TAKING TOO LONG?
CLICK/TAP HERE TO CLOSE LOADING SCREEN.
 
 
 
 

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 30-07-2016

    "Quả bom" môi trường Formosa lại nóng trên Quốc hội

    Trong phiên họp toàn thể Quốc hội ngày 29/7, nhiều đại biểu bức xúc và lên án câu chuyện Formosa làm hủy hoại môi trường biển tại Việt Nam, cần nhanh chóng làm rõ trách nhiệm và xử lý.

    Cần làm rõ trách nhiệm, tránh lúng túng

    Tại phiên thảo luận về báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016 diễn ra sáng nay (29/7), nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc về vấn đề môi trường, đặc biệt là sự cố môi trường biển khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung.

    Đại biểu Trần Công Thuật (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình) nêu tình trạng ô nhiễm môi trường thời gian qua xảy ra khắp nơi, nhất là sự cố gây ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung do Formosa gây ra đã ảnh hưởng xấu, tác động lớn đến đời sống nhân dân, an ninh xã hội và lòng tin của người dân.

    "Ảnh hưởng của sự cố môi trường biển là hết sức nghiêm trọng, kéo lùi sự phát triển của tỉnh, cả về đời sống và lòng tin của nhân dân. Ít nhất trong 4 tháng qua điêu đứng, lòng dân không yên”, Đại biểu Trần Công Thuật nói.

    Đại biểu tỉnh Quảng Bình kiến nghị cần sớm thực hiện chính sách hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại và khu vực liên quan, công khai minh bạch những thứ dân được đền bù, hỗ trợ

    "Bà con cũng quan tâm đến việc làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong sự cố môi trường vừa qua, tránh lúng túng thiếu nhạy bén", ông Thuật nhấn mạnh.

    Theo đại biểu tỉnh Quảng Bình, Chính phủ cần cho dân câu trả lời khi nào có thể đánh bắt gần bờ, khi nào bà con có thể ăn hải sản và khi nào có môi trường biển an toàn.

    "Đúng là chúng ta vừa cần cá, tôm và thép nhưng có cần một Formosa tới 70 năm không. Một quả bom môi trường nằm sát kề ai cũng lo lắng”, đại biểu Trần Công Thuật đặt vấn đề.

    Quốc hội không thể đứng ngoài cuộc

    Cũng về vấn đề này, đại biểu Hà Sỹ Đồng tỉnh Quảng Trị cho rằng Chính phủ cầnchỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa để việc sản xuất của công ty này không gây hậu quả về môi trường tương tự trong tương lai.

    "Quốc hội không thể đứng ngoài cuộc, tôi đề nghị Quốc hội không chỉ tìm ra câu trả lời thật rõ ràng minh bạch về trách nhiệm sai phạm của Formosa, mà còn phải nhanh chóng rà soát văn bản pháp luật để ngăn chặn ngay từ đầu những nhà đầu tư có nguy cơ đe dọa đến đời sống của nhân dân. Có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả những người không còn đương chức", ông Hà Sỹ Đồng nói.

    dai bieu ha sy dong tinh quang tri

    Đại biểu Hà Sỹ Đồng tỉnh Quảng Trị

    Đại biểu này cho rằng còn gì buồn hơn và lo lắng hơn khi người dân không ra khơi bám biển mà phải đi tìm những việc làm khác để mưu sinh kiếm sống. Bên cạnh đó, các khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành, các điểm kinh doanh ven biển hoàn toàn bị ngưng trệ, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

    Thống kê cho thấy, lượng khách du lịch đến Quảng Trị giảm không còn bằng 1/10 so với cùng kỳ năm 2015.

    Cho rằng sự cố thủy hải sản chết do sự cố môi trường biển vừa qua liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, phạm vi đối tượng bị ảnh hưởng lớn, ông Hà Sỹ Đồng đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương mở rộng đối tượng thống kê thiệt hại trên tất cả các lĩnh vực để hỗ trợ thỏa đáng và công bằng.(NDH)

    Chính thức gỡ rối cho gói 30.000 tỉ đồng

    Tối 29-7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 25 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 11 quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-8.

    Thông tư quy định các khoản vay mà ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng với khách hàng trước ngày 31-3-2016 và đã được ngân hàng báo cáo NHNN tại  báo cáo định kỳ số liệu đến ngày 10-5-2016 được gia hạn giải ngân từ nguồn tái cấp vốn của NHNN đến hết ngày 31-12-2016. 

    Đối tượng được gia hạn giải ngân gói 30.000 tỉ đồng là khách hàng là cá nhân, hộ gia đình mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở.

    Liên quan đến việc xử lý đối với khoản giải ngân của các hợp đồng tín dụng ký trước ngày 31-3-2016 giữa ngân hàng với nhóm khách hàng cá nhân trong thời gian từ ngày 1-6-2016 đến ngày thông tư có hiệu lực, NHNN quy định trong trường hợp ngân hàng đã thu nợ lãi lớn hơn mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở, ngân hàng thực hiện hoàn trả phần chênh lệch nợ lãi giữa mức lãi suất thực tế đã thu và mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở trong thời hạn không quá 2 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành hoặc bù trừ cho khách hàng chậm nhất vào hai kỳ thu lãi gần nhất sau khi được NHNN tái cấp vốn.

    Trước đó dù Thủ tướng đã chính thức gia hạn gói vay 30.000 tỉ đồng đến hết năm 2016, nhưng nhiều gia đình vay vốn ở gói này đang lo lắng vì ngân hàng thông báo sẽ tính lãi suất thị trường cho các khoản giải ngân sau 1-6-2016 do chưa có văn bản hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước.

    Sau gần hai tháng, đến nay NHNN đã có hướng dẫn chính thức về việc gia hạn.

    6 tháng, VN chi hơn nửa tỉ USD nhập khẩu ngô

    Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, sáu tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã chi tới hơn 650 triệu USD, tương đương hơn 14.650 tỉ đồng để nhập 3,3 triệu tấn ngô. 

    Giá bình quân mỗi kg ngô được nhập về trong 6 tháng qua chỉ khoảng 4.400 đồng.

    Còn cả năm 2015, đã có 7,7 triệu tấn ngô ngoại được nhập về Việt Nam. Tổng trị giá lượng ngô nhập khẩu của năm ngoái là hơn 1,6 tỉ USD, tương đương khoảng 37.140 tỉ đồng. Giá ngô bình quân nhập về năm 2015 cũng rất thấp, chỉ khoảng 4.800 đồng/kg.

    Về thị trường nhập khẩu, Brazil là nước cung cấp chủ yếu ngô cho Việt Nam. Như năm 2015, có đến 64% lượng ngô nhập về Việt Nam từ Brazil và 6 tháng đầu năm nay, tỉ lệ này là hơn 60%.

    Sau Brazil, Argentina là thị trường thứ hai cung cấp ngô cho Việt Nam, chiếm trên 30% lượng ngô nhập về.

    Giải thích lý do VN chi quá nhiều ngoại tệ để nhập khẩu ngô dù là nước nông nghiệp, Hiệp hội thức ăn chăn nuôi VN cho rằng giá ngô nhập thường thấp hơn so với ngô trồng trong nước.  

    Từ tháng 9-2015 đến nay, giá ngô nhập khẩu ổn định 210 USD/tấn, khoảng 4.700 đồng/kg. Trong khi, ngô bán ở trong nước khoảng 7.000 đồng/kg mà mua về, doanh nghiệp còn phải phơi sấy lại nữa.

    Ngoài ra, cũng theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi VN, ngô trong nước chỉ đáp ứng 50% nhu cầu sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Do đó, chúng ta phải đi nhập là điều đương nhiên.

    Dự báo, đến khi VN chính thức tham gia TTP, không chỉ ngô mà sản lượng các sản phẩm nông nghiệp được nhập vào VN sẽ nhiều hơn khi thuế nhập khẩu áp mức 0%.

    Tịch thu hơn 800 tấn lúa mì nhập lậu từ tàu ​Panama

    Qua xác minh, Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định số lúa mì không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, thuyền trưởng hai sà lan không có giấy phép cập mạn tàu nước ngoài. 

    Ngày 28-7, thượng tá Nguyễn Nhuận Quỳnh - chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định tịch thu hơn 800 tấn lúa mì trị giá gần 5 tỉ đồng của Công ty Tân Long (Q.Thanh Xuân, Hà Nội).

    Đồng thời xử phạt công ty này 90 triệu đồng về hành vi “kinh doanh hàng hóa nhập lậu”.

    Ngoài ra, cơ quan biên phòng cũng xử phạt chín triệu đồng đối với Công ty Hải Đạt về hành vi “Cập mạn thuyền nước ngoài trong vùng nước nội thủy, lãnh hải không được phép của cơ quan có thẩm quyền”.

    Trước đó, tại khu vực cảng Phú Mỹ, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu, Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện sà lan LA 06759 vận chuyển khoảng gần 500 tấn lúa mì và sà lan SG 3907 vận chuyển khoảng hơn 300 tấn lúa mì. Cả hai sà lan này đang cập mạn tàu Navios Felicity, quốc tịch Panama.

    Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng hai sà lan không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nói trên và không có giấy phép cập mạn tàu nước ngoài.

    Qua xác minh, bộ đội biên phòng xác định số lúa mì không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc nói trên là của Công ty Tân Long còn hai sà lan cập mạn trái phép là của Công ty Hải Đạt.

    Số lùa mì bị tịch thu sẽ được bán đấu giá, xung công quỹ nhà nước

    ​Chậm nộp thuế chuyển nhượng vốn, Big C sẽ bị phạt

    Đó là khẳng định của Tổng cục Thuế trong văn bản vừa gửi Công ty TNHH thương mại quốc tế và dịch vụ siêu thị BigC Thăng Long.

    Theo Tổng cục Thuế, Tập đoàn Casino (Pháp) chuyển nhượng hệ thống siêu thị Big C VN cho Tập đoàn bán lẻ Central Group (Thái Lan) từ ngày 29-4 tới hôm nay 28-7 đã được 89 ngày nhưng doanh nghiệp vẫn chưa kê khai và nộp thuế.

    Chính vì vậy, Tổng cục Thuế đề nghị hệ thống Big C Việt Nam kê khai, nộp thuế đối với chuyển nhượng hệ thống siêu thị Big C Việt Nam.

    Trường hợp siêu thị Big C Việt Nam chậm nộp thuế thì ngoài việc phải nộp đủ tiền nợ thuế, doanh nghiệp còn bị phạt chậm nộp 0,05%/ ngày đối với số tiền thuế chậm nộp dưới 90 ngày và 0,07%/ ngày đối với số tiền thuế chậm nộp trên 90 ngày.

    Tổng cục Thuế khẳng định hệ thống siêu thị Big C Việt Nam phải có trách nhiệm kê khai và nộp thay số thuế thu nhập doanh nghiệp của thương vụ chuyển nhượng này.

    Vì siêu thị Big C Việt Nam là công ty được thành lập theo pháp luật Việt Nam sẽ phải nộp thuế thay cho Tập đoàn Central Group - đơn vị mua lại chuỗi siêu thị Big C Việt Nam khi doanh nghiệp này không hoạt động ở Việt Nam.

    Trở về
    logo-tinkinhte.com
    Copyright © 2009  Tinkinhte.com
    Giấy phép số 107/GP-TTĐT - cấp ngày 26/8/2009.
    Hỗ trợ và CSKH: 098 300 6168 (Mr. Toàn)
    E- Mail: admin@tinkinhte.com
    Powered by CIINS
    Thiết kế web và phát triển bởi WebDesign.vn