khoản siết vay ngoại tệ của Thông tư 24, giúp DN XK thủy sản có thêm cơ hội vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ phục vụ sản xuất, XK.

    Những lý do được VASEP đưa ra là: DN XK mang lại ngoại tệ nhưng không còn được vay ngoại tệ với lãi suất từ 2-2,5%/năm mà quay trở lại chủ yếu vay vốn bằng VND với lãi suất cao hơn từ 6-6,5%/năm. Hơn nữa, trong năm 2015, nhiều nước XK cạnh tranh với Việt Nam đã phá giá đồng nội tệ để thúc đẩy XK, giảm giá hàng XK đã khiến nhiều ngành hàng XK của Việt Nam giảm sút sản lượng. Bên cạnh đó, hiện nay, đa phần DN Việt Nam tham gia vào sản xuất XK là các DN vừa và nhỏ, với tình hình sản xuất, XK còn khó khăn, các DN này chưa kịp cơ cấu sắp xếp được nguồn vốn khả dĩ cho các phương án sản xuất kinh doanh hàng XK năm 2016. Do đó, việc chênh lệch đáng kể lãi suất giữa ngoại tệ và tiền đồng sẽ càng đẩy giá thành khiến hàng hóa XK của Việt Nam cao hơn, làm giảm sức cạnh tranh, đồng thời tạo khoảng cách xa hơn trong lợi thế cạnh tranh với các DN có vốn đầu tư nước ngoài FDI khi họ có được các khoản vay hoặc nguồn vốn bằng ngoại tệ.

    Đặc biệt, theo VASEP, bối cảnh quý I-2016 cho thấy xu hướng tỷ giá đã ổn định dần nên việc cho phép các DN XK được vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ trong năm 2016 sẽ không làm gia tăng các tác động tiêu cực bởi việc kém ổn định của tỷ giá.

    Đồng tình với những quan điểm trên, ông Phạm Văn Pha, Giám đốc Công ty TNHH XNK Phương Thanh (DN chuyên sản xuất, XK các mặt hàng thủ công mỹ nghệ) cho hay, lãi suất huy động thời gian gần đây tăng cao nên lãi suất cho vay bằng VND càng có nguy cơ để tăng lên. Như vậy, chênh lệch giữa lãi suất ngoại tệ và tiền đồng càng được kéo giãn, DN thuộc diện ngừng vay ngoại tệ sẽ chịu khá nhiều thiệt hại.

    Không những thế, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trung Vân (DN chuyên sản xuất, XK thiết bị cơ khí) cho biết thêm, nhiều linh phụ kiện của Công ty phải mua từ các DN FDI, trong khi đó, một số DN lại đòi hỏi thanh toán bằng ngoại tệ. Hiện tiền lãi bằng ngoại tệ khi buôn bán với đối tác nước ngoài có thể không đủ để trả tiền mua linh phụ kiện, thậm chí, khách hàng thanh toán cũng theo mùa vụ, lúc thì tiền hàng ùn ùn đổ về, lúc thì DN phải tự bỏ tiền vốn để sản xuất.

    Nhìn chung, quy định khi ban hành bao giờ cũng sẽ vấp phải những phản ứng nhiều chiều, ai cũng có cái lý của mình để đưa ra bàn thảo. Nhưng với DN, không thể cứ trông chờ mãi vào sự ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước mà nên có sự chủ động tìm cách ứng phó, nhất là khi đã và đang bước vào "sân chơi lớn" của hội nhập quốc tế.


    (

    Tinkinhte

    tổng hợp)
    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn